Ghi nhận của phóng viên tại website nhathuocthanthien.com.vn, Lifamax thuộc nhóm hỗ trợ giải độc gan do Công ty Cổ phần Dược phẩm Công nghệ cao Abipha (địa chỉ tại xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội) sản xuất dưới dạng viên uống. Đơn vị phân phối và chịu trách nhiệm về sản phẩm là Công ty Cổ phần Dược phẩm Famax (địa chỉ tại 16/122 ngõ 509 Vũ Tông Phan, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội). Sản phẩm có Giấy tiếp nhận đăng ký công bố là thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Bản chất của thực phẩm chức năng là hỗ trợ, nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh và không có công dụng chữa bệnh, thay thế thuốc chữa bệnh. Thế nhưng, thời gian qua, dù là diễn viên nổi tiếng được nhiều người biết tới qua các bộ phim "giờ vàng VTV" nhưng nghệ sĩ ưu tú Việt Anh lại quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Lifamax với những ngôn từ có thể gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, rằng đó là một loại thuốc có thể chữa bệnh, "thần dược" thải độc gan.
Cụ thể, trên trang Facebook có tên Giải độc gan số 1 Hoa Kỳ, Nghệ sĩ ưu tú Việt Anh quảng cáo: “Uống Lifamax, đảm bảo sau 7-10 ngày hết ngay mụn nhọt, vàng da, mẩn ngứa. Sau 2-4 tuần, đào thải hoàn toàn độc tố tích tụ lâu ngày, tăng sức đề kháng, cơ thể sẽ khỏe khoắn, da dẻ hồng hào. Sau liệu trình, hạ ngay men gan, phục hồi chức năng gan, phòng ngừa xơ hóa, phục hồi khi bị viêm gan B, viêm gan C và tái tạo tế bào mới cho gan".
Để tăng thêm niềm tin cho người tiêu dùng, Việt Anh còn khẳng định Lifamax là giải độc gan có hàm lượng cao bậc nhất hiện nay… "Việt Anh là một người rất khó tính khi chọn các sản phẩm uống vào cơ thể. Và Việt Anh phải nói là tìm hiểu rất kỹ mới dám chia sẻ cho mọi người. Ai chứ riêng Việt Anh thì cực kỳ yên tâm về giải độc gan Lifamax. Mình dùng có hiệu quả và uống hằng ngày. Chính vì thế cho nên là dùng sớm thì gan sẽ khỏe sớm. Dùng sớm thì sẽ bảo vệ sức khỏe sớm, mọi người nhé!”, Việt Anh quảng cáo, giới thiệu.
Đáng chú ý, trong clip do nghệ sĩ ưu tú Việt Anh quảng cáo, còn lồng ghép hình ảnh của bác sĩ - đây là một hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.
Ảnh cắt từ clip quảng cáo sản phẩm trên trang Facebook có tên "Giải độc gan số 1 Hoa Kỳ". |
Cụ thể, Thông tư số 09/2015/TT-BYT tại Điều 7 quy định, không được quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh; không được sử dụng hình ảnh, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh để quảng cáo thực phẩm.
Bên cạnh đó tổ chức, cá nhân khi thực hiện quảng cáo hàng hoá, dịch vụ có yếu tố "nhất", "duy nhất", "tốt nhất", "số một" hoặc các từ ngữ có ý nghĩa tương tự phải đảm bảo tuân thủ một số quy định. Cụ thể, cá nhân, tổ chức phải chuẩn bị tài liệu hợp pháp theo quy định của Luật Quảng cáo là kết quả khảo sát thị trường của các tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp có chức năng nghiên cứu thị trường hoặc Giấy chứng nhận hoặc các giấy tờ tương tự tại các cuộc thi, triển lãm có quy mô khu vực hoặc toàn quốc bình chọn và công nhận các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đó là "nhất", "duy nhất", "tốt nhất", "số một" hoặc các từ ngữ có ý nghĩa tương tự.
Thời gian sử dụng tài liệu hợp pháp chứng minh từ "nhất", "duy nhất", "tốt nhất", "số một" hoặc các từ ngữ có ý nghĩa tương tự trên các sản phẩm quảng cáo là 01 (một) năm kể từ ngày tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận hoặc nhận kết quả khảo sát thị trường.
Đối chiếu theo các quy định của pháp luật, có thể dễ dàng nhận thấy hoạt động quảng cáo của nghệ sĩ ưu tú Việt Anh đối với sản phẩm Lifamax là chưa phù hợp với các quy định của pháp luật, có dấu hiệu thổi phồng công dụng sản phẩm.
Luật sư Lê Văn Lên, Giám đốc Hãng luật Capital, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết, hành vi quảng cáo sản phẩm không được kiểm chứng về nguồn gốc xuất xứ, công dụng thực tế, thổi phồng công dụng sản phẩm của một số nghệ sĩ thời gian qua có thể xem là tiếp tay cho doanh nghiệp. Điều này sẽ gây hệ lụy rất xấu cho xã hội và mất danh tiếng, thậm chí người tham gia quảng cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Theo Điều 8, Luật Quảng cáo năm 2012 (sửa đổi năm 2018), hành vi quảng cáo không đúng về chất lượng, công dụng của sản phẩm, hàng hóa là hành vi bị nghiêm cấm. Người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu hành vi này gây tổn hại về sức khỏe, tính mạng thì người tiêu dùng có thể khởi kiện nhà sản xuất cùng với người có hành vi quảng cáo sai sự thật đó để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Bởi thế, nghệ sĩ phải có trách nhiệm và tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật để quảng cáo đúng luật, mang lại hiệu ứng tích cực. Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể quảng cáo sai quy định để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và những doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Liên quan tới hoạt động quảng cáo, tham gia giới thiệu sản phẩm của các nghệ sĩ, người nổi tiếng, trước đó, PGS, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm cho biết: “Các vi phạm về quảng cáo TPCN ngày càng phức tạp dù chúng tôi thường xuyên kiểm tra, xử lý. Nếu phát hiện trường hợp diễn viên, nghệ sĩ quảng cáo sai quy định chúng tôi sẽ có văn bản phối hợp với các cơ quan liên quan để đưa ra hình thức xử lý. Người dân cần nêu cao cảnh giác, khi có bệnh thì nên đến bệnh viện để khám và điều trị sớm, không nên tự ý mua thuốc hay các sản phẩm TPCN quảng cáo trôi nổi”.