Công nghiệp hỗ trợ Thủ đô có dấu hiệu khởi sắc
Ông Nguyễn Vân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Thành phố Hà Nội (HANSIBA) - cho biết, sau thời kỳ ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, 9 tháng năm 2023 vừa qua, các doanh nghiệp trong hiệp hội đã và đang phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, có những sự khởi sắc nhất định.
Các doanh nghiệp trong hiệp hội hầu hết đã vượt qua được khó khăn trong việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và mất đi bạn hàng, nhờ tham gia các cuộc hội chợ, triển lãm xúc tiến thương mại rất quy mô trong nước thông qua sự giúp đỡ của Bộ Công Thương, các cơ quan Trung ương và thành phố Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội. Các doanh nghiệp thành viên hiệp hội đã tiếp tục duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào bức tranh tăng trưởng sáng của nền kinh tế Việt Nam nói chung và lĩnh vực sản xuất công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nói riêng.
Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Hà Nội cũng nỗ lực tham gia các hội chợ, triển lãm, giao lưu kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. |
Hiệp hội doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội đã nỗ lực hợp tác với các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc hình thành nên những tổ hợp sản xuất trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Đơn cử như tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội do Tập đoàn N&G làm chủ đầu tư đã thu hút đầu tư, hợp tác và kết nối các doanh nghiệp tiêu biểu có năng lực sản xuất thực tế, có các sản phẩm linh kiện để hợp tác với các doanh nghiệp FDI lớn.
Về năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố cũng phải “tự thân”, nâng cao năng lực tốt hơn, sản phẩm sảm xuất ra phải đáp ứng được tiêu chuẩn của nhà cung cấp cho các doanh nghiệp đặt hàng.
Thời gian vừa qua, HANSIBA cũng đồng hành với các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc thành lập những công ty liên doanh tư vấn phát triển công nghiệp hỗ trợ để chia sẻ lại kinh nghiệm tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn lớn trên thế giới, rút ngắn khoảng cách đào tạo, hướng đến việc đạt được các chứng chỉ toàn cầu, qua đó các doanh nghiệp tạo được sức mạnh và năng lực cạnh tranh nhất định để vươn ra thị trường thế giới, xuất khẩu các sản phẩm linh phụ kiện sản xuất tại Hà Nội và Việt Nam.
Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng
Ông Nguyễn Vân cho biết, ngay từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ, tiếp đó là Bộ Công Thương ban hành Thông tư 54 định hướng để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam thì thành phố Hà Nội đã có ngay những kế hoạch phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và giao cho Sở Công Thương thành phố là cơ quan chủ trì hàng năm.
Hiệp hội cũng lập tức nghiên cứu ngay các kế hoạch hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ của thành phố Hà Nội ban hành. Từ đó lan tỏa thông tin tới các doanh nghiệp hội viên. Trong kế hoạch đó có những nội dung rất chi tiết về các hỗ trợ doanh nghiệp của thành phố được thụ hưởng, từ việc hỗ trợ kinh phí tham gia một gian hàng tại hội chợ công nghiệp hỗ trợ hàng năm của thành phố Hà Nội, tham gia các khóa đào tạo do Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội tổ chức,…
Minh chứng cho vai trò đi đầu của Hà Nội là trong tổng số 5.000 doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn cả nước thì Hà Nội đã chiếm gần 1.000 doanh nghiệp.
Thành phố cũng tích cực phổ biến các cơ chế chính sách của các cấp, cơ quan Trung ương từ Quyết định số 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025 đến các cơ chế chính sách Bộ Công Thương ban hành…
Bộ Công Thương, Sở Công Thương Hà Nội và các cấp chính quyền cũng nỗ lực tổ chức nhiều chuỗi hoạt động tạo cơ hội giao thương, kết nối cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố |
Tuy nhiên, ông Nguyễn Vân cũng thừa nhận: "Bên cạnh những mặt được ấy thì chúng ta phải nhìn nhận là có những điểm hạn chế. Cơ chế chính sách còn chưa được phổ biến đến các doanh nghiệp. Nhà nước, Thành phố và Sở Công Thương Hà Nội cũng đã thực hiện kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ hàng năm, nhưng chủ thể doanh nghiệp trong và ngoài hiệp hội cũng còn chưa nắm bắt những ưu đãi mà đương nhiên doanh nghiệp được hưởng. Thời gian qua Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Hà Nội chúng tôi cũng đang tiếp tục nỗ lực đồng hành cùng với Sở Công Thương thành phố Hà Nội để tổ chức những hội nghị, hội thảo về vấn đề này".
Đề xuất 5 nhóm giải pháp
Từ thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Thành phố Hà Nội cũng đề xuất với các cấp, cơ quan Trung ương, thành phố Hà Nội, đặc biệt là Bộ Công Thương 5 nhóm giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Thứ nhất về nguồn vốn tài chính: Cần có những gói cho vay có mức ưu đãi lãi suất tốt để cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có thể tiếp cận.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và đầu tư cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Hiện các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của thành phố cũng đã và đang tham gia những hội chợ trong và ngoài nước để xúc tiến thương mại, bán hàng, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do của Việt Nam đã ký kết.
Thứ ba là về nguồn lao động: Nhiều doanh nghiệp cũng đã đưa vào vận hành và khai thác một cách phi lợi nhuận để đón nhận hợp tác với các cơ sở giáo dục đào tạo, các trường đại học, cao đẳng, trong đó có cả những trường cao đẳng dạy nghề của Bộ Công Thương chủ quản. Từ đó, đào tạo theo đặt hàng để cung ứng nguồn lao động cho các doanh nghiệp, đối tác và cả chính những doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Thứ tư là vấn đề công nghệ: Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cũng phải có những bước tiếp cận với các doanh nghiệp mà họ đã đi trước, ví dụ như những doanh nghiệp lớn như Samsung, Toyota, Foxconn, Boeing,... đã đầu tư vào các dự án lớn trên địa bàn Thủ đô Hà Nội cũng như cả nước. Cần từng bước tiếp cận họ, sẵn sàng họ chuyển giao công nghệ, họ hợp tác, họ đặt hàng, họ đào tạo, họ hướng dẫn cho công nghệ quản trị sản xuất của họ.
Thứ năm là vấn đề khởi nghiệp lập nghiệp: Muốn phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ thì chúng ta cũng phải quan tâm dìu dắt những thế hệ thanh niên Việt Nam đã và đang du học, làm việc, làm thuê ở nước ngoài, trở về quê hương, hình thành nên những doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo để hun đúc tinh thần khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Có như vậy mới tiếp tục "khơi nguồn" cho ngành này phát triển hơn nữa trong tương lai.