Hội nghị xúc tiến thương mại khu vực Bắc Trung Bộ đã có 8 nhà phân phối, doanh nghiệp xuất khẩu ký biên bản hợp tác tiêu thụ sản phẩm của 40 nhà cung cấp. Tuy nhiên, đây chỉ là bước đầu, là phần nhỏ trong tiềm năng phát triển sản phẩm hàng hoá của khu vực này.
Các sản phẩm khu vực Bắc Trung Bộ được đánh giá cao về mẫu mã, chất lượng, tuy nhiên việc kết nối giao thương, xúc tiến thương mại còn "điểm nghẽn" |
Nhà sản xuất “vướng” gì?
Hiện nhiều đơn vị, nhà cung cấp khu vực Bắc Trung Bộ cho biết, họ cần nhiều hội nghị xúc tiến thương mại hơn nữa, qua đó để giới thiệu những sản phẩm làm ra, đồng thời có sự trao đổi, gặp gỡ với các nhà phân phối, xuất khẩu để tìm hiểu thông tin về thị trường, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường… để cùng nhau kết nối lợi ích.
Đại diện HTX Hương trầm Hiền Linh (xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, hiện nay diện tích trồng cây gió bầu trên địa bàn huyện rất lớn, với hơn 600 ha, nguồn nguyên liệu rất dồi dào, các sản phẩm từ trầm hương đã cung ứng ra các địa phương trên toàn quốc. Tuy vậy, sản phẩm tiêu thụ, đưa ra thị trường vẫn chưa rộng, kênh phân phối hàng còn hạn chế. Do đó, chúng tôi cần nhiều chương trình xúc tiến thương mại hơn nữa để có cơ hội giao lưu hợp tác với các nhà phân phối, xuất khẩu để đưa sản phẩm đi xa hơn.
Trong khi đó, ông Lê Văn An – Giám đốc Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ An Phát (Hà Tĩnh) cho biết, sản phẩm của đơn vị đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Đơn vị cũng tích cực tham gia nhiều hội nghị giao thương. Tuy nhiên, công tác xúc tiến, kết nối vẫn chưa đạt như kỳ vọng, bởi vì khi tham gia thì nhà cung cấp và nhà phân phối chưa có đủ thời gian để chia sẻ, nắm bắt thông tin của nhau và thiếu sự tin tưởng giữa hai bên.
Ông Lê Quang Nhật - Tổng Giám đốc Tổng Công ty thương mại Quảng Trị khuyến nghị, các doanh nghiệp, nhà cung cấp muốn xuất khẩu sản phẩm sạch, hữu cơ thì cần thực hiện đầy đủ tiêu chuẩn của Châu Âu |
“Do đó, ngoài các nhà sản xuất và đơn vị tiêu thụ thì cần có sự cam kết giữa các địa phương với nhau về tiêu thụ sản phẩm cho nhau, hay trích một nguồn kinh phí của địa phương thuê 1 quầy hàng trong siêu thị để bày bán các sản phẩm các tỉnh với nhau, đó mới thực chất là giao thương”, ông Lê Văn An mong muốn.
Đơn vị phân phối, bán lẻ muốn gì?
Ông Tạ Minh Sơn - Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn (Châu Đốc, An Giang) cho biết, hiện siêu thị đang bày bán các sản phẩm đến từ khu vực Bắc Trung Bộ và và sức mua rất tốt. Tuy nhiên, để lan toả sản phẩm đi xa hơn các nhà cung cấp cần tập trung xây dựng 2 tiêu chí đó là phải cạnh tranh về giá và sản xuất theo hướng có lợi cho sức khoẻ con người (đối với thực phẩm). Nếu làm được điều đó, các doanh nghiệp, nhà cung cấp có sản phẩm được bán tại An Giang nói chung và tại siêu thị Tứ Sơn nói riêng có nghĩa là đang xuất khẩu một cách vô hình sang thị trường Campuchia. Bởi vì, hiện siêu thị Tứ Sơn đang bán cho lượng lớn người tiêu dùng 2 tỉnh giáp biên với Campuchia.
Ông Tạ Minh Sơn - Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn (bên phải) trao đổi với các doanh nghiệp, nhà cung cấp |
Bà Hoàng Thị Tươi - Đại diện Siêu thị Go!Huế cho biết, hiện nay có một số khó khăn đó là khi hàng của các đơn vị, doanh nghiệp vào siêu thị rồi nhưng sau đó không đủ sản lượng để cung ứng cho bộ phận thu mua. Đồng thời, các giấy tờ pháp lý liên quan đến sản phẩm thì đa phần các doanh nghiệp thiếu, giá thành cao do sản xuất mô hình nhỏ lẻ, thủ công…do đó các nhà cung cấp, doanh nghiệp cần khắc phục những hạn chế này.
Còn đối với đại diện Tổng Công ty thương mại Quảng Trị, ông Lê Quang Nhật - Tổng Giám đốc cho biết, Công ty vừa là đơn vị cung cấp vừa là đơn vị phân phối nên cần phải có những kế hoạch, phương hướng cụ thể. “Nếu các doanh nghiệp sản xuất theo hướng sản phẩm sạch, hữu cơ thì cần tập trung thực hiện các yêu cầu, tiêu chuẩn khắc khe của các nước phát triển như Mỹ, Châu Âu mới xuất khẩu được”, ông Nhật khuyến nghị.
Đại diện sàn thương mại điện tử Tiki cho biết, Tiki có chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhà cung cấp lên sàn thương mại của công ty với nhiều ưu đãi, chi phí thấp. “Các doanh nghiệp, nhà cung cấp có nhu cầu lên sàn Tiki mạnh dạn liên hệ, sau đó sẽ có bộ phận liên lạc với các đơn vị để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Cụ thể, sau khi bán được hàng trên Tiki thì các siêu thị sẽ biết được đơn vị nào làm ăn, có sản phẩm tốt, qua đó đây sẽ là cầu nối để sản phẩm các doanh nghiệp được bán rộng rãi trên thị trường”, đại diện Tiki cho biết thêm.
Ký biên bản hợp tác tiêu thụ sản phẩm giữa nhà cung cấp với đơn vị phân phối, xuất khẩu khu vực Bắc Trung bộ |
Như vậy, có thể thấy, doanh nghiệp sản xuất cần tìm đầu ra cho sản phẩm, còn các doanh nghiệp phân phối rất cần nguồn hàng để bày bán tại kênh của mình. Các chương trình xúc tiến thương mại chính là "cầu nối" cho hai nhu cầu này được gặp nhau.
Tuy nhiên, thiết nghĩ, trong khuôn khổ một chương trình xúc tiến thương mại chỉ kéo dài ít ngày, doanh nghiệp khó có thể trao đổi sâu để ngay lập tức có các đơn hàng kết nối cung cầu. Điều quan trọng là doanh nghiệp phải mang đến các sự kiện xúc tiến thương mại các sản phẩm có chất lượng, mẫu mã bắt mắt, thậm chí là câu chuyện thú vị đằng sau sản phẩm để tiếp thị nhanh chóng sản phẩm đến với nhà phân phối. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp phân phối cần cung cấp rõ những điều kiện, tiêu chuẩn để hàng hóa của doanh nghiệp có thể vào được các kênh phân phối của mình.
Dưới vai trò "bà mối", ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành với các địa phương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ phát triển thị trường ở cả trong nước và quốc tế cho các sản phẩm có thế mạnh của địa phương, của vùng như nông sản, dược liệu, thực phẩm chế biến và các sản phẩm đặc sản, thủ công mỹ nghệ, công nghiệp. Từ đó giúp kết nối cung cầu sản phẩm, đưa sản phẩm hàng hóa vào các kênh phân phối để nhanh chóng đến được tay người tiêu dùng khắp cả nước.