Người dân tiên tục “kêu cứu”
Thời gian qua, các tranh chấp, phản ánh, khiếu nại liên quan đến hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ vẫn tiếp tục được cơ quan truyền thông thông tin cũng như người tiêu dùng phản ánh tới cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo khảo sát, trên thị trường hiện nay, ghi nhận không ít các quảng cáo, giới thiệu hấp dẫn về quyền lợi của khách hàng (khách nghỉ dưỡng) khi tham gia mô hình sở hữu kỳ nghỉ như: Giá trị hợp đồng hấp dẫn, chi phí mỗi đêm nghỉ dưỡng của khách nghỉ dưỡng thấp hơn nhiều lần so với khách vãng lai; dịch vụ nghỉ dưỡng đẳng cấp 5 sao, tiêu chuẩn quốc tế, hàng đầu Việt Nam,…; hay kênh đầu tư sinh lời lý tưởng, khách nghỉ dưỡng có thể dễ dàng chuyển nhượng toàn bộ hợp đồng hoặc từng tuần nghỉ với lợi nhuận cao; địa điểm nghỉ dưỡng phong phú, khách nghỉ dưỡng có thể nghỉ dưỡng tại dự án của Công ty hoặc các địa điểm khác trong và ngoài nước (có thể trên toàn thế giới) của các đối tác trong mạng lưới liên kết với Công ty; đơn vị cung cấp dịch vụ là các công ty có uy tín, có tiềm lực kinh tế và kinh doanh lâu năm trên thị trường...
Tuy nhiên, trên thực tế, không ít trường hợp người dân tham gia hợp đồng cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng dài hạn hay còn gọi là hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ phán ánh quyền lợi của họ trong hợp đồng ký kết trên thực tế không giống với thông tin quảng cáo, giới thiệu.
Rủi ro của người tiêu dùng có thể gặp phải khi giao kết Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ |
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian vừa qua, đơn vị nhận được nhiều đơn, thư của người dân phản ánh liên quan tới hoạt động cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng dài hạn của bên bán như: Có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lừa dối khách hàng; vi phạm pháp luật về du lịch; vi phạm điều cấm của pháp luật; không thực hiện đúng hợp đồng đã giao kết; thực tế giao dịch không đúng với thông tin quảng cáo; cung cấp thông tin gian dối; áp đặt điều khoản bất lợi cho người tiêu dùng; tăng phí thường niên quá cao; việc đặt phòng nghỉ dưỡng và chuyển nhượng hợp đồng/cho thuê lại kỳ nghỉ không thuận lợi; có dấu hiệu trốn thuế, không minh bạch về kiểm toán...
“Hầu hết người dân đề nghị được hủy bỏ/chấm dứt Hợp đồng nghỉ dưỡng dài hạn đã ký và được bên bán hoàn trả lại giá trị hợp đồng đã thanh toán” - Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thông tin.
Bên cạnh việc gửi đơn, thư phản ánh tới Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, nhiều người dân đã gửi đơn đến Bộ Công an tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về hình sự như hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và khởi kiện ra cơ quan Tòa án nhân dân các cấp để yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu như vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật và do lừa đảo.
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, về bản chất, các giao dịch kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng dài hạn là giao dịch dân sự, chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau và thuộc thẩm quyền quản lý, xử lý của nhiều cơ quan quản lý nhà nước theo phạm vi thẩm quyền được giao. Cụ thể, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xem xét ý kiến, phản ánh của người tiêu dùng từ khía cạnh pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và pháp luật về cạnh tranh; các Bộ, ngành khác và địa phương thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo thẩm quyền.
Dưới góc độ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã tiến hành các hoạt động: Hoàn thiện quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023; thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ; tuyên truyền, phổ biến thông tin, khuyến cáo người dân; tiếp công dân, làm việc với doanh nghiệp, phối hợp với một số bên có liên quan để xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân; hướng dẫn người dân gửi đơn tới các cơ quan có thẩm quyền như Bộ Công an, Tòa án…
“Đối với yêu cầu của người dân trong việc hủy bỏ/chấm dứt hợp đồng đã giao kết và được hoàn trả lại tiền, do đây là giao dịch dân sự, yêu cầu này cần được xử lý theo quy định của pháp luật về dân sự và thuộc thẩm quyền của cơ quan giải quyết tranh chấp dân sự. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã hướng dẫn người dân gửi đơn tới cơ quan có thẩm quyền như Bộ Công an, Tòa án” - Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết.
Bộ Công Thương khuyến cáo người tiêu dùng cẩn trọng khi giao kết hợp đồng “Sở hữu kỳ nghỉ” |
Đề xuất hoàn thiện pháp luật du lịch
Để nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung và từ việc nhận thức các rủi ro có thể xảy ra với người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ nghỉ dưỡng dài hạn thời gian qua nói riêng, Bộ Công Thương đã trình và được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 5 đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 19/2023/QH15 ngày 20/6/2023 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024), trong đó có các quy định về kiểm soát hợp đồng theo mẫu (bao gồm hợp đồng nghỉ dưỡng mẫu do bên bán soạn thảo); trách nhiệm của bên kinh doanh và quyền của người tiêu dùng trong trường hợp bên bán bán hàng hóa, dịch vụ ngoài địa điểm kinh doanh thường xuyên của bên bán.
Theo đó, về kiểm soát hợp đồng theo mẫu, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 có các quy định về hình thức, ngôn ngữ và nội dung của hợp đồng theo mẫu trong giao dịch với người tiêu dùng như: Ngôn ngữ, hình thức phải được thể hiện rõ ràng, dễ hiểu; phải có các nội dung cơ bản của hợp đồng, đồng thời phải tuân thủ quy định của pháp luật khác có liên quan; không được quy định trong hợp đồng theo mẫu một số dạng điều khoản bất lợi cho người tiêu dùng.
Về trách nhiệm của bên kinh doanh, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 cũng đặt ra các quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh, bao gồm cả tổ chức kinh doanh sở hữu kỳ nghỉ, trong giao dịch với người tiêu dùng như: trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; trách nhiệm dành thời gian hợp lý để người tiêu dùng nghiên cứu hợp đồng theo mẫu trước khi giao kết; công khai hợp đồng theo mẫu theo hình thức quy định để người tiêu dùng biết về nội dung của hợp đồng trước khi người tiêu dùng giao kết hợp đồng hoặc thực hiện hoạt động đặt cọc, thanh toán trước khi hợp đồng được giao kết…
Về quyền của người tiêu dùng trong trường hợp bên bán bán hàng hóa, dịch vụ không tại địa điểm giao dịch thường xuyên, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước việc tổ chức, cá nhân kinh doanh chủ động tiếp cận người tiêu dùng để bán hàng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 bổ sung quy định mới (so với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010) về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng đã giao kết của người tiêu dùng trong một thời hạn nhất định và trước khi hết thời hạn này, tổ chức, cá nhân kinh doanh không được yêu cầu người tiêu dùng đặt cọc, thanh toán hoặc thực hiện hợp đồng.
Tuy nhiên, do pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chỉ điều chỉnh mối quan hệ giữa tổ chức, kinh doanh và người tiêu dùng và điều chỉnh đối với mọi lĩnh vực trong đời sống (không tiếp cận theo mục tiêu quản lý ngành, lĩnh vực), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định riêng để điều chỉnh các vấn đề bất cập mang tính đặc thù trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng dài hạn cũng như không điều chỉnh các giao dịch đầu tư, kinh doanh sinh lợi của khách hàng.
Do đó, Bộ Công Thương đã đề xuất với cấp có thẩm quyền phương án hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan như: Pháp luật về du lịch để bảo vệ quyền lợi cho bên tham gia giao dịch; đồng thời kiến nghị các cơ quan có liên quan thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo người dân về những rủi ro khi tham gia ký hợp đồng nghỉ dưỡng dài hạn với các đối tác, chủ đầu tư.
“Xuất phát từ việc điều khoản hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ thường phức tạp, khoản tiền phải thanh toán một lần lớn, thời hạn hợp đồng dài, cơ chế chấm dứt Hợp đồng cho khách nghỉ dưỡng có thể không thuận lợi cùng với nhiều hạn chế khác có thể được quy định trong hợp đồng, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến nghị người dân lưu ý nghiên cứu kỹ hợp đồng và đề nghị luật sư tư vấn, nếu có thể, để đánh giá toàn diện về quyền lợi, nghĩa vụ và rủi ro có thể xẩy ra trước khi quyết định tham gia giao dịch” - Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến cáo.
Một số nội dung cần lưu ý trong loại hình hợp đồng nghỉ dưỡng dài hạn (sở hữu kỳ nghỉ) Dưới góc độ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế, đơn thư của người dân và một số thông tin phản ánh về mô hình kinh doanh này tại Việt Nam, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tổng hợp một số nội dung thiếu rõ ràng cần lưu ý trong loại hình hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ để người dân nghiên cứu kỹ trước khi quyết định tham gia giao dịch. Theo đó, đối với nghĩa vụ tài chính của khách nghỉ dưỡng, bên cạnh khoản tiền phải thanh toán một lần tại thời điểm ký kết hợp đồng (khoảng vài trăm triệu đồng), Khách Nghỉ dưỡng có thể phải thanh toán chi phí hàng năm (từ vài triệu đến vài chục triệu đồng) để sử dụng quyền nghỉ dưỡng trên thực tế. Tuy nhiên, trong hợp đồng có thể không quy định cụ thể, rõ ràng về khoản chi phí này và các vấn đề có liên quan như: không quy định mức phí cụ thể; không quy định về nguyên tắc thu, thay đổi phí tại thời điểm giao kết Hợp đồng và trong suốt thời hạn Hợp đồng; thiếu quy định về tiêu chuẩn, chất lượng các dịch vụ nghỉ dưỡng được cung cấp… Thậm chí, các điều khoản trong hợp đồng có thể trao cho bên cung cấp dịch vụ quyền xác định mức chi phí hàng năm và các vấn đề có liên quan. Đối với chất lượng dịch vụ nghỉ dưỡng, mặc dù được quảng cáo vô cùng hấp dẫn với các tiện nghi, chất lượng nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế, 5 sao. Tuy nhiên danh mục dịch vụ và chất lượng dịch vụ cung cấp tới khách nghỉ dưỡng có thể không được cụ thể hóa trong hợp đồng. Điều này khiến khách nghỉ dưỡng thiếu cơ sở pháp lý để khiếu nại bên cung cấp dịch vụ trong trường hợp họ cho rằng chất lượng dịch vụ không đảm bảo, không tương xứng với số chi phí thường niên/phí duy trì phải chi trả hoặc không đúng với kỳ vọng về một địa điểm nghỉ dưỡng lý tưởng - mục đích xác lập hợp đồng ban đầu của bên mua. Về khả năng đầu tư sinh lời, theo phản ánh của một bộ phận người mua, họ tham gia hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ như một kênh đầu tư sinh lợi do được giới thiệu, hứa hẹn (nhưng không quy định trong hợp đồng) có thể dễ dàng chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ hợp đồng hay quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng cho bên thứ ba. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng này có thể gắn với điều kiện trả phí và phải được bên cung cấp dịch vụ đồng ý trước bằng văn bản. Mức phí chuyển nhượng và điều kiện chuyển nhượng cụ thể có thể không được quy định tại thời điểm ký kết Hợp đồng mà thuộc quyền quyết định của bên cung cấp dịch vụ tại từng thời điểm. Bên cạnh khả năng sinh lời, địa điểm nghỉ dưỡng phong phú cũng là một trong các lợi ích thu hút bên mua. Theo thông tin quảng cáo, giới thiệu, khách nghỉ dưỡng có thể được nghỉ dưỡng tại dự án của doanh nghiệp hoặc các địa điểm khác trong và ngoài nước (có thể trên toàn thế giới) của các đối tác trong mạng lưới liên kết với doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong hợp đồng, có thể khách nghỉ dưỡng không được cung cấp thông tin về danh sách các công ty liên kết cụ thể, đồng thời bên cung cấp dịch vụ không được cam kết về các tiêu chí lựa chọn đối tác liên kết. Theo đó, không có cơ sở ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp khi họ lựa chọn đối tác liên kết thiếu năng lực/không đáp ứng được kỳ vọng của khách nghỉ dưỡng. Về chế tài xử lý vi phạm, thông thường, các hợp đồng sẽ quy định quyền chấm dứt Hợp đồng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hợp đồng có thể quy định không rõ ràng hoặc không quy định các trường hợp cụ thể khách nghỉ dưỡng được quyền chấm dứt hoặc hủy bỏ hợp đồng và chế tài xử ý vi phạm tương ứng đối với vi phạm của bên cung cấp dịch vụ. Trong khi đó, hợp đồng có thể trao cho bên cung cấp dịch vụ quyền chấm dứt hợp đồng đối với mọi vi phạm của khách nghỉ dưỡng, từ vi phạm về nghĩa vụ thanh toán đến vi phạm quy định tại nội quy/quy chế và các nhóm vi phạm khác. Như vậy, khách nghỉ dưỡng đứng trước rủi ro lớn trong việc bị bên cung cấp dịch vụ chấm dứt Hợp đồng và mất khoản tiền đã thanh toán mặc dù thời hạn hợp đồng có thể còn dài. |