Ngày 20/6/2023, Quốc hội khoá XV đã biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi. Theo bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương), đây là một dự án Luật quan trọng, có ảnh hưởng rộng đến nhiều ngành, lĩnh vực. Dự án Luật được xây dựng trên nguyên tắc kế thừa, phát huy và hoàn thiện những quy định còn phù hợp với thực tiễn tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ban hành năm 2010; đồng thời sửa đổi, bổ sung những quy định chưa rõ, còn bất cập, chưa thống nhất trên nguyên tắc hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật,...
“Việc ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh nhu cầu về sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 đã trở nên cấp thiết. Thực tiễn và xu hướng phát triển của bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã và đang có nhiều thay đổi cả trong và ngoài nước so với 10 năm trước đây. Sự xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh mới, đặc biệt là sự phát triển của thương mại điện tử, giao dịch trên không gian mạng, giao dịch xuyên biên giới đang có những tác động mạnh mẽ tới lợi ích của đông đảo người tiêu dùng”, bà Nguyễn Quỳnh Anh khẳng định.
Lãnh đạo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cũng cho biết, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã có sự sửa đổi khá toàn diện, với 7 Chương, 80 Điều (tăng 01 Chương và 29 Điều so với Luật năm 2010). Một số quy định quan trọng đã được hoàn thiện, bổ sung trong Luật mới như: Xác định rõ hơn khái niệm người tiêu dùng, quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng, bổ sung các quy định mới như: sản xuất và tiêu dùng bền vững, bảo vệ người tiêu dùng dễ bị tổn thương, giao dịch đặc thù, đặc biệt là hình thức kinh doanh trực tiếp, kinh doanh trên không gian mạng, bán hàng đa cấp,…; hoàn thiện quy định về phương thức giải quyết tranh chấp, hoạt động của tổ chức tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cụ thể hoá hơn trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở các cấp,…
Sự phát triển của thương mại điện tử, giao dịch trên không gian mạng, giao dịch xuyên biên giới đang có những tác động mạnh mẽ tới lợi ích của đông đảo người tiêu dùng |
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Để kịp thời triển khai thi hành Luật, ngày 17/10/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch của Bộ Công Thương (kèm theo Quyết định số 2720/QĐ-BCT ngày 17/10/2023) thực hiện Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 31/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Kế hoạch đã xác định cụ thể các nội dung công việc thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương, đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp thực hiện và thời gian hoàn thành trong việc tổ chức triển khai Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 31/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ, cũng như triển khai thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo đó, Bộ Công Thương sẽ tổ chức hội nghị quán triệt, phổ biến, tập huấn chuyên sâu về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. “Chúng tôi đang tiến hành xây dựng, biên soạn tài liệu phổ biến, tuyên truyền, tập huấn chuyên sâu các nội dung của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời tiến hành tổ chức các hội nghị quán triệt, phổ biến, tập huấn chuyên sâu về Luật tại khắp 3 miền: Bắc, Trung, Nam trong năm nay”, bà Nguyễn Quỳnh Anh thông tin.
Ngoài ra, Ủy ban Cạnh tranh sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bằng các hình thức đa dạng, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế. “Tổ chức thực hiện các chuyên mục, chương trình, tin, bài phổ biến Luật, các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật này và các văn bản pháp luật có liên quan trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật”, lãnh đạo Ủy ban Cạnh tranh cho hay.
Đẩy mạnh tuyên truyền để Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đi vào đời sống |
Song song đó, về xây dựng, ban hành văn bản pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Bộ Công Thương đang chủ trì xây dựng các dự thảo: Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022) và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
Đồng thời, xây dựng và triển khai thực hiện các dự án, đề án, chương trình, hoạt động cấp quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đôn đốc ban hành quy chế phối hợp quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương.
“Bộ Công Thương đã tổ chức rà soát văn bản pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tổng hợp kết quả rà soát và đề xuất của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật liên quan”, bà Nguyễn Quỳnh Anh nhấn mạnh.
Cũng khẳng định việc tuyên truyền là yếu tố quan trọng để Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đi vào đời sống, bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, năm nay, Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục trọng tâm vào công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới các đối tượng liên quan. “Trong năm 2024, sở sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, màn hình led, loa tuyên truyền trên một số tuyến phố, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ,… cung cấp các cẩm nang hỗ trợ, tài liệu, kiến thức hữu ích cho các hội, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan. Đồng thời, Tổng đài tư vấn sẽ tổ chức tư vấn, giải đáp hỗ trợ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tiếp nhận các cuộc khiếu nại của người tiêu dùng khi bị xâm phạm quyền lợi và hỗ trợ kết nối đến các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết khiếu nại”, bà Trần Thị Phương Lan khẳng định.