Doanh nghiệp Việt cần làm gì trước các vụ điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài? Hạn chế rủi ro phòng vệ thương mại khi gia tăng xuất khẩu sang thị trường CPTPP |
Các vụ điều tra phòng vệ thương mại của Việt Nam đang gia tăng, nhất là trong quá trình thực thi các FTA, trong đó có Hiệp định CPTPP đang đặt ra những thách thức đối với doanh nghiệp xuất khẩu. Ông Phùng Gia Đức, Phó Trưởng phòng Xử lý Phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã trao đổi về vấn đề này.
Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn trước biện pháp phòng vệ thương mại. Ảnh: TTXVN |
Xin ông cho biết, đặc điểm và xu hướng của các vụ việc phòng vệ thương mại liên quan tới các thị trường có FTA của Việt Nam nói chung và thị trường các nước thành viên Hiệp định CPTPP nói riêng?
Pháp luật phòng vệ thương mại được các thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép sử dụng để bảo vệ sản xuất trong nước. Cho nên ngay cả với những nước mà chưa có FTA với chúng ta thì cũng đã điều tra và áp dụng rất nhiều biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, đối với những nước có FTA nói chung và CPTPP nói riêng thì số lượng này lại tăng một cách nhanh chóng. Do những động lực xung lực tăng trưởng từ CPTPP nói riêng và FTA nói chung đã góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang rất nhiều thị trường mới. Và do hàng hóa của chúng ta được ưa chuộng và có tính cạnh tranh cao nên tạo nên sức ép đối với ngành sản xuất nội địa của những nước nhập khẩu.
Từ nguyên nhân này thì ngành sản xuất nội địa của nước nhập khẩu mong muốn rằng Chính phủ của nước nhập khẩu áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại và hiện nay phổ biến nhất là các biện pháp về phòng vệ thương mại, chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.
Ngoài những nước lần đầu tiên có FTA với Việt Nam như Canada hay Chile và Peru, đã có rất nhiều thành viên CPTPP điều tra biện pháp phòng vệ thương mại đối với Việt Nam có thể kể đến như Australia hay Malaysia. Như, Australia hiện nay đã điều tra tới 18 vụ việc phòng vệ thương mại đối với Việt Nam, tương đương với Canada, Malaysia cũng đã trên 10 vụ việc. Khi có FTA với Việt Nam, chúng ta cũng đã tăng cường xuất khẩu sang Mexico nên từ năm 2019, chúng ta đã có 3 vụ việc mới và phát sinh toàn bộ là sau khi chúng ta kí CPTPP cùng với Mexico.
Ông Phùng Gia Đức, Phó Trưởng phòng Xử lý Phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương |
Hiện, mặt hàng nào đang có nguy cơ bị điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại và những khó khăn của doanh nghiệp khi đối diện với biện pháp này, thưa ông?
Một vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng, đầu tiên chính là sự gia tăng về nhập khẩu. Do vậy, những mặt hàng dễ dàng bị tổn thương nhất, dễ bị điều tra nhất chính là những mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu nhanh, mạnh.
Theo thống kê của chúng tôi, những mặt hàng lợi thế và xương sống của Việt Nam là thủy sản, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, các sản phẩm kim loại cơ bản như là thép, nhôm, các sản phẩm liên quan đến dệt may và một số sản phẩm hóa chất... sẽ là những sản phẩm truyền thống sẽ tiếp tục đối diện các nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại trong tương lai, ngay cả trong các FTA và thị trường CPTPP.
Trước xu thế điều tra phòng vệ thương mại, cơ quan quản lý nhà nước đang tăng cường hỗ trợ, đó là một thuận lợi rất lớn với doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp đã có sự va vấp từ sớm, rất nhiều doanh nghiệp, ngành nghề, hiệp hội đã có cơ hội cọ xát với các vụ phòng vệ thương mại nên cũng đã phản ứng rất nhanh và kịp thời khi có việc diễn ra.
Tuy nhiên, về khó khăn, hiện pháp luật của mỗi nước mặc dù đều dựa trên quy định chung của WTO nhưng các quốc gia cũng tự nội luật hóa pháp luật của mình với những điều kiện nhỏ, những điều kiện còn khác nhau nên khi đối mặt với việc cụ thể, doanh nghiệp cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về pháp luật phòng vệ thương mại của nước đó.
Tiếp đó là vấn đề ngôn ngữ, đây là một vấn đề về nguyên tắc trong các các vụ điều tra phòng vệ thương mại. Theo đó, các nước sẽ sử dụng ngôn ngữ của mình khi điều tra phòng vệ thương mại gây nên một rào cản rất lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam, do phải thực hiện dịch thuật rất phức tạp.
Theo tôi, khó khăn nhất là nhận thức của doanh nghiệp khi tham gia vào "sân chơi" chung toàn cầu. Nếu doanh nghiệp chỉ mong muốn xuất khẩu và thu lợi nhuận nhanh chóng mà không quan tâm đến lâu dài sẽ rất nguy hiểm. Do đó, nhận thức của doanh nghiệp thực sự quan trọng trong lĩnh vực phòng vệ thương mại.
Từ những khó khăn đó, ông khuyến nghị gì để doanh nghiệp ứng phó hiệu quả hơn trước các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài?
Để ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại, hiện doanh nghiệp có sự ủng hộ rất lớn của Chính phủ, của Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương. Đặc biệt, Cục Phòng vệ thương mại đang thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin nhanh, kịp thời về phòng vệ thương mại tới cộng đồng doanh nghiệp. Vì thế, doanh nghiệp cần tận dụng, quan tâm và tham khảo. Ngoài ra, thông tin từ thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cũng là một nguồn quan trọng, chính thống doanh nghiệp nên tận dụng, nắm bắt.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải có một mối quan hệ rất chặt chẽ với các đối tác nhập khẩu vì họ là những người nắm thông tin nhanh nhất, thậm chí những thông tin chưa chính thức, những thông tin tin đồn trên thị trường. Ngoài ra, khi xuất khẩu sang thị trường mục tiêu, doanh nghiệp nên dành một nguồn lực để nghiên cứu về pháp luật phòng vệ thương mại của thị trường đó, đây là cách để phòng ngừa trước các nguy cơ bị kiện rất hiệu quả.
Thời gian tới, xin ông cho biết, Cục Phòng vệ thương sẽ có những hành động như thế nào để hỗ trợ cho doanh nghiệp hạn chế rủi ro bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sang thị trường các FTA?
Nhận thức được vấn đề thay đổi về thương mại quốc tế và sự tăng trưởng càng ngày càng nhanh của thương mại Việt Nam, chúng ta càng ngày càng xuất khẩu nhiều ra nước ngoài, với các thị trường mới, Cục Phòng vệ thương mại đang triển khai các hoạt động, nội dung của các đề án chuyên sâu về phòng vệ thương mại.
Trong đó, Cục Phòng vệ thương mại đã và đang tăng cường phổ cập những kiến thức chung về phòng vệ thương mại; đặc biệt chú trọng thông tin về xu hướng điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại tới doanh nghiệp. Đồng thời, triển khai các chương trình đào tạo nâng cao nhận thức một cách chuyên sâu hơn về phòng vệ thương mại để các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp không có đủ nguồn lực tự nghiên cứu sẽ có cơ hội tham gia.
Mặt khác, chúng tôi cũng sẽ thường xuyên tổ chức đối thoại về phòng vệ thương mại đối với cơ quan điều tra nước ngoài, nhằm mang lại những kết quả tích cực cũng như bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp một cách tốt hơn.
Xin cảm ơn ông!