Chi 6 tỷ USD mỗi năm nhập khẩu nguyên liệu đầu vào
Ngô là một trong những nguồn nguyên liệu đầu vào trong sản xuất TĂCN. Theo Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu ngô của cả nước đạt gần 4,4 triệu tấn, tương đương hơn 1,1 tỷ USD, tăng 39% về lượng và tăng gần 73% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 5 tháng đầu năm, ngô được nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu từ 3 thị trường Argentina, Brazil và Ấn Độ. Giá ngô nhập khẩu trung bình đạt 264 USD/tấn, tăng 23% so với cùng kỳ 2020.
Thức ăn chăn nuôi sẽ thiết lập mặt bằng giá mới |
Trong đó, Argentina là thị trường lớn nhất cung cấp ngô cho Việt Nam với hơn 1,6 triệu tấn, tương đương hơn 450 triệu USD, giảm 10% về lượng, tăng 21% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 37% lượng nhập khẩu ngô của Việt Nam.
Thị trường nhập khẩu ngô lớn thứ 2 là Brazil với gần 1,4 triệu tấn, tương đương 300 triệu USD, tăng 2,2 lần về lượng, tăng 2,5 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 31% lượng nhập khẩu ngô của Việt Nam.
Đáng chú ý, nhập khẩu ngô từ Ấn Độ tăng vọt trong 5 tháng đầu năm với gần 650 nghìn tấn, tương đương 175 triệu USD, tăng hơn 83.000% về lượng và tăng hơn 65.000% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 15% lượng nhập khẩu ngô của Việt Nam.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)), năm 2020, Việt Nam chi 6 tỷ USD nhập khẩu TĂCN với khối lượng khoảng 20,2 triệu tấn. Quý I/2021, tổng lượng TĂCN nhập khẩu đạt 5,4 triệu tấn, tương đương 1,66 tỷ USD; tăng 3,94% về số lượng và 5,53% về giá trị so với cùng kỳ 2020.
Trong sản xuất TĂCN công nghiệp, giá nguyên liệu thông thường chiếm khoảng 80-85% so với giá thành sản xuất; chi phí khác như nhiên liệu, khấu hao, nhân công, lãi vay, lương... chiếm khoảng 10-15%. Việc phụ thuộc vào nguồn TĂCN và nguyên liệu nhập khẩu dẫn đến phụ thuộc diễn biến giá trên thị trường thế giới. Trong khi đó, không chỉ bản thân người chăn nuôi gặp khó với giá TĂCN mà các doanh nghiệp nội địa trong ngành sản xuất TĂCN cũng đang đối mặt nhiều thách thức lớn trong năm 2021 khi thị phần của họ ngày càng nhỏ hẹp so với khối ngoại.
Kiến nghị đưa vào mặt hàng bình ổn giá
Tính từ lần tăng giá đầu tiên tại thời điểm cuối năm 2020 đến nay, giá TĂCN thành phẩm trong nước đã tăng 7 đợt từ 250.000 đồng lên 320.000 đồng/bao (loại 25kg). Gần như tháng nào cũng có một đợt tăng giá. Trong khi đó, giá sản phẩm chăn nuôi lại không tăng. Do đó, nhiều trang trại, nông hộ chỉ dám chăn nuôi cầm chừng, không dám tăng đàn trong thời gian này.
Giá lợn hiện đang phổ biến ở mức 63.000 - 71.000 đồng/kg, liên tục giảm trong mấy tháng qua. Dịch tả lợn châu Phi, dịch Covid-19 ảnh hưởng tới đầu ra, giá TĂCN tăng mạnh đang là những yếu tố tác động rất mạnh lên ngành chăn nuôi, trong đó có ngành chăn nuôi lợn. Theo ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, trong bối cảnh khó khăn kép như hiện nay, nếu chăn nuôi khép kín, chủ động từ con giống đến thức ăn hỗn hợp thì có lãi mỏng. Còn nếu nuôi theo quy mô nông hộ, mua con giống bên ngoài sẽ chịu chi phí cao hơn và nhiều hộ bắt đầu lỗ. Giá lợn hơi phải trên 70.000 đồng/kg thì người chăn nuôi mới có lãi.
Các chuyên gia nhận định, việc giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trên thị trường thế giới tăng cao, gây áp lực rất lớn đến mặt bằng giá cả trong nước, nếu các mặt hàng nông nghiệp chủ đạo như gạo, thịt lợn, thịt gia cầm, thủy hải sản không giảm, sẽ gây áp lực rất lớn đến chỉ số giá tiêu dùng, tác động mạnh đến đời sống của người dân cũng như hoạt động sản xuất - kinh doanh của cả nền kinh tế.
Đáng chú ý, việc giá TĂCN tăng mạnh, khiến giá thành tăng và làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường khiến sản xuất nông nghiệp cũng đang chịu áp lực rất lớn. Ông Dương Mạnh Hùng - Vụ trưởng Vụ Thống kê Nông, lâm nghiệp và thủy sản (Tổng cục Thống kê) - cho biết, hiện chúng tôi đang đề xuất kiểm soát và bình ổn giá TĂCN cho gia súc, gia cầm và thủy sản. Cụ thể, các cơ quan hữu quan cần khẩn trương rà soát và điều chỉnh thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng đối với nguyên liệu chế biến TĂCN và TĂCN; khuyến khích doanh nghiệp nội địa tham gia thị trường sản xuất TĂCN để giảm độc quyền và hành động “làm giá” của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Đồng thời, đề nghị Bộ NN&PTNT cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan vào cuộc thanh tra, kiểm tra và kiểm toán về hạch toán giá thành sản xuất TĂCN và tỷ lệ lợi nhuận. Phải xác định xem yếu tố nào là nguyên nhân chính khiến giá thành TĂCN cao, qua đó xem xét việc áp giá trần và xác định mức giá trần đối với giá TĂCN; kiểm soát chặt chẽ việc kê khai giá và niêm yết giá của các công ty chế biến TACN và các cửa hàng bán TĂCN, do TĂCN thuộc Danh mục mặt hàng bắt buộc kê khai giá theo Nghị định số 177/2013/NĐ-CP. Bên cạnh đó, cần xem xét việc đưa nhóm hàng TĂCN vào danh sách các mặt hàng bình ổn giá thay cho nhóm sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật.
Các chuyên gia cũng cho rằng, để ngành chăn nuôi nội địa nâng sức cạnh tranh, mang lại lợi nhuận tốt cho các nhà chăn nuôi thì việc hạ giá thành TĂCN, tránh phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu và TĂCN ngoại nhập là điều cực kỳ quan trọng. Nếu không giải quyết được bài toán này thì những khó khăn của người chăn nuôi sẽ còn tiếp diễn.
Hiện, giá TĂCN tăng từ 20-30% so với hồi đầu năm 2020, trong khi đó, giá sản phẩm chăn nuôi lại không tăng khiến người chăn nuôi khó có lãi, nếu không muốn nói là lỗ. |