Hội nghị cấp cao VEPG lần thứ 4: Hướng tới chuyển dịch năng lượng bền vững |
Chương trình Đối thoại quốc gia về chuyển dịch năng lượng bền vững được coi là sự kiện quốc tế quy mô lớn đầu tiên của Quốc hội về chủ đề chuyển dịch năng lượng.
Sự kiện có sự tham dự của ông Nguyễn Đức Hải, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Lê Quang Huy, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường - Quốc hội; ông Guido Hildner - Đại sứ Cộng hoà Liên bang Đức tại Việt Nam, cùng đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ Năng lượng Indonesia; Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu - Cộng hòa Liên bang Đức; đại diện một số Bộ, ngành của Việt Nam cùng nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế. Chương trình được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định: Để đạt được các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, đặc biệt là ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55 về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó nêu rõ quan điểm “Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Để thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương đã và đang tập trung xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ có liên quan.
Theo ông Nguyễn Đức Hải, Quốc hội Việt Nam có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình triển khai Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam và thúc đẩy lộ trình chuyển dịch năng lượng quốc gia thông qua chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
"Thời gian qua, Quốc hội cũng đã yêu cầu Chính phủ đôn đốc hoàn thiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến phát triển năng lượng, như: (i) chiến lược phát triển năng lượng quốc gia; (ii) chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam; (iii) chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia; (i) quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia; (ii) quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; (iii) quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung cứng xăng dầu, khí đốt quốc gia; (iv) quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản" - ông Nguyễn Đức Hải chia sẻ.
Ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại chương trình Đối thoại Quốc gia chuyển dịch năng lượng bền vững |
Bên cạnh nỗ lực tự thân và nguồn lực trong nước, Việt Nam luôn mong muốn nhận được sự hợp tác, hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế, các đối tác quốc tế, đặc biệt là Cộng hòa Liên bang Đức, một quốc gia có nhiều hành động quyết liệt và giàu kinh nghiệm về chuyển dịch năng lượng.
"Quốc hội Việt Nam mong muốn các đối tác của phía Đức và Việt Nam, cũng như các nước Đông Nam Á tiếp tục tăng cường hợp tác trong giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu; các nước phát triển tiếp tục thúc đẩy thực hiện các cơ chế hỗ trợ tài chính, công nghệ, tri thức, kỹ năng quản trị cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam", ông Hải bày nói và cho biết, Quốc hội Việt Nam luôn mong muốn được chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm trong xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về giảm phát thải khí nhà kính, phát triển năng lượng tái tạo, thực hiện mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn và phát triển bền vững phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Phát biểu tại sự kiện, ông Guido Hildner - Đại sứ Cộng hoà Liên bang Đức tại Việt Nam cho biết: Chuyển dịch năng lượng công bằng hiện đang là một thách thức toàn cầu. Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang diễn ra với giá năng lượng tăng phi mã một lần nữa đặt ra sự cấp thiết phải đầu tư vào một cơ cấu năng lượng đa dạng, đặc biệt với các nguồn năng lượng tái tạo sạch, chi phí hợp lý và an toàn. Với tư cách là Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam, tôi thấy rất ấn tượng và tự hào với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của năng lượng tái tạo ở Việt Nam, với hơn 20 GW công suất năng lượng tái tạo trong vòng 3 năm trở lại đây. Đây là một thành quả được thế giới đánh giá cao và đã tạo nền tảng cho việc thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 như Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã cam kết năm ngoái. Điều quan trọng lúc này là duy trì đà tăng trưởng và phát huy thành quả đã đạt được một cách mau lẹ và có chiến lược phù hợp.
"Để chuyển dịch thành công sang năng lượng sạch, chúng ta cần đảm bảo sự công bằng, toàn diện và bền vững trong mọi khía cạnh. Yêu cầu này có thể đặt ra những thách thức cho Việt Nam và đồng thời cũng sẽ mở ra rất nhiều cơ hội. Và hôm nay, khi đứng ở đây, tôi có thể đảm bảo rằng Việt Nam không đi một mình trên hành trình này", ông Guido Hildner khẳng định.
Ông Guido Hildner - Đại sứ Cộng hoà Liên bang Đức tại Việt Nam |
Tại Đức, Chuyển dịch công bằng hay Chuyển dịch năng lượng công bằng đã trở thành chủ đề thu hút mối quan tâm lớn từ cuối những năm 2000. Chuyển dịch năng lượng công bằng yêu cầu phải giảm thiểu biến đổi khí hậu mà không tạo gánh nặng không cân xứng với các thành phần bị ảnh hưởng trong xã hội, không chỉ khi nói tới sản xuất nhiên liệu hóa thạch. Bài học kinh nghiệm từ Đức cho thấy, để chuyển dịch thành công, cần có sự cam kết lâu dài từ cộng đồng nhằm thực hiện bền vững việc thay đổi cấu trúc của tất cả các ngành liên quan, từ năng lượng đến giao thông vận tải, từ môi trường đến tài chính.
Đại diện Đại sứ quán Đức tại Việt Nam cũng chia sẻ, năm 2021, Đức đã đóng góp khoảng 8,1 tỷ Euro cho các cơ chế tài chính khí hậu quốc tế khác nhau, bao gồm cả hỗ trợ tài chính và kỹ thuật. Chính phủ Đức rất vinh hạnh khi hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực phát triển bền vững nói chung và chuyển dịch năng lượng nói riêng, trong đó có thể kể đến các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật của Chính phủ Đức thông qua GIZ như hỗ trợ thiết kế các biểu giá điện hỗ trợ (FIT), nhờ đó thúc đẩy phát triển thị trường điện mặt trời và điện gió ở Việt Nam.
Hoạt động hợp tác phát triển của Chính phủ Đức tại Việt Nam không chỉ trong lĩnh vực năng lượng mà còn ở cả nhiều lĩnh vực khác như chính sách kinh tế vĩ mô, đào tạo nghề, phát triển thị trường lao động cũng như chính sách khí hậu. Chúng tôi nhận thấy rằng chuyển dịch năng lượng công bằng sẽ chỉ thành công khi có sự chung tay, hợp tác tích cực của các tổ chức, cơ quan nhà nước để thực hiện những thay đổi cần thiết trong tất cả các lĩnh vực liên quan của nền kinh tế. Trên tinh thần đó, với vai trò là đối tác tin cậy và lâu dài, chúng tôi luôn đồng hành và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu tham vọng về năng lượng và khí hậu của quốc gia.
Sự kiện được tổ chức trong bối cảnh Quốc hội có trách nhiệm xem xét và sửa đổi các luật. Cụ thể, với sự kiện này, Quốc hội muốn thảo luận chuyên sâu về chủ đề chuyển dịch năng lượng thông qua Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Trong khuôn khổ Dự án Năng lượng sạch, Chi phí hợp lý và An ninh năng lượng cho các quốc gia Đông Nam Á (CASE) do Ban Sáng kiến khí hậu quốc tế (IKI) thuộc Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu CHLB Đức (BMWK) tài trợ, Tổ chức GIZ hỗ trợ Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức chủ đề đối thoại nêu trên thông qua các nghiên cứu và sự kiện.
Theo đó, sẽ có 4 phiên thảo luận trong đó có 01 phiên Tổng quan chung gồm các nội dung: Tổng quan kết quả hội nghị COP 27; Quan điểm của Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu - Cộng hòa LB Đức; Lộ trình chuyển dịch năng lượng hướng tới Net-zero năm 2060 tại Indonesia.
Phiên 2 với chủ đề Định hướng và kế hoạch đạt mục tiêu Net-zero năm 2050 gồm các nội dung: Định hướng chiến lược và kế hoạch hành động của Việt Nam đạt mục tiêu Net-zero năm 2050; Định hướng chiến lược phát triển ngành điện đạt mục tiêu Net-zero năm 2050; Định hướng chiến lược phát triển ngành giao thông vận tải đạt mục tiêu Net-zero năm 2050; Chính sách tài chính xanh hỗ trợ đạt mục tiêu Net-zero năm 2050.
Phiên 3 với chủ đề: Khoa học công nghệ thúc đẩy chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam gồm các nội dung: Chính sách thúc đẩy hiệu quả năng lượng trong chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam; Tích hợp hệ thống lưu trữ năng lượng vào thị trường điện; Vai trò của năng lượng sinh học trong chuyển dịch năng lượng;
Phiên 4 với chủ đề: Tài chính xanh gồm các nội dung: Tài chính trong chuyển dịch năng lượng sạch tại Việt Nam - Cơ hội và thách thức; Vai trò của thị trường carbon trong lộ trình hướng đến Net-zero năm 2050; Thực trạng cho vay tín dụng xanh trong lĩnh vực năng lượng của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).