Ông Eric Vazquez, người quản lý một công ty điện lực ở Tây Nam Florida (Mỹ) đang nắm giữ nhiều vàng hơn hầu hết các cố vấn tài chính nước này khuyến nghị. Vàng không chỉ trong danh mục đầu tư của ông, mà còn nằm rải rác giữa một số địa điểm cất giấu bí mật.
Đó là chiến lược đầu tư cho một thế giới mà ông Eric Vazquez lo ngại sẽ ngày càng bất ổn hơn. Ông chia sẻ với tờ Wallstreet Journal: “Ít nhất là kể từ khi tôi trưởng thành, tôi không thấy nền kinh tế có gì khá hơn. Và tôi chỉ cảm thấy mình muốn nắm giữ phần lớn sinh kế của chính mình, cũng như sự an toàn tài chính của chính tôi, của gia đình tôi, vào tay của mình.”
Người dân cầm trên tay vàng thỏi được bán chuỗi siêu thị Costco (Mỹ). Ảnh: ECOticias |
Theo ông Eric Vazquez, trong bối cảnh Chính phủ Mỹ tiếp tục chi tiêu vượt quá khả năng, và thị trường chứng khoán nước này có thể lao dốc chỉ bằng một bài đăng trên mạng xã hội, thì cách duy nhất để đảm bảo an toàn tài chính là sở hữu một tài sản đầu tư vật chất như là vàng.
Chính điều này cũng là lý do ông Barry Kitt, 69 tuổi, sinh sống tại thành phố Dallas, bang Texas, Mỹ, đầu tư vào vàng. Chia sẻ với tờ Wallstreet Journal, ông nói “Với các quỹ đầu tư, bạn không sở hữu tài sản đó, mà bạn chỉ sở hữu một tờ giấy thôi. Tôi muốn sở hữu vàng. Tôi muốn biết nó là của tôi.”
Từng là nhà quản lý quỹ phòng hộ, ông Barry Kitt hiện đang điều hành một văn phòng gia đình. Tuy cũng là một nhà đầu tư quỹ hoán đổi danh mục vàng (ETF), phần lớn tài sản của ông là vàng vật chất, bao gồm cả cốm vàng kết tinh. Dựa vào tính toán của bản thân mình, ông cho rằng giá vàng đã đánh bại lạm phát kể từ năm 1913 và chỉ số sàn S&P 500 kể từ năm 2000.
Giống như ông Barry Kitt và Eric Vazquez, tâm lý mua vàng đang ngày càng phổ biến với các nhà đầu tư nhỏ lẻ từ đất nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo bà Andreas Habluetzel, giám đốc điều hành tại Degussa Goldhande, các quỹ đầu tư và các nhà quản lý tài sản của Mỹ đều đang tăng phân bổ vàng trong danh mục đầu tư của họ trong năm qua, từ mức trung bình 5-7% lên 10-15%. Vậy đâu là nguồn gốc cho cơn sốt này?
Lý giải nguồn gốc "cơn sốt" vàng tại Mỹ
Thực tế, những lo ngại gần đây về chiến tranh, căng thẳng và nợ Chính phủ đã và đang thúc đẩy các cá nhân và tổ chức trên toàn thế giới đổ xô vào đầu tư vào vàng, không chỉ ở riêng Mỹ. "Cơn sốt" này đã giúp nâng giá vàng hơn 40% kể từ tháng 10 năm 2022, lên đến mức 2.367 USD/ounce vào tuần trước.
Tuy vậy, nguồn gốc của đợt tăng giá vàng gần đây đã khiến nhiều nhà phân tích bối rối vì nó không trùng với đặc điểm điển hình của các đợt tăng giá trước đó, như thị trường vàng giao tương lai tăng trưởng hay triển vọng từ các quỹ ETF. Hơn nữa, vàng còn mang lại thu nhập cố định, và thường trở nên kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư khi lãi suất tăng, làm nâng giá trị các tài sản tương đối an toàn khác, như trái phiếu. Mặc dù vậy, vàng đã có mức tăng mạnh nhất trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 4 vừa qua, khi có tín hiệu rằng lạm phát ở Mỹ đang cao hơn dự đoán.
Giờ đây, nhiều chuyên gia cho rằng giá vàng được đẩy lên bởi lượng lớn người tiêu dùng Trung Quốc. Nỗi lo về nền kinh tế của đất nước và nhu cầu đầu tư bên ngoài thị trường bất động sản đang suy yếu đã đẩy nhiều người dân nước này vào vàng. Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho biết, nước này đã nhập khẩu 194 tấn vàng trong tháng 3 năm nay, tăng 40% so với tháng 2 và là lượng nhập khẩu vàng hàng tháng lớn nhất trong ít nhất 7 năm.
Một tiệm vàng tại Trung Quốc. Ảnh: The New York Times |
Không chỉ ở Trung Quốc, người dân trên khắp thế giới cũng đang trong cuộc “săn lùng” kim loại quý này. Bà Nicky Shiels, chiến lược gia đầu tư tại sàn giao dịch MKS PAMP (Thụy Sĩ), cho rằng người dân các nước châu Á và Trung Đông sẵn sàng trả giá đắt chỉ để có thể sở hữu vàng. Thực tế, nhu cầu về vàng miếng và tiền xu trên toàn thế giới, thường được mua bởi các nhà đầu tư nhỏ lẻ thay vì các công ty lớn, đã tăng 36% từ năm 2019 đến năm 2023.
Và chính "cơn sốt" vàng của các nhà đầu tư nhỏ lẻ này đã làm tăng nhu cầu từ các ngân hàng trung ương, nơi dự trữ hàng đống thỏi vàng làm dự trữ tiền tệ. Theo Hội đồng Vàng Thế giới, các ngân hàng trung ương đã tăng gần gấp đôi trữ lượng mua vàng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào năm 2022, nhằm mục đích đa dạng hóa danh mục đầu tư của họ.
Các nhà phân tích cho biết, một số nước, bao gồm cả Trung Quốc, đang lo sợ trước các lệnh trừng phạt áp đặt lên dự trữ của ngân hàng trung ương Nga và hiện đang rút lui khỏi các tài sản định giá bằng đồng USD như trái phiếu kho bạc.
Ông David Wilson, chiến lược gia đầu tư tại ngân hàng BNP Paribas (Pháp), cho biết sự tăng tốc trong hoạt động mua vàng của ngân hàng trung ương và người tiêu dùng đã phá vỡ quy luật truyền thống của giá vàng, vốn thường giảm mỗi khi lãi suất tại Mỹ tăng. Trả lời phỏng vấn với The Wallstreet Journal, ông Wilson cho biết lý do đến từ việc “ngày càng có nhiều sự bất ổn, cho dù đó là sự bất ổn về kinh tế hay bất ổn về địa chính trị”.
Về nguồn gốc của cơn sốt vàng trong thời gian qua, ông Alex Ebkarian, giám đốc điều hành của đại lý kim loại quý Allegiance Gold (Mỹ), cho rằng làn sóng người mua mới nổi lên sau đại dịch Covid và cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ vào năm ngoái.
Gần đây hơn, các hiệp định thương mại mới giữa các quốc gia như Nga và Trung Quốc đã làm dấy lên lo ngại về vai trò ngày càng suy giảm của đồng đô la Mỹ trên thế giới, khiến một số nhà đầu tư tìm kiếm sự ổn định thông qua vàng. Trả lời phỏng vấn với Wallstreet Journal, ông Alex Ebkarian nói: “Các nhà đầu tư đang tự đặt mình mình câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu đồng đô la tiếp tục mất giá? Tôi không muốn tất cả tài sản của mình đều dựa trên giấy tờ.”
Một lý do khác cho cơn sốt vàng đến từ nỗi lo về nợ công toàn cầu, ông Aakash Doshi, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của công ty tài chính Citigroup (Mỹ), cho biết. Theo Viện Tài chính Quốc tế, nợ công toàn cầu đã tăng 24% lên 313 nghìn tỷ USD từ năm 2020 đến năm 2023. Được biết, nợ công tăng sẽ khiến nhiều nhà đầu tư rời xa các kênh ngoại tệ và thu hút đầu tư vào các kim loại quý.
Về triển vọng tương lại, ông Aakash Doshi cho rằng các quỹ phòng hộ và các nhà đầu cơ khác đã bắt đầu tăng cường đặt cược vào các hợp đồng tương lai của vàng. Chuyên gia này tin rằng một khi thị trường tài chính bắt kịp thị trường vàng, giá kim loại quý này có thể lên tới 3.000 USD trong vòng 6 đến 18 tháng tới. Chia sẻ với the Wallstreet Journal, ông nói: “Thị trường có thể sẽ tự nhủ rằng: Này, giá vàng có lẽ đã là quá thấp”.
Biểu đồ giá vàng thế giới ghi nhận vào 15h09 ngày 20/5/2024 |
Giá vàng thế giới hôm nay tăng mạnh mẽ do kỳ vọng vào đợt cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Cụ thể, giá vàng ghi nhận vào lúc 15h09 đang ở ngưỡng 2439 USD/ounce, tăng 24,5 USD so với ngày trước đó.
Bảng giá vàng được công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết lúc 14h53 ngày 20/5/2024 |
Giá vàng hôm nay trong nước cũng tăng mạnh mẽ. Cụ thể, giá vàng SJC được niêm yết bởi công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn vào lúc 14h53 đang ở mức 89 triệu đồng ở chiều mua, và 91 triệu đồng ở chiều bán. So với ghi nhận vào lúc 8h29 cùng ngày, giá vàng đã tăng 600.000 đồng ở cả chiều mua và chiều bán.
Tuần trước, giá vàng thế giới biến động mạnh khi thị trường liên tiếp đón nhận các dữ liệu kinh tế quan trọng cùng với phát biểu của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Kết quả khảo sát vàng hằng tuần mới nhất của Kitco News cho thấy phần lớn các chuyên gia tin rằng giá vàng có thể đạt hoặc vượt qua mức cao nhất mọi thời đại, trong khi các nhà giao dịch bán lẻ lại tỏ ra thận trọng với kim loại quý này.
Theo một số chuyên gia, dù giá vàng trong nước đang có xu hướng tăng theo giá vàng thế giới, tuy nhiên, thị trường vàng trong nước vẫn đang phải chịu áp lực từ thông tin sẽ thanh tra, quản lý thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước.