Doanh nghiệp thực phẩm tìm cách xoay sở để phục hồi Doanh nghiệp thực phẩm Việt tìm cơ hội đưa hàng hóa vào chuỗi siêu thị Nhật Bản |
Ẩm thực truyền thống được ưa chuộng
Ẩm thực Việt Nam nhận được nhiều sự yêu mến nhờ hương vị thơm ngon, giá trị dinh dưỡng cao. Việc xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm truyền thống Việt Nam đang là hướng đi được nhiều doanh nghiệp chú trọng nhằm mở rộng thị trường.
Được thành lập từ năm 2003 với mục tiêu đem tới cho khách hàng những sản phẩm bột trộn sẵn có chất lượng ổn định, dễ dàng chế biến, tiết kiệm thời gian, Công ty liên doanh Bột quốc tế (Intermix), thương hiệu Mikko - Hương Xưa đã cho ra mắt nhiều loại sản phẩm bột làm bánh, bột gia vị cho nhiều món ăn.
Đáng kể, trong đó có những loại bột giúp người sử dụng có thể chế biến nhanh các món bánh truyền thống quen thuộc của Việt Nam như bột bánh xèo, bột bánh ướt, bột bánh cuốn…
Sản phẩm Mikko - Hương Xưa không chỉ quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam, mà còn hướng đến việc mang sản phẩm truyền thống Việt Nam ra các nước. Hiện sản phẩm của thương hiệu này đã có mặt tại hơn 30 nước trên thế giới, trong đó tiêu thụ mạnh ở thị trường Mỹ, Canada, Australia, các nước châu Âu và châu Á.
Trong khi đó, với thế mạnh sản xuất, công nghệ nghiên cứu bảo quản thực phẩm hàng đầu, Công ty TNHH Chế biến thực phẩm công nghệ Sông Hương (Sông Hương Foods) chọn cách xuất khẩu các món ăn truyền thống đã được chế biến sẵn.
Sản phẩm nổi bật của Sông Hương Foods được xuất khẩu thành công có thể kể đến như cà pháo, các loại mắm truyền thống như mắm cà pháo, mắm tôm Bắc, mắm ruốc Huế…
Theo CTWS Group, đơn vị nhập khẩu và phân phối các sản phẩm của Sông Hương Foods, đây là lần đầu tiên các loại mắm, đặc sản vùng miền từ Bắc tới Nam đến tay người Việt tại Mỹ một cách trọn vẹn. Còn trước đó, đa số thực phẩm truyền thống này chỉ được nhập khẩu theo hình thức quà tặng xách tay, nhỏ lẻ, chưa được kiểm định chặt chẽ, đảm bảo chất lượng.
Bên cạnh các sản phẩm mắm, trong năm 2023, Sông Hương Foods cũng tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu bằng các sản phẩm bánh truyền thống như bánh nậm, bánh lọc cấp đông.
“Điểm khác biệt giữa các sản phẩm bánh truyền thống của Sông Hương Foods so với các thương hiệu khác nằm ở việc đảm bảo được hương vị như trên đất mẹ sau quá trình cấp đông và rã đông, để người tiêu dùng được thưởng thức trọn vẹn nhất hương vị món ăn truyền thống của Việt Nam”, ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, CEO Sông Hương Foods chia sẻ.
Cũng theo vị CEO này, việc xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm truyền thống theo hướng công nghiệp là cánh cửa mới, giúp Sông Hương Foods đứng vững trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.
Theo ông Tuấn, các sản phẩm này không chỉ chiếm được sự yêu mến của cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài, mà còn được người nước ngoài yêu thích nhờ hương vị thơm ngon, chất lượng đã được kiểm định, đảm bảo.
Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
Bí quyết để xuất khẩu thành công các sản phẩm thực phẩm truyền thống không chỉ nằm ở hương vị, mà sản phẩm cần đảm bảo về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và sự tiện dụng cho người tiêu dùng.
Bà Huỳnh Kim Chi, Tổng giám đốc Intermix cho biết, để có thể xuất khẩu các sản phẩm bột Mikko - Hương Xưa ra các thị trường khó tính, dây chuyền sản xuất của Intermix phải đảm bảo công nghệ hiện đại, khép kín.
Hiện nhà máy và sản phẩm của Intermix đã đạt được nhiều chứng nhận như ISO 9001:2015, ISO 22.000:2005, ISO 14001:2015, BRC Version 8, Halal, Hàng Việt Nam chất lượng cao chuẩn hội nhập.
Bên cạnh đó, Intermix có đội ngũ nghiên cứu và phát triển (R&D) chuyên môn nhằm tạo ra các sản phẩm bột chuyên biệt, tiện dụng, rút ngắn thời gian chế biến, đặc biệt là các món ăn truyền thống cho người tiêu dùng.
Với kinh nghiệm xuất khẩu cà pháo, mắm truyền thống qua thị trường Mỹ, ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn chia sẻ, Sông Hương Foods mất hơn 6 tháng để làm tất cả xét nghiệm sản phẩm đầu vào, thủ tục giấy chứng nhận FDA để đưa đầy đủ các loại mắm 3 miền Bắc, Trung, Nam và bánh nậm, bánh lọc có mặt tại 32 bang của Mỹ để phục vụ kiều bào.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng nghiên cứu cách để giữ độ tươi ngon, giữ được hương vị truyền thống nhằm phục vụ người tiêu dùng. Ví dụ ở sản phẩm bánh nậm, bánh lọc truyền thống, tuy sử dụng phương pháp bảo quản cấp đông, khi dùng sẽ phải làm nóng lại, nhưng người tiêu dùng vẫn được thưởng thức hương vị sát với nguyên bản của bánh truyền thống, ít bị biến đổi do quá trình bảo quản.
“Chúng tôi nhận được nhiều phản hồi từ kiều bào rằng, các món bánh truyền thống của Sông Hương Foods có hương vị như ở quê nhà. Nhờ vậy mà Sông Hương Foods chiếm được cảm tình của cộng đồng kiều bào Việt Nam tại nước ngoài và có thể phát triển vững vàng”, ông Tuấn cho biết.
Dự báo về tiềm năng phát triển cho thực phẩm truyền thống Việt Nam tại thị trường quốc tế, nhà nhập khẩu CTWS nhận định, Việt Nam có thế mạnh và chủ động nguyên liệu đối với nhiều sản phẩm, đặc biệt là ở ngành hàng mắm. Điều các doanh nghiệp cần làm lúc này là tìm kiếm, phát triển nhiều hơn nữa các sản phẩm thực phẩm truyền thống của Việt Nam, vừa để phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, vừa góp phần quảng bá văn hóa ẩm thực Việt, mở rộng thị trường xuất khẩu.