Thúc đẩy giao thương nông sản Việt Nam - Quảng Tây (Trung Quốc) Xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc: Doanh nghiệp kỳ vọng |
Đây là chia sẻ của ông Đỗ Nam Trung - Tổng lãnh sự Việt Nam tại thủ phủ Nam Ninh, Quảng Tây (Trung Quốc) trong buổi làm việc của đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Nam Ninh.
thanh long xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc |
Ông Đỗ Nam Trung - Tổng lãnh sự Việt Nam tại thủ phủ Nam Ninh (Quảng Tây) - khẳng định, khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, là địa phương chiến lược trong mối hợp tác kinh tế với Việt Nam. Sự hợp tác giữa Quảng Tây với các địa phương của Việt Nam đang ở thời kỳ thuận lợi, có được thiên thời, địa lợi, nhân hòa.
Về thiên thời, quan hệ Việt – Trung đang rất tốt đẹp. Về địa lợi, Quảng Tây vừa có biên giới trên bộ, trên biển với các địa phương của Việt Nam. Giao thông đặc biệt thuận tiện với các cửa khẩu đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không để giao thương hàng hóa. Về nhân hòa, hai nước có văn hóa tương đồng, nhân dân hai nước có tình cảm lâu đời.
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản Việt – Trung đạt 14,2 tỷ USD, tăng hơn 12% so với năm 2021. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 10,4 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm 2021. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc hơn 3,7 tỷ USD, tăng hơn 19% so với năm trước đó.
Theo ông Đỗ Nam Trung, năm nay, khi tình hình dịch bệnh không còn căng thẳng, giao thương giữa hai nước được dự báo sẽ phát triển hơn. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn cần tháo gỡ. Đầu tiên phải nhắc tới xu hướng giảm nhu cầu tiêu dùng trong nước và trên thế giới. Tình hình thông quan sau đại dịch vẫn chưa đạt được thông suốt như trước đó. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý hai bên trong tạo thuận lợi hóa tối đa cho doanh nghiệp chưa được thông suốt, kịp thời.
Vấn đề khác cũng được Tổng lãnh sự đưa ra là một số mặt hàng nông sản, trái cây tiềm năng chưa được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Đó là bưởi, bơ, na, roi, dừa, thảo quả, dứa.
Tổng lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh, Quảng Tây Đỗ Nam Trung (bên trái) tham gia đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc tại Nam Ninh. |
Đại diện cho phía Trung Quốc, bà Hứa Cẩn - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Tây, ghi nhận các ý kiến của Tổng lãnh sự. Bà Hứa Cẩn khẳng định, những năm qua, hợp tác nông nghiệp giữa Quảng Tây và các địa phương của Việt Nam luôn ổn định, không ngừng đạt được đột phá mới. Các triển lãm, hội chợ nông nghiệp Trung Quốc – ASEAN cũng đã tạo ra môi trường phát triển thuận lợi cho doanh nghiệp các bên.
“Tháng 4, Giám đốc Sở Nông nghiệp Quảng Tây đã dẫn đầu đoàn doanh nghiệp tỉnh chúng tôi sang thăm, làm việc với các đối tác ở Việt Nam. Kết quả là hai bên đã ký kết 7 dự án nông nghiệp, tổng mức 10 tỷ Nhân dân tệ”, bà Hứa Cẩn cho biết.
Giới thiệu về tiềm năng của Quảng Tây, bà Hứa Cẩn cho biết đây là tỉnh nông nghiệp lớn của Trung Quốc, là vựa trái cây của quốc gia 1,4 tỷ dân. Cứ 4 quả cam ngoài thị trường, thì có 1 quả đến từ Quảng Tây. Ngoài ra, hoa nhài, quả la hán, tơ tằm của Quảng Tây đứng thứ nhất Trung Quốc và thế giới. Cứ 10 bông hoa nhài được bán ra, thì có 6 bông của Hoành Châu, Quảng Tây. 85% quả la hán trên thế giới xuất phát từ Quế Lâm, Quảng Tây. 60% sản lượng tơ lụa ở Trung Quốc cũng từ Quảng Tây. Những điều này là cơ sở vững chắc cho sự hợp tác nông nghiệp giữa tỉnh chúng tôi với các địa phương của Việt Nam.
Về kỹ thuật nông nghiệp, Quảng Tây phối hợp chặt chẽ với tỉnh Hưng Yên của Việt Nam về giống cây trồng, phối hợp với các tỉnh biên giới của Việt Nam xây dựng trạm kiểm soát dịch bệnh. Bà Hứa Cẩn bày tỏ hy vọng cơ quan quản lý, doanh nghiệp hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ với nhau để phát triển hơn nữa trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trong hợp tác nghề cá, Trung Quốc và Việt Nam đã nhiều lần phối hợp cùng nhau, thả hơn 300 triệu con giống thủy sản ở Vịnh Bắc Bộ. Ngoài ra, triển vọng hợp tác thương mại giữa hai nước cũng đang phát triển nhanh chóng. Sầu riêng, chuối, thanh long Việt Nam được người tiêu dùng Trung Quốc rất yêu thích. Các nông sản này hầu như đều xuất phát từ các cửa khẩu Quảng Tây.
Bà Hứa Cẩn cho biết, ở chiều xuất khẩu sang Việt Nam, phía Trung Quốc hiện có thế mạnh về hành tây. Tỉnh Quảng Tây kỳ vọng thời gian tới sẽ đẩy mạnh xuất nhập khẩu, công nhận tiêu chuẩn nông sản hai bên, tăng nhanh thời gian thông quan.
Hiện tại, Công ty TNHH Vạn Xuyên, Quảng Tây, đã xây dựng khu trình diễn trồng trọt, giới thiệu công nghệ nông nghiệp với Việt Nam. Ngành giống đang là hy vọng hợp tác phát triển với Việt Nam của doanh nghiệp Quảng Tây. Tỉnh này cũng sẵn sàng cùng các địa phương Việt Nam hợp tác trong cơ giới hóa nông nghiệp.