Ngày càng nhiều doanh nghiệp chú trọng nội địa hóa
Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) ước tính, dư địa của thị trường nội thất nội địa hiện trị giá khoảng 4 tỷ USD và đang có xu hướng tăng lên theo nhịp sống, xây dựng đô thị hiện đại. Chính vì vậy nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đã dần chuyển dịch, cân bằng dần cơ cấu giữa hàng xuất khẩu với hàng nội địa, tránh rủi ro, nhất là trong bối cảnh dịch Covid vẫn còn phức tạp.
Việc mở thêm các showroom là cách nhiều doanh nghiệp gỗ đang làm để giới thiệu sản phẩm đển người tiêu dùng |
Ông Nguyễn Văn Sang - Giám đốc điều hành Công ty CP XNK Hàng Việt (Viet Product Corp) - chia sẻ, 5 năm trở lại đây, Viet Product Corp đã chú trọng và khai thác thị trường nội địa nhiều hơn với việc thường xuyên ra mắt những bộ sản phẩm, mẫu mã mới phù hợp với xu hướng tiêu dùng của người Việt. Cũng vì thích nghi nhanh mà năm 2020 trong cơ cấu doanh thu 5 triệu USD của Viet Product Corp thì tỷ trọng doanh thu tại nội địa đã được tăng lên 30% - tăng đáng kể so với con số chỉ vài phần trăm ở những năm đầu mới khai thác.
Còn với Công ty Phân phối đồ gỗ D’Furni, doanh nghiệp này đang có tỷ trọng bán hàng nội địa chiếm tới 70%. Theo lãnh đạo của D’funi, nhiều năm qua công ty đã tăng cường sản xuất trong nước, nâng cao chất lượng sản phẩm tối đa, chọn chất liệu hợp thời nhất để sản xuất. Nhờ vậy sản phẩm của D’funi hiện chiếm lĩnh hầu hết các phân khúc: từ sân vận động, nhà ga, siêu thị, rạp chiếu phim… đến nội thất văn phòng, giải trí.
Cũng trong làn sóng chinh phục thị trường gỗ nội thất Việt, cuối năm 2020 vừa qua Công ty Savimex đã đưa showroom đầu tiên là nội thất Moho gia nhập thị trường đồng thời chia sẻ kế hoạch năm 2021, nội thất Moho sẽ tiếp tục mở thêm nhiều showroom và mở rộng mạng lưới showroom ra các tỉnh thành lớn trên cả nước.
Lý giải việc nhiều doanh nghiệp gần đây đổ bộ thị trường nội địa, đại diện của HAWA nhận định rằng thị trường nội thất Việt Nam rất sôi nổi, chỉ riêng ở TP. Hồ Chí Minh đã có hơn 1.500 thương hiệu. Bên cạnh đó, theo HAWA, Việt Nam là thị trường tiềm năng với dân số lên tới trên 96 triệu người và là quốc gia đang phát triển nên nhu cầu xây dựng, kiến thiết các công trình nhà ở, khách sạn… rất lớn. Thêm vào đó, xu hướng tiêu dùng của người Việt hiện nay không nghĩ tới giá rẻ mà họ yêu cầu sản phẩm phải phù hợp với phong cách, kiến trúc của ngôi nhà. Do đó, khả năng tiêu thụ đồ nội thất của Việt Nam còn rất lớn và sẽ tiếp tục tăng hơn so với mức dự báo như hiện nay.
Chinh phục bằng chất lượng và dịch vụ
Thoạt nhìn có thể thấy thị trường nội địa khá tiềm năng và đa dạng phân khúc cho doanh nghiệp lựa chọn chiếm lĩnh song ông Nguyễn Văn Sang chia sẻ rằng, thị trường không “dễ xơi” như nhiều người nghĩ.
Lý giải điều này, ông Sang phân tích: Ở nội địa, mỗi một mẫu sản phẩm có khi chỉ sản xuất với số lượng nhỏ và thị hiếu người dùng lại thích giao hàng nhanh, thậm chí khi họ cần đổi màu hay đổi sản phẩm cũng phải nhanh. Trong khi đó với doanh nghiệp xuất khẩu thì tất cả đều quen với những đơn hàng lớn, số lượng đặt dài hạn nên thời gian mới tiếp cận thị trường cũng khá gian nan.
Tuy vậy khó khăn không làm chùn bước các doanh nghiệp mà trái lại còn giúp họ tạo sức bền và khả năng nhanh nhạy thích ứng. “Để chinh phục khách hàng, chúng tôi tìm hiểu kỹ thị hiếu của họ, đáp ứng những yêu cầu từ giá cả, hậu mãi cho tới mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm. Vì thế chúng tôi chỉ mất thời gian đầu chệch choạc, các năm sau việc khai thác dần thuận lợi hơn. Từ đó chúng tôi liên kết với các doanh nghiệp khác để mở những showroom trưng bày giới thiệu không chỉ sản phẩm của chúng tôi mà còn của các đơn vị khác nhằm đa dạng sản phẩm tiếp thị đến khách hàng” - ông Sang cho biết.
Xu hướng liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau để mang đến sản phẩm, dịch vụ tốt cho khách hàng không chỉ Viet Product Corp thực hiện mà thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp khác trong ngành gỗ tích cực triển khai. Điển hình là một số hộ sản xuất tại làng nghề mộc Liên Hà (Đan Phượng, Hà Nội) đã đưa những sản phẩm có thế mạnh, chủ yếu là giường và tủ, vào bày bán ở chợ đầu mối Gỗ Tây của Công ty CP Tân Vĩnh Cửu (TAVICO) thuộc tỉnh Đồng Nai. Việc này đã từng bước tạo ra các mối liên kết, giữa các hộ sản xuất trong Liên Hà và giữa làng nghề với các doanh nghiệp gỗ ở phía Nam, để quảng bá sản phẩm cũng như bán hàng.
Còn với Savimex, doanh nghiệp này lựa chọn sản phẩm được nghiên cứu và thiết kế phù hợp với văn hóa đời sống của người Việt như độ cao của bàn ghế thích hợp với chiều cao của người Việt, tất cả các góc của sản phẩm đều được làm tròn nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ em và người dùng, sản phẩm dịch vụ, nâng cao trải nghiệm cho khách hàng…
Theo các doanh nghiệp chế biến gỗ, việc Covid-19 bùng phát trở lại vào đầu năm 2021, một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của thị trường nội địa trong vai trò là một bệ đỡ cho ngành gỗ. Và nhà cung cấp gỗ nội hoàn toàn có khả năng đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng, với những sản phẩm Việt không hề thua kém hàng ngoại nhập.