Bộ Công Thương công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4/2020 Xuất khẩu lúa gạo có kiểm soát, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống |
Doanh nghiệp phấn khởi
Ngay sau quyết định công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4-2020 được Bộ Công Thương đưa ra, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhỏ đều bày tỏ quan điểm đồng tình ủng hộ vì đạt được nhiều mục tiêu.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Thái Bình - Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TP. Cần Thơ) đánh giá, hạn ngạch 400.000 tấn cho tháng 4 là hợp lý, giúp doanh nghiệp giải quyết các hợp đồng đã ký trước đây. “Chúng tôi chỉ còn tồn kho khoảng 30.000 tấn, nếu giao hết theo các hợp đồng đã ký thì vẫn đảm bảo, không lo chuyện ách tắc đầu ra”, ông Bình phấn khởi.
![]() |
Nhiều doanh nghiệp đã hoàn tất đăng ký tờ khai xuất khẩu gạo trong tháng 4-2020 |
Đồng quan điểm trên, bà Đặng Thị Liên - Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thực phẩm Long An - cho biết, ngay quyết định mở hạn ngạch xuất khẩu gạo có hiệu lực, trong ngày 11-4 công ty đã mở được tờ khai xuất khẩu cho khoảng 5 container gạo. Việc mở xong tờ khai là tín hiệu mừng để công ty duy trì các hợp đồng ký kết đồng thời đảm bảo thu mua lúa gạo theo cam kết cho người nông dân. “Giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam hiện đạt 463,5 USD/tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2019. Với nhu cầu cao của thị trường giá gạo còn nhiều cơ hội bán tốt hơn nếu chúng ta thực hiện tốt việc cân đối xuất khẩu”, bà Liên nêu ý kiến.
Dưới quan điểm từ Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), ông Đỗ Hà Nam - Phó chủ tịch VFA, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex - nhận xét: Hiện các mặt hàng nông sản khác như tiêu, điều hay rau quả đều bí đầu ra, hoặc xuất rất chậm vì dịch bệnh và các chính sách phong tỏa biên giới của các nước. Chỉ riêng mặt hàng gạo có giá tốt bởi cầu cao nên khi được tiếp tục xuất khẩu sẽ có lợi cho cả người nông dân lẫn doanh nghiệp. Vì thế với hạn ngạch được Bộ Công Thương công bố mới đây là hợp thời, hợp lý cho doanh nghiệp gạo cả nước nói chung và Intimex nói riêng.
Đảm bảo an ninh lương thực cho người dân
Theo đánh giá của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện nhu cầu nhập khẩu gạo của một số quốc gia như Philippines, Indonesia, Malaysia… là rất lớn. Trong đó, Philippines năm nay cần thêm 300.000 tấn gạo và đã ký hợp đồng nhập khẩu 200.000 tấn gạo với doanh nghiệp Việt Nam. Hiệp hội này cũng dự báo rằng giá lúa gạo sẽ tăng trở lại do tâm lí tích trữ lương thực trong dịch bệnh trên toàn cầu leo thang.
Cụ thể, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, để đảm bảo an ninh lương thực nhiều nước trên thế giới đã tìm cách chất đầy kho dự trữ chiến lược. Có thể kể tới như Trung Quốc đã cam kết tăng sản lượng mua dự trữ gạo, lúa mỳ đủ dùng trong một năm. Những nước nhập khẩu lúa mỳ chủ chốt khác như Algeria và Turkey cũng đã công bố nhiều hợp đồng mua mới, trong khi Maroc lựa chọn giải pháp miễn thuế nhập khẩu lúa mỳ đến giữa tháng 6…
Chính vì vậy việc Chính phủ Việt Nam cho phép cấp hạn ngạch theo từng tháng là hợp lý nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Quyết định này ngay khi đưa ra đã nhận được sự đồng tình của đông đảo người dân trên cả nước.
Tuy nhiên, để cùng lúc đảm bảo an ninh lương thực nhưng vẫn xuất khẩu với số lượng hợp lý, nhiều doanh nghiệp mong muốn Bộ Công Thương cần xây dựng kế hoạch xuất khẩu lâu dài theo hướng tăng lượng lương thực dự trữ so với mọi năm. Lý do, khi có kế hoạch dài hạn, doanh nghiệp sẽ căn cứ vào đó để xây dựng phương hướng phát triển trung và dài hạn, đàm phán với các đối tác truyền thống ký kết hợp đồng xuất khẩu. Cùng với đó sẽ giúp ngân sách nhà nước tăng nguồn thu, đồng thời tạo cơ hội cho ngành nông nghiệp Việt Nam phục hồi sau dịch Covid-19.