Vinamilk ký hợp tác đưa sữa chua 'Made in Vietnam' đến thị trường tỷ dân Xuất khẩu tôm: Nhiều kỳ vọng từ thị trường tỷ dân |
Thị trường tiềm năng
Năm 2024, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu ít nhất 6% so với năm 2023 trong bối cảnh dự báo tình hình thị trường vẫn còn nhiều khó khăn. Để đạt mục tiêu, việc đa dạng, mở rộng thị trường, trong đó tập trung vào các thị trường lớn là cách thức đã và đang được nhiều doanh nghiệp lựa chọn.
Ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit cho biết, sau nhiều năm tiếp cận, doanh nghiệp đã phát triển được thị phần ở thị trường Trung Quốc. Theo ông Viên, với hơn 1,4 tỷ dân, thị trường Trung Quốc có sức mua tốt, người tiêu dùng nước này khá quen thuộc với hàng hóa Việt Nam. Hiện nay, kim ngạch xuất - nhập khẩu của Việt Nam và Trung Quốc đạt trên 170 tỷ USD. Trong đó, những ngành hàng người Trung Quốc yêu thích mà Việt Nam có thể cung cấp được là trái cây tươi, khô, chế biến… Dư địa tăng trưởng của những ngành hàng này được dự báo sẽ còn tăng cao.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, quý I/2024, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 29,4 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 14,6%).
“Đây cũng là lý do Trung Quốc mở hàng rào cho các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia… để đa dạng nguồn trái cây nhập khẩu. Vì vậy, doanh nghiệp Việt, nhất là các doanh nghiệp về nông sản, trái cây cần lưu ý để có thể tham gia vào thị trường Trung Quốc”, ông Nguyễn Lâm Viên nhấn mạnh.
Doanh nghiệp nắm bắt cơ hội xuất khẩu vào thị trường tỷ dân |
Với thị trường Ấn Độ, ông Thái Như Hiệp - Giám đốc Công ty Vĩnh Hiệp cho biết, năm 2023, doanh nghiệp đã thành công khi đưa sản phẩm L’amant Café tới 2 thị trường đông dân và tiềm năng nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ. Để chủ động nguồn hàng có chất lượng phục vụ xuất khẩu, Vĩnh Hiệp đã liên kết sản xuất trên diện tích 25.000 ha với sản lượng đạt khoảng 75.000 tấn/năm, còn lại khoảng 85.000 tấn thu mua lại từ các doanh nghiệp, đại lý. Đến nay, công ty đã mở rộng thị trường xuất khẩu ra hơn 40 nước trên thế giới.
Đánh giá về tiềm năng thị trường Ấn Độ, ông Bùi Trung Thướng - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ - cho rằng, dư địa tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Ấn Độ còn rất lớn, và đang chờ các doanh nghiệp khai phá. Theo ông Thướng, năm 2023 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Ấn Độ đã đạt kim ngạch 8,5 tỷ USD, tăng trưởng 6,8% so với năm 2022. Đây là một trong số ít thị trường đạt mức tăng trưởng dương. Tuy vậy, với thị trường 1,4 tỷ dân như Ấn Độ thì mức kim ngạch xuất khẩu như trên được cho là vẫn còn khá khiêm tốn và vẫn còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp Việt khai phá, thâm nhập sâu.
Điển hình như với ngành hàng nông sản, hiện Ấn Độ có tiềm năng tiêu thụ đa dạng các sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến của Việt Nam như: Trái cây, cà phê, chè, hạt tiêu, hạt điều, quế, hồi, thảo quả, cao su, bánh kẹo, cá tra, cá basa, các sản phẩm từ ngũ cốc…, thế nhưng sản lượng và kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng này của Việt Nam từ Ấn Độ còn khiêm tốn. Do đó, doanh nghiệp Việt vẫn được kỳ vọng có thể mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn hơn ở thị trường này.
Tăng cường xúc tiến thương mại
Tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường lớn đang là điểm sáng trong xuất khẩu của cả nước trong bối cảnh xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực sụt giảm. Bởi năm 2024 và những năm tiếp theo, Trung Quốc, Ấn Độ tiếp tục là thị trường tiềm năng và còn nhiều cơ hội rộng mở cho nông sản Việt tăng thị phần và giá trị xuất khẩu. Với lợi thế gần về địa lý, giao thương thuận lợi, am hiểu thị hiếu tiêu dùng, nhiều nhóm hàng nông sản nước ta có thể ghi điểm tại thị trường tỷ dân này. Tuy nhiên, thách thức với các doanh nghiệp trong nước là thị trường này ngày càng khó tính, yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Retail & Franchise Asia, cho rằng, mỗi thị trường sẽ có những đặc trưng riêng. Do đó, khi tiếp cận với từng thị trường, các doanh nghiệp cần nắm rõ mình đi vào bang nào, nông thôn hay thành thị, đối tượng khách hàng nào, bởi sự khác biệt giữa các địa phương, nhóm khách hàng rất lớn. Một điểm cần lưu ý khác khi tiếp cận thị trường Ấn Độ là sự cạnh tranh khốc liệt về giá. Ngoài ra, người tiêu dùng Ấn Độ có thói quen tối ưu hóa sản phẩm và tái sử dụng sản phẩm. Chẳng hạn, khi mua một chai nước, thực phẩm đóng hộp… họ quan tâm đến việc tận dụng vỏ chai, vỏ hộp để chứa đựng đồ dùng khác.
Với thị trường Ấn Độ, theo ông Bùi Trung Thướng, xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ không hề dễ dàng vì trong bối cảnh xuất khẩu của Ấn Độ gặp khó khăn, thị trường này cũng sẽ tìm cách để bảo hộ thị trường nội địa, tạo công ăn việc làm cho doanh nghiệp, người lao động. Do đó, để thâm nhập sâu hơn thị trường này, công tác xúc tiến thương mại sẽ phải cải tiến, kết hợp đa dạng các hình thức.
Cụ thể, Thương vụ khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ cần tạo hệ sinh thái tại thị trường Ấn Độ. Thêm vào đó, các doanh nghiệp muốn chinh phục thị trường tỷ dân còn cần phải lưu ý sự bùng nổ mô hình cửa hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử đa quốc gia, nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Xu hướng hiện nay là shoppertainment, đây là xu hướng vừa mua hàng (shopping), vừa giải trí (entertainment)…
Mặc dù hiện nay, thương mại điện tử của Ấn Độ đang chậm hơn Việt Nam khoảng 10 năm. Tuy nhiên, khoảng cách này sẽ bị xoá rất nhanh, vì vậy, doanh nghiệp tiếp cận thị trường ở thời điểm này là rất phù hợp.