Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác: Khắc phục những tồn tại Thủ tướng Chính phủ chủ trì Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022 |
83,5% hợp tác xã đánh giá chuyển đổi số là cần thiết
Theo thông tin từ Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022, kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã là một trong bốn thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng, là một trong ba đột phá chiến lược đã được đề ra từ Đại hội Đảng lần thứ XI và tiếp tục được xác định là khâu đột phá, trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng XIII và cho cả giai đoạn 10 năm 2021 - 2030.
Hiện cả nước có 28.237 hợp tác xã, trong đó, 18.785 hợp tác xã nông nghiệp, 9.452 hợp tác xã phi nông nghiệp. Phân bổ theo các vùng kinh tế, Đồng bằng sông Hồng có 7.085 hợp tác xã, chiếm 25,09%; Đông Bắc có 5.048 hợp tác xã, chiếm 17,88%; Bắc Trung bộ có 4.178 hợp tác xã, chiếm 14,8%; Đồng bằng sông Cửu Long có 3.296 hợp tác xã, chiếm 11,67%; Tây Bắc có 2.934 hợp tác xã, chiếm 10,39%; Đông Nam bộ có 2.209 hợp tác xã, chiếm 7,82%; Tây Nguyên có 1.881 hợp tác xã, chiếm 6,66%; Duyên hải miền Trung có 1.606 hợp tác xã, chiếm 5,69%. Cả nước có 130.760 tổ hợp tác, 120 liên hiệp hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn |
Hầu hết các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập mới từ sau Luật Hợp tác xã năm 2012 đều xây dựng phương án sản xuất kinh doanh cụ thể, nhiều hợp tác xã đã chủ động tiếp cận nhu cầu thị trường, đổi mới cơ sở vật chất nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng sản xuất như: Nhà xưởng và máy móc từng bước hiện đại, ứng dụng các phần mềm tin học trong quản lý, điều hành, một số chuyển đổi số mạnh mẽ...
Theo kết quả khảo sát, 83,5% hợp tác xã đánh giá việc chuyển đổi số là cần thiết; 18,9% hợp tác xã đã có kế hoạch với lộ trình thực hiện cụ thể; 68% hợp tác xã có sử dụng ít nhất một trong các phương thức giới thiệu và bán sản phẩm trực tuyến.
Nhiều hợp tác xã nông nghiệp, đặc biệt là các hợp tác xã nông nghiệp có giám đốc và nguồn nhân lực trẻ, năng động, khởi nghiệp bước đầu thành công qua mô hình hợp tác xã mạnh dạn, chủ động, tiếp cận, đầu tư, kết nối sản xuất, tiêu thụ với các hợp tác xã cùng loại hình hoặc khác loại hình theo chiều hướng tăng ứng dụng chuyển đổi số, thích ứng đặc biệt trong và sau dịch bệnh Covid-19.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết: Thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã có chuyển biến tích cực về chất và lượng; về cơ bản, khắc phục tình trạng yếu kém kéo dài, tận dụng và khai thác được dư địa, tiềm năng, không gian phát triển, từng bước khẳng định vị trí, vai trò của một trong những thành phần kinh tế nền tảng trong nền kinh tế quốc dân.
Tuy nhiên, trong 2 năm 2020, 2021, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực kinh tế tập thể, đặc biệt là hợp tác xã vận tải, du lịch và các hợp tác xã nông nghiệp, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của thành viên và hợp tác xã.
“Ngoài những khó khăn truyền thống như nhân lực, khoa học công nghệ, đất đai, nguồn vốn, thiên tai và dịch bệnh... các hợp tác xã hiện nay còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới như: Cạnh tranh thị trường gay gắt, thiếu hụt lao động có trình độ cao và kỹ năng chuyên nghiệp, nguy cơ tụt hậu ngày càng xa về công nghệ, bảo mật thông tin và dễ bị tổn thương từ những tác động bên ngoài” – Thứ trưởng Trần Duy Đông thông tin.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng: Kinh tế hợp tác, hợp tác xã phải chủ động thay đổi cơ bản phương thức sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi số để thích nghi với tình hình phát triển mới là yêu cầu cấp thiết, không thể đảo ngược.
Hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã
Để đáp ứng nhu cầu phát triển của khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong giai đoạn trung và dài hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu, trình các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quan trọng mang tính chiến lược. Đặc biệt, tại Hội nghị toàn quốc về tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết trung ương 5 Khóa IX, 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chủ trì, điều hành và có những chỉ đạo toàn diện, sâu sắc, định hướng cho việc tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển cho khu vực quan trọng này.
Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện báo cáo tổng kết, tham mưu trình Trung ương ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới và Kế hoạch số 10-KH/TW của Bộ Chính trị.
Tại Nghị quyết số 20, quan điểm của Ðảng về vai trò khu vực kinh tế tập thể tiếp tục được củng cố và phát triển. Quá trình xây dựng Nghị quyết đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, kế thừa những nội dung của Nghị quyết 13-NQ/TW và cập nhật tình hình thực tiễn phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn vừa qua cũng như xu thế phát triển kinh tế tập thể trong thời gian tới.
Đây là các nội dung mang tính chiến lược, là cơ sở cho việc hoàn thiện cơ chế, thể chế phát triển và quản trị cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn từ nay đến 2045. Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Trung ương và Kế hoạch số 10-KH/TW ngày 23/8/2022 của Bộ Chính trị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ nhằm cụ thể hóa quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp nêu tại Nghị quyết.
Một trong những nhiệm vụ cốt lõi, mang tính nền tảng của Nghị quyết số 20 đó là sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012. Thực hiện nhiệm vụ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành địa phương xây dựng Dự thảo Luật hợp tác xã sửa đổi với tên gọi Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác và dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.
Ngoài việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai những nhiệm vụ cụ thể giúp hợp tác xã chuyển đổi số như, bao gồm: Thứ nhất, xây dựng và đưa vào sử dụng Hệ thống đăng ký hợp tác xã trực tuyến có liên thông với đăng ký thuế nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, đảm bảo công bằng, minh bạch trong việc tham gia và rút lui khỏi thị trường của các hợp tác xã, như đối với doanh nghiệp; Thứ hai, thành lập và vận hành Trung tâm Đổi mới, sáng tạo quốc gia để kết nối nhằm xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trên phạm vi toàn quốc; cung cấp cơ sở hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đổi mới sáng tạo, chú trọng đẩy mạnh hoạt động chuyển giao, nghiên cứu phát triển và thương mại hóa công nghệ để đảm bảo sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế; Thứ ba, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh giai đoạn 2021-2025 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, góp phần tháo gỡ khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.
Sau Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022, Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để làm cơ sở đôn đốc, giám sát các bộ, ngành, địa phương cụ thể hóa được những giải pháp đã được thống nhất và thực hiện các nhiệm vụ phát triển hợp tác xã gắn với thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW. |