Doanh nghiệp gia tăng nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ, chuyên môn Sản xuất phục hồi, nhiều doanh nghiệp vẫn “khát” lao động |
Thêm cơ hội việc làm cho hàng nghìn lao động
Tại tỉnh Bắc Giang, trong quý III năm nay, các doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng tới hơn 37.000 lao động, riêng Công ty TNHH Newwing Interconectn Technology cần tuyển tới 12.900 lao động.
Điện, điện tử, điện công nghiệp là những lĩnh vực doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất; tiếp đến là lĩnh vực may, da giày; pin, năng lượng mặt trời… Các doanh nghiệp chủ yếu tuyển dụng lao động phổ thông, tuổi đời từ 18 - 40 tuổi, với mức thu nhập trung bình 6 - 12 triệu/tháng.
Nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh tuyển dụng lao động. Ảnh minh họa |
Còn tại “thủ phủ công nghiệp” Bắc Ninh, ước tính tới thời điểm cuối tháng 6/2024, số lao động có việc làm trên địa bàn tỉnh khoảng 770 nghìn người. 6 tháng đầu năm nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức 24 phiên tuyển dụng định kỳ, trong đó phối hợp với các tỉnh phía Bắc tổ chức 12 phiên giao dịch việc làm online, kết nối việc làm cho trên 3.105 lao động tại các tỉnh về Bắc Ninh làm việc; tiếp nhận nhu cầu đăng ký và giới thiệu việc làm cho 3.846 người lao động. Nhu cầu tuyển dụng trong và ngoài tỉnh qua các phiên online đạt 1.829 lượt doanh nghiệp, trong đó có 590 doanh nghiệp tại Bắc Ninh, với nhu cầu tuyển 24.098 lao động.
Nửa cuối của năm 2024, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn Bắc Ninh đang có nhu cầu tuyển dụng hàng chục nghìn lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất, ví dụ Công ty Goetek cần tuyển khoảng 10.000 người trong năm 2024.
Thông tin từ Cục Thống kê Bắc Ninh cho thấy, theo đánh giá của các doanh nghiệp thì quý III/2024, có 43,3% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý II/2024; 15,8% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 40,9% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước lạc quan nhất với 71,4% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý III/2024 tốt hơn so với quý II/2024; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh là 40%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 44,1%.
Lũy kế đến thời điểm cuối tháng 6/2024, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 23.568 doanh nghiệp đã đăng ký hoạt động, tăng 12,9% so cùng thời điểm năm trước, với tổng số vốn điều lệ đăng ký 405.325 tỷ đồng, tăng 10,9% và 6.070 đơn vị trực thuộc, tăng 13,9%.
Tăng phúc lợi để “giữ chân” người lao động
Không chỉ Bắc Ninh hay Bắc Giang, nhiều địa phương trong cả nước đang đẩy mạnh tuyển dụng để tăng tốc sản xuất những tháng cuối năm. Nhằm thu hút lao động, doanh nghiệp đưa ra các chế độ đãi ngộ, phúc lợi đầy đủ và việc làm ổn định. Ngoài ra, người lao động còn được nhận thêm các khoản tiền thưởng khác.
Để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm 2024, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang sẽ tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình lao động, việc làm, chủ động các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu lao động để hỗ trợ kịp thời, hiệu quả; tổ chức 42 phiên giao dịch việc làm định kỳ, lưu động, chuyên đề, online; tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động đến giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp; tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp ngay từ khi đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp; chú trọng công tác thông tin thị trường lao động, tổ chức có hiệu quả các phiên giao dịch việc làm hỗ trợ người lao động tìm được việc làm….
Còn theo Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh, trong bối cảnh nhiều địa phương khác cũng đang tích cực thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp thì việc “giữ chân” và thu hút lao động ngày càng khó khăn. Nhiều lao động lựa chọn quay về quê hương để làm việc - nơi mà mức lương không phải là yếu tố quyết định, vì vậy, bản thân doanh nghiệp phải tăng cường chính sách an sinh tốt hơn cho các lao động nhập cư. Địa phương cũng cần tham gia tích cực hơn với doanh nghiệp trong việc tạo dựng môi trường sống, môi trường làm việc tốt hơn cho người lao động.
Cùng bàn về vấn đề này, chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – bày tỏ: Thị trường lao động có tín hiệu tích cực, một số đơn hàng được cải thiện thêm không phải do thị trường mới mà do điều tiết thị trường cũ quay trở lại. Hạnh phúc của người lao động là có việc làm, song để “giữ chân” được người lao động thì người sử dụng lao động cần có chính sách hỗ trợ, ngoài mức lương, thưởng cần chú trọng đầu tư nâng cao tay nghề cho người lao động. Mặc khác, người lao động cũng cần trau dồi nâng cao chất lượng lao động.
Số liệu của Tổng cục Thống kê, lao động có việc làm trong 6 tháng đầu năm 2024 ước tính đạt 51,4 triệu người, tăng 195,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; thu nhập bình quân lao động ước đạt 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 7,4% (tương ứng tăng 519 nghìn đồng). |