Hiện nay, một trong những phương thức phổ biến của các thế lực thù địch là sử dụng triệt để mạng xã hội, các kênh truyền thông trực tuyến, báo đài nước ngoài… để tuyên truyền xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước, tạo bất ổn về an ninh chính trị. Do đó, Đảng ủy cơ quan Công đoàn Công Thương Việt Nam nhận định, công cuộc nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng là một trong những nhiệm vụ quan trọng để tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Nhận diện nội dung, phương thức, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch
Trong bối cảnh Internet phát triển ngày càng mạnh mẽ, tạo thuận lợi trong việc truyền thông tin, các thế lực thù địch đã và đang phát tán tài liệu, truyền đạt nội dung chống phá theo nhiều hình thức trên nhiều kênh khác nhau.
Các nội dung sai trái, thù địch có mặt trên tất cả các lĩnh vực: Tư tưởng, chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… Các thế lực thường dùng thủ đoạn tâm lý chiến, áp đặt tư tưởng, diễn biến chính trị từ bên trong bằng mọi thủ đoạn nhằm gây chia rẽ, nghi ngờ trong nội bộ Đảng và nhân dân, làm suy yếu nội bộ Đảng từ bên trong.
Trong bối cảnh Internet phát triển ngày càng mạnh mẽ, các thế lực thù địch đã và đang phát tán tài liệu, truyền đạt nội dung chống phá |
Hiện nay, chúng tăng cường biện pháp tuyên truyền “vu khống và phao tin đồn nhảm” nhằm tạo ra sự lẫn lộn giữa thật - giả, trắng - đen, chính nghĩa - phi nghĩa, cách mạng - phản cách mạng; phát tán các tài liệu có nội dung xấu độc, lồng ghép những quan điểm trái chiều, phức tạp để tuyên truyền xuyên tạc. Đặc biệt, gần đây xuất hiện thủ đoạn mới là tạo ra những tin đồn không hẳn là sai, na ná sự thật hoặc thậm chí tin thật nhưng dùng phương pháp ám thị, thổi phồng những khó khăn, phức tạp trong xã hội nhằm gây nhiễu loạn thông tin, lừa bịp những người nhẹ dạ, cả tin, gây nghi ngờ, chia rẽ nội bộ.
Nguy hiểm hơn nữa, chúng lợi dụng những hạn chế, khuyết điểm trong công tác quản lý, điều hành của chính quyền một số nơi để kích động nhân dân. Chúng cũng lợi dụng một bộ phận giới trí thức, nhất là thanh niên, sinh viên có nhận thức chính trị kém, ngộ nhận hoặc xuống cấp về đạo đức, lối sống để lôi kéo tham gia các hoạt động chống đối, tham gia viết bài chống phá Đảng, Nhà nước; những bài viết như vậy trên Internet đang có chiều hướng gia tăng. Vì vậy, nâng cao nhận thức, cảnh giác và đấu tranh với những thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng là một trong những nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên, lâu dài.
Giải pháp đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới
Theo Đảng ủy cơ quan Công đoàn Công Thương Việt Nam, các tổ chức Đảng và Đảng viên cần nhận thức rằng đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch thật sự là cuộc chiến liên tục và không được khoan nhượng trong lĩnh vực chính trị, tư tưởng lý luận.
Trước hết, cần kiên định với hệ tư tưởng đã chọn, đồng thời tổ chức tốt hơn công tác tuyên truyền, giáo dục về chính trị, tư tưởng, về truyền thống lịch sử văn hóa dân tộc, nhất là về chủ nghĩa yêu nước Việt Nam về tinh thần đoàn kết, nhân văn của dân tộc.
“Muốn vậy, phải đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, làm cho cán bộ, Đảng viên và quần chúng nhân dân có khả năng nhận diện rõ mục đích, lực lượng, nội dung, âm mưu, thủ đoạn, phương thức chống phá của các thế lực thù địch, chủ động trang bị cho nhân dân cách phòng chống” - đại diện Đảng ủy cơ quan Công đoàn Công Thương Việt Nam cho hay.
Đại hội Đảng bộ Cơ quan Công đoàn Công Thương Việt Nam lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025 |
Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn nữa hiệu quả của cuộc đấu tranh phản bác quan điểm sai trái. Các bài viết phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cần phải trực diện, phê phán, phản bác trực tiếp các quan điểm đó, vạch rõ bản chất, bộ mặt thật của các phần tử phản động bằng việc đưa các thông tin có định hướng về vấn đề, lĩnh vực mà các thế lực thù địch tấn công.
Ngoài những bài viết mang tính chính luận, khoa học, cần tăng cường sử dụng các thể loại bài viết ngắn, bài phản ánh, phỏng vấn, biếm họa, sử dụng hình thức tranh ảnh châm biếm minh họa…, đa dạng hóa thể loại nhưng vẫn đảm bảo tính khoa học, sâu sắc và tính hệ thống. Mặt khác, tăng cường quản lý giám sát chặt chẽ hoạt động của các đối tượng có khả năng phát tán tài liệu, thông tin xấu độc.
Cần phát huy vai trò của báo chí, truyền thông trong đấu tranh chống phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là các cơ quan báo chí đại diện cơ quan phát ngôn của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, tăng cường kỹ năng đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên Internet, mạng xã hội. Chủ đề tập trung vào các vấn đề: Nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch; phê phán các quan điểm sai trái, thù địch trên mặt trận tư tưởng lý luận; phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phê phán các luận điệu xuyên tạc, vu cáo; đấu tranh chống xuyên tạc lịch sử, phản bác luận điệu “viết lại lịch sử”, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo cấp cao.
Bên cạnh đó, cần tăng cường các bài viết lý luận - thực tiễn trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm khẳng định, phản ánh những kết quả, thành tựu trên mọi lĩnh vực của công cuộc đổi mới; nêu gương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; những kết quả đạt được trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…
Hơn hết, cần tăng cường công tác tuyên truyền và thực hiện nghiêm túc hơn nữa Luật An ninh mạng cũng như tăng cường hoạt động quản lý, kiểm soát đối với các trang mạng xã hội. Phải chủ động sử dụng các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ để xâm nhập, nắm quyền quản trị, điều hành các trang web, blog, diễn đàn, mạng xã hội, sau đó xóa dữ liệu, vô hiệu hóa hoặc ngăn chặn việc truy cập vào các trang mạng có nội dung “độc hại” trong một thời gian nhất định.
“Các cấp ủy và tổ chức đảng, mọi cán bộ, đảng viên phải chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn; nghiêm cấm để lộ bí mật của Đảng, Nhà nước, lan truyền những thông tin sai lệch hoặc phát tán những đơn thư nặc danh, mạo danh hoặc thư có danh nhưng có nội dung xấu, xuyên tạc, vu khống, kích động bạo lực” - Đảng ủy cơ quan Công đoàn Công thương Việt Nam nêu giải pháp.
Bên cạnh đó, cần nâng cao khả năng tiếp cận và xử lý thông tin trên mạng xã hội của cán bộ, Đảng viên. Một trong những đặc trưng của mạng xã hội là người tham gia, sử dụng (cá nhân, tổ chức) tự xây dựng, tự thiết kế nội dung nhằm đạt được mục đích của mình. Vì vậy, các thế lực thù địch và tội phạm đã, đang và sẽ lợi dụng, biến nó thành một công cụ đắc lực cho các hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước ta. Do đó, nâng cao năng lực tiếp cận và xử lý thông tin trên mạng xã hội của cán bộ, đảng viên là một trong những giải pháp hiệu quả nhất để đấu tranh chống các luận điệu sai trái, thù địch nhằm góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.