Chính phủ ban hành Nghị định khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu Phổ biến Nghị định khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ |
Điện mặt trời mái nhà xấp xỉ 4 lần Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình
Để hỗ trợ Việt Nam cải thiện các điều kiện phát triển bền vững hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN), từ năm 2021, Chương trình Hỗ trợ Năng lượng (ESP) của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) đã cùng với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương thực hiện Dự án Điện mặt trời mái nhà trong ngành thương mại và công nghiệp (CIRTS). Mục tiêu của dự án là tăng cường năng lực cho các cơ quan của Việt Nam trong việc tích hợp ĐMTMN vào lưới điện, trong đó có Bộ Công Thương và EVN. Giải quyết được các vấn đề khó khăn về kỹ thuật, hành chính và quy định liên quan đến vận hành và tích hợp hệ thống ĐMTMN vào lưới điện sẽ giúp cung cấp nguồn điện sạch, ổn định và tiết kiệm chi phí cho hệ thống điện quốc gia, góp phần xây dựng nền tảng vững chắc để phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam.
Dự án CIRTS đã có nhiều đóng góp trong việc tư vấn về mặt kỹ thuật (dự báo, giám sát và điều khiển từ xa hệ thống ĐMTMN), chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về quy định, chính sách (bán điện dư thừa từ hệ thống ĐMTMN lên lưới) cũng như tư vấn chiến lược cho EVN (quản trị thay đổi trong quá trình chuyển dịch năng lượng).
![]() |
Hội thảo tổng kết dự án điện mặt trời mái nhà trong công nghiệp và thương mại |
Báo cáo của GIZ cho thấy, đến cuối 2023, tổng công suất đặt của hệ thống điện đạt 80.555MW, trong đó tổng công suất các nguồn tái tạo (gió, mặt trời) là 21.664MW, chiếm 27% công suất hệ thống.
Đến cuối năm 2020, Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển ngoạn mục của điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN), với hơn 101.000 hệ thống được lắp đặt, đạt tổng công suất 9.296 MWp (tương đương 7.680 MW, xấp xỉ 4 lần công suất lắp đặt của nhà máy thủy điện Hòa Bình). Đây là một dấu ấn quan trọng của Việt Nam trong việc phát triển năng lượng tái tạo (NLTT). Tuy nhiên, việc tăng trưởng này cũng mang đến nhiều thách thức lớn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong việc quản lý an toàn hệ thống lưới điện và đảm bảo phân phối điện ổn định, đặc biệt đối với khu vực miền Trung và miền Nam, nơi có nhiều hệ thống ĐMTMN được lắp đặt.
Sau giai đoạn phát triển mạnh của điện mặt trời vào năm 2020, tháng 5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (QHĐ VIII) nhằm tạo cơ hội để phục hồi và khai thác tiềm năng của thị trường ĐMTMN. Chương trình GIZ ESP và dự án CIRTS tiếp tục hỗ trợ Việt Nam triển khai QHĐ VIII và cải thiện các điều kiện khung để phát triển điện mặt trời.
Các kết quả dưới đây của Dự án CIRTS là bằng chứng cho thấy việc hợp tác kỹ thuật giữa hai chính phủ Việt Nam – CHLB Đức đã và đang được thúc đẩy mạnh mẽ trong tiến trình chuyển dịch năng lượng, hướng tới tương lai năng lượng bền vững và năng động tại Việt Nam.
![]() |
Công suất của điện mặt trời mái nhà gần bằng 4 Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình |
Vẫn còn nhiều dư địa cho điện mặt trời mái nhà
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Philipp Munzinger - Giám đốc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ (ESP) cho biết, hiện trên toàn cầu, ĐMTMN chiếm khoảng 1/3 tổng công suất ĐMT lắp đặt. Trong khi đó, Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng và dư địa phát triển ĐMTMN vì thực tế đến nay ĐMTMN mới chỉ đạt dưới 1% tổng số lượng mái nhà.
Trong khi đó, Chính phủ đang ưu tiên cho nguồn năng lượng sạch, trong đó có ĐMTMN nhằm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng và các cam kết quốc tế tại COP26.
Các chính sách ưu đãi đã được quy định tại Quy hoạch Điện VIII đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng ĐMTMN tự sản, tự tiêu (QHĐ 8). Hay mới đây Nghị định 80/2024/NĐ-CP và Nghị định 135/2024/NĐ-CP đều là cơ sở quan trọng thúc đẩy phát triển thị trường ĐMTMN tại Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Philipp Munzinger cũng khuyến nghị rằng, việc phát triển thị trường ĐMTMN cần đi đôi với tăng cường giám sát ĐMTMN và nâng cao độ linh hoạt của hệ thống điện để đảm bảo ổn định và an ninh hệ thống điện (chẳng hạn như nâng cao năng lực lưới điện, áp dụng các giải pháp lưu trữ cũng như các chính sách quản lý cân bằng cung-cầu theo thời gian thực (biểu giá điện động)). Đồng thời, cần cân bằng giữa ĐMTMN và các trang trại ĐMT quy mô lớn để đảm bảo hiệu quả kinh tế vĩ mô.
Giải pháp nào cho điện mặt trời mái nhà tương lai?
Cùng quan điểm trên, bà Laura Gutiérrez, Cố vấn kỹ thuật, Dự án CIRTS/GIZ cho rằng, điện mặt trời sẽ là giải pháp đầy hứa hẹn trong tương lai khi nhu cầu năng lượng đang ngày một tăng cao cùng với các cam kết giảm sử dụng các nguồn nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng to lớn của ĐMTMN, Việt Nam cần vượt qua các thách thức quan trọng liên quan đến chính sách, kỹ thuật, và nâng cao năng lực nguồn nhân lực.
Theo đó, Việt Nam cần có một chiến lược toàn diện, trước hết tập trung vào nâng cấp hạ tầng lưới điện, bao gồm tăng cường lưới điện phân phối để có thể tiếp nhận, giải tỏa công suất điện mặt trời ngày càng tăng, sử dụng các giải pháp lưu trữ năng lượng tiên tiến để khắc phục tính không ổn định của các nguồn năng lượng tái tạo và triển khai các hệ thống quản lý nguồn năng lượng phân tán để tích hợp hiệu quả các nguồn phát điện phân tán.
Thứ hai, cần đảm bảo vận hành lưới điện ổn định thông qua việc thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu phụ tải (DSM) nhằm cân bằng hiệu quả cung - cầu và phát triển các dịch vụ phụ trợ để hỗ trợ quản lý vận hành lưới điện có tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo không ổn định.
Thứ ba, cần xây dựng quy hoạch hệ thống điện toàn diện, phối hợp hiệu quả từ khâu sản xuất, truyền tải cho đến phân phối để hỗ trợ tích hợp điện mặt trời. Điều này đòi hỏi phải có các công cụ dự báo và mô phỏng tiên tiến, hiện đại.
Cuối cùng, cần tiếp tục tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho các kỹ thuật viên, kỹ sư và các nhà hoạch định chính sách để có thể quản lý và tích hợp hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo đang chiếm tỷ trọng ngày một cao trong cơ cấu năng lượng của Việt Nam.
Việc giải quyết các thách thức này là chìa khóa để khai thác tiềm năng năng lượng mặt trời của Việt Nam và thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng bền vững.
Với hơn 101.000 hệ thống được lắp đặt, đạt tổng công suất 9.296 MWp, công suất điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam tương đương 7.680 MW, xấp xỉ 4 lần công suất lắp đặt của Nhà máy thủy điện Hòa Bình. |