Tăng trưởng ngay từ đầu năm
Nghệ An hiện có trên 20 dự án may đã đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 25.000 lao động chủ yếu ở nông thôn. Có 10 dự án hiện đang tiến hành thực hiện các thủ tục đầu tư để sớm đưa dự án đi vào sản xuất. Tuy nhiên, tác động của dịch Covid-19 nên các doanh nghiệp (DN) may mặc đang chịu những ảnh hưởng nhất định do phần lớn nguồn nguyên, phụ liệu đầu vào và một số thiết bị của các dự án đang triển khai đầu tư chậm so với tiến độ.
Tại Nghệ An, dệt may là một trong những ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh góp phần tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho người lao động |
Để thích ứng với đại dịch, kể từ đầu năm tới nay, xuất khẩu dệt may của Nghệ An đã đạt mức tăng trưởng dương và đón nhận tín hiệu lạc quan từ thị trường xuất khẩu.
Ông Hoàng Minh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu, Sở Công Thương Nghệ An - cho biết, ước tính 3 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu của dệt may đạt khoảng 83,2 triệu USD, tăng khoảng 14,6% so với cùng kỳ 2020. Đây là nỗ lực lớn của dệt may Nghệ An khi vừa đảm bảo an toàn chống dịch vừa đảm bảo tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu.
Theo ông Hoàng Minh Tuấn, sở dĩ xuất khẩu dệt may tăng trở lại ngay trong các tháng đầu năm nay là do sau một năm sống chung với đại dịch, các DN đã tìm ra những hướng đi phù hợp, tìm ra cách “sống sót” qua bão dịch. Bên cạnh đó, xu thế của dệt may Nghệ An vẫn là theo hướng gia công hàng hoá với các đơn hàng lớn đầy tiềm năng từ Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc… nên lượng hàng hoá vẫn tương đối ổn định, công nhân không phải nghỉ việc ngay cả thời điểm đang nóng của dịch bệnh.
Đến thời điểm hiện tại, rất nhiều DN dệt may đã ký kết những đơn hàng đến hết quý I/2021, thậm chí có những DN có đơn hàng đến giữa năm. Đơn cử như Công ty CP May Minh Anh - Kim Liên đã có đơn hàng đến hết tháng 6/2021. Năm 2020, hoàn thành vượt mức kế hoạch 110%, tăng so với cùng kỳ 115%; tổng doanh thu 1.300 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 135 triệu USD là một trong những đơn vị tốp đầu trong lĩnh vực xuất khẩu tại Nghệ An.
Ông Nguyễn Đình Vĩnh - Phó Giám đốc Công ty CP May Minh Anh - kỳ vọng: "Năm 2021, với đà lạc quan của những tháng đầu năm thì những tháng cuối năm sẽ khả quan hơn. Để đón đầu phục hồi, Minh Anh đã sẵn sàng nhà xưởng, nhân công, nguồn nguyên liệu… để tới đích sớm."
Cơ hội cho doanh nghiệp địa phương trước “sóng” FTA
Ông Hoàng Minh Tuấn cho biết, năm 2021 ngành dệt may Nghệ An đặt kế hoạch xuất khẩu đạt khoảng 330 triệu USD. Kế hoạch này khả thi vì ngành dệt may đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn từ các FTA. Dệt may trong tương lai vẫn sẽ là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nghệ An, các DN có cơ hội cạnh tranh công bằng với DN các nước đang được hưởng ưu đãi thuế quan từ EU. Ngoài ra, hiệp định cũng mở ra cơ hội nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu sản xuất, hàng tiêu dùng với chi phí hợp lý.
Nhiều DN dệt may tại Nghệ An đang có nhiều đơn hàng xuất khẩu đến giữa năm 2021 |
Tuy nhiên, Hiệp định này không chỉ yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm, mà EU có nhiều quy định đối với quy trình sản xuất ra sản phẩm đó. Chẳng hạn, đối với lĩnh vực dệt may Nghệ An xuất qua EU chưa được hưởng lợi từ FTA do quy chế xuất xứ hàng hoá chưa được, nhưng nêu muốn xuất qua EU và được hưởng lợi từ thuế suất thì nguyên liệu xuất khẩu phải từ Hàn Quốc, Việt Nam hay từ các nước là thành viên của EU, còn nguyên liệu từ Trung Quốc thì lại không được hưởng.
Về chuỗi khép kín trong dệt may, đến thời điểm này tỉnh Nghệ An không khuyến kích các nhà máy dệt nhuộm, nguyên phụ liệu cho dệt may nên hầu hết các nhà máy đều thiếu nguyên liệu đều phải nhập khẩu tốn kém rất nhiều, đây cũng là một trong những hạn chế để ngành dệt may phát triển mạnh và bền vững. Bởi theo cam kết của các FTA, các DN xuất khẩu dệt may sẽ chỉ hưởng lợi thế về thuế quan khi đáp ứng quy tắc xuất xứ từ vải hoặc sợi trở lên. Chính vì thế đó là hạn chế lớn nhất của các DN của Nghệ An khi ra “đấu trường” lớn. "Hiện tại, các DN dệt may tại Nghệ An chủ yếu đi theo xu hướng gia công với các nước, với Liên minh châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… và thêm lợi thế từ nguồn lao động dồi dào và giá nhân công chưa cao", ông Tuấn nói.
Chính vì vậy, các DN cần tìm hiểu quy định của EU về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, mức độ an toàn của sản phẩm, xuất xứ hàng hóa, những thỏa thuận về lao động, môi trường... để tận dụng hiệu quả các ưu đãi từ hiệp định. DN nhỏ và vừa khi tham gia cuộc chơi lớn sẽ đứng trước hàng loạt thách thức, trong đó, việc thực thi các cam kết trong hiệp định này về các vấn đề thể chế, chính sách pháp luật sau đường biên giới, môi trường kinh doanh và chính sách, pháp luật....
Ông Cao Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An: Để đẩy mạnh xuất khẩu dệt may của Nghệ An sang EU, tăng kim ngạch xuất khẩu của các DN trên địa bàn Nghệ An, ngành Công Thương đang xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó, xây dựng nhiệm vụ cụ thể của từng ngành, địa phương. Về phía các DN, cần nắm rõ quy tắc xuất xứ hàng hóa sang thị trường, quan tâm đầu tư phát triển sản phẩm theo phân khúc cao cấp để tham gia chuỗi cung ứng của EU... Chúng tôi đã vận động, kêu gọi các DN trong, ngoài nước ngoài đầu tư vào chuỗi cung nguyên liệu. Tuy nhiên để mời gọi thanh công, chúng tôi mong muốn Chính phủ quy hoạch những khu vực khu công nghiệp chuyên biệt cho dệt may, có hệ thống xử lý chất thải hoàn chỉnh để đảm bảo tiêu chí xuất xứ; quan tâm công tác xúc tiến xuất khẩu, kết nối cung - cầu cho các DN dệt may Việt Nam tại thị trường EU. |