Doanh nghiệp tiếp tục kêu khó
Tại Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội tổ chức chiều 21/9, câu chuyện doanh nghiệp khó tiếp cận vốn và lãi suất cho vay còn cao một lần nữa lại được làm nóng. Bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho biết, một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vẫn chưa đồng bộ. Chẳng hạn như việc thụ hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất 2% tại Nghị định 31/NĐ-CP thì chỉ có doanh nghiệp lớn tận dụng được, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) chưa được tiếp xúc nhiều.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội kiến nghị, lãi suất 2% nên hỗ trợ trực tiếp vào doanh nghiệp, để doanh nghiệp được thụ hưởng. Có thể đưa vào gói hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, các ngân hàng cần tiếp tục cải cách thủ tục để doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nhanh. Ngoài ra, các ngân hàng cũng cần phân loại tiêu chí hồ sơ doanh nghiệp nhỏ và vừa khác với loại hình doanh nghiệp khác.
Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội |
Đồng quan điểm, ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội (HAMI) thì cho rằng, việc tiếp cận vay vốn ngân hàng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó, thủ tục rườm rà, thời gian xem xét phê duyệt khoản vay khá dài. Ông Sơn tiết lộ, việc kiểm soát rủi ro càng được đề cao thì thời gian xem xét phê duyệt khoản vay càng dài.
“Với 1 khoản vay vốn ngắn hạn thông thường, thời gian xem xét phê duyệt từ 1-3 tháng và khoản vay trung hạn, dài hạn thì trung bình duyệt trong vòng 3 tháng. Thậm chí có những khoản vay tới 6 tháng hoặc dài hơn” - ông Sơn nói.
Do đó, ông Sơn đề xuất, các ngân hàng cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ 4.0 vào quy trình phê duyệt, đồng thời gắn KPI thời gian phê duyệt để rút ngắn thời gian xuống còn trung bình 1 tháng với tất cả các khoản vay.
“Các ngân hàng có thể điều chỉnh linh động trong quá trình đánh giá chỉ tiêu tài chính do bản thân doanh nghiệp cũng chịu những tác động khó khăn nhất định. Đồng thời, cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ, giữ nguyên tỷ lệ tài sản bảo đảm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, có thời gian thu xếp nguồn tiền để trả nợ đúng hạn cho ngân hàng” - ông Sơn đề xuất.
Chủ tịch HAMI cũng nhắc câu chuyện doanh nghiệp trả nợ trước hạn bị phạt trả lãi. “Khi doanh nghiệp có nguồn thu từ dự án nhưng trả nợ sớm thì sẽ bị phạt lãi trả trước từ 1-5%, mức này là rất cao. Tôi đề xuất miễn phí trả nợ trước hạn, hoặc nếu có chỉ 1%” - ông bày tỏ.
Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thi Huyền Thương, Tổng giám đốc Tập đoàn Nagakawa cho biết, thời gian qua, ngân hàng đã tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp giảm lãi suất theo đúng định hướng chủ trương của Nhà nước. Tuy nhiên, Tập đoàn này cũng gặp một số vướng mắc, khó khăn như: Việc quản lý hoạt động cho vay bằng room tín dụng có thời điểm gây khó cho doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn cuối năm nên chính sách tín dụng cần ổn định, nhất quán.
Bà Thương cũng cho rằng, lãi suất thực tế dù đã giảm nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, các ngân hàng cần tiếp tục xem xét, ban hành chính sách giảm, ưu đãi thêm lãi suất và sớm triển khai thực hiện để giúp đỡ doanh nghiệp.
“Chi phí tài chính của công ty chiếm 3-4% (trong đó, chi phí lãi suất chiếm 60-70% trong chi phí tài chính). Khi lãi suất cao ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Trong ngành cung cấp thiết bị điện lạnh, đứng trước các đối thủ cạnh tranh của nước ngoài lớn, chúng tôi gặp nhiều rào cản nếu như doanh nghiệp đó có tiềm lực tài chính lớn. Gây nguy cơ doanh nghiệp trong nước thua trên sân nhà” - bà Thương nói.
Trong khi đó, bà Đỗ Thị Thu Hương, Giám đốc Công ty CP Hawee cho biết, tỷ giá vừa qua có biến động tương đối lớn, tác động không nhỏ đến doanh nghiệp do chi phí đầu vào tăng.
Còn về lãi suất, năm 2023 mặt bằng lãi suất cho vay biến động cao trong giai đoạn đầu năm và giảm dần đến cuối năm. Hiện nay, lãi suất cơ bản đã quay về trước giai đoạn dịch Covid-19. Tuy nhiên, doanh nghiệp có hấp thụ được vốn vay hay không lại phụ thuộc vào tình hình của các đối tác đầu ra, trong đó có các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản… Bà Hương mong muốn doanh nghiệp được cơ chế tiếp cận vốn đặc thù ở những gói thầu lớn, gói thầu trọng điểm quốc gia.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội nghị |
Ngân hàng sẽ giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp
Về phía các ngân hàng, ông Đỗ Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành VietinBank bày tỏ, các ngân hàng đã rất chia sẻ với doanh nghiệp và mong doanh nghiệp thấu hiểu cho ngân hàng.
Theo ông Sơn, ngân hàng huy động vốn thì phải trả lãi cho người gửi tiền và ngân hàng có kế hoạch tài chính được tính toán. Dù thế, tùy trường hợp cụ thể mà ngân hàng vẫn linh hoạt nguồn tiền, miễn giảm lãi để hài hòa lợi ích doanh nghiệp và ngân hàng. Tại VietinBank, dư nợ với địa bàn Hà Nội là 243.530 tỷ đồng, tăng 6,65%.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank bày tỏ cam kết sẽ giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp. Theo ông Tùng, Vietcombank sẽ giảm 1.850 tỷ đồng lợi nhuận để hỗ trợ các khoản vay hiện hữu. Còn về chuẩn tín dụng, ngân hàng không thể hạ vì sẽ phát sinh nợ xấu, khiến chi phí vốn ngân hàng của ngân hàng có thể tăng lên.
Lãnh đạo Vietcombank cũng cho biết, với khách hàng đang vay vốn, ngân hàng sẽ tăng cường tư vấn, phân tích các phương án gây ra rủi ro cho khách hàng và doanh nghiệp. Ngân hàng sẽ rà soát để có những thay đổi phù hợp về thời hạn giải ngân vốn. Còn về phạt phí trả nợ trước hạn, ngân hàng linh hoạt và mong khách hàng thấu hiểu do ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động ngân hàng.
Đại diện Agribank cho hay, đến ngày 31/8, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt gần 1,5 ngàn tỷ đồng, tăng 2,4% so với đầu năm.
Tại địa bàn Hà Nội, đối tượng khách hàng của Agribank chủ yếu là khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa với quy mô hoạt động không lớn, do đó, chịu nhiều tác động, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh những tháng vừa qua.
Theo lãnh đạo Agribank, hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều hoạt động cầm chừng, rất hạn chế mở rộng quy mô, hoạt động giảm hiệu quả. Dư nợ cho vay tại khu vực TP Hà Nội của Agribank đạt 134 ngàn tỷ đồng, chiếm hơn 9% tổng dư nợ của Agribank.
Dù đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhưng tín dụng của Agribank vẫn tăng trưởng thấp so với cùng kỳ năm trước, do đó đại diện Agribank cho rằng, ngoài các giải pháp, chính sách từ ngành Ngân hàng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ chính sách của các bộ, ngành, địa phương nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ, thúc đẩy các động lực tăng trưởng; kích thích tổng cầu.
Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu tại hội nghị |
Đồng hành của địa phương
Trước những tâm tư của doanh nghiệp và mong muốn của các ngân hàng, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội bày tỏ, năm 2023 là năm rất quan trọng. Hà Nội là trung tâm kinh tế, nơi đóng trụ sở của các Tập đoàn kinh tế lớn và các ngân hàng, do đó, Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp rất có ý nghĩa và quan trọng.
Chủ tịch Trần Sỹ Thanh cho biết, 9 tháng năm 2023 kinh tế cả nước và Hà Nội đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức. Thu ngân sách đạt trên 83%, đầu tư công đạt 53%... trong đó có sự đóng góp không nhỏ của người dân, doanh nghiệp và ngành Ngân hàng.
Cho rằng trong ngân hàng chi phí tài chính là quan trọng, tuy nhiên, lãnh đạo TP Hà Nội rất mong Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn các ngân hàng cải cách hành chính, thủ tục phù hợp để doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn.
“Hơn 370.000 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội với những số phận khác nhau. Các ngân hàng đã quan tâm rồi, mong các ngân hàng tiếp tục quan tâm hơn nữa để các doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn phục hồi sản xuất kinh doanh” - Chủ tịch Trần Sỹ Thanh bày tỏ.
Lãnh đạo TP Hà Nội cho biết, Hà Nội lập tổ công tác tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cả về thủ tục và tạo thị trường để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tốt hơn.
Trước đề nghị của lãnh đạo UBND TP Hà Nội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước và ngành Ngân hàng rất chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp. Hiện nay Luật tổ chức tín dụng quy định các tổ chức tín dụng yêu cầu khách hàng vay vốn phải cung cấp tài liệu chứng minh phương án dự án khả thi, khả năng tài chính để đảm bảo khả năng trả nợ, mục đích sử dụng vốn đúng mục đích.
“Thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước cũng quy định như vậy. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước không quy định khoản vay bắt buộc phải có tài sản đảm bảo, thực tế các tổ chức tín dụng vẫn cho vay tín chấp nếu khách hàng chứng minh được khả năng trả nợ. Ngân hàng Nhà nước cũng không quy định tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản đảm bảo và không quy định tài liệu khách hàng phải cung cấp cho tổ chức tín dụng để chứng minh đủ điều kiện vay vốn” - bà Hồng nói.
Thống đốc đề nghị các ngân hàng rà soát thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, tiết giảm chi phí, giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tham mưu để có thể điều chỉnh tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo an toàn hệ thống.
Về tỷ giá, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, trong tổng hợp báo cáo của các đơn vị gửi ngân hàng, có doanh nghiệp xuất khẩu đề nghị phá giá đồng Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhập khẩu lại phản ánh nếu đồng Việt Nam phá giá thì làm cho các doanh nghiệp nhập khẩu bị nhỡ.
“Điều hành tỷ giá trên góc độ tổng thể của nền kinh tế. Tỷ lệ nhập khẩu trên GDP gần 100%, đây là bài toán rất khó khăn, Ngân hàng Nhà nước đang theo dõi từng ngày từng giờ. Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ làm sao để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định được thị trường tiền tệ ngoại hối, bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng” - Thống đốc khẳng định.