Kỳ vọng bộ chỉ số FTA Index sẽ gỡ khó kịp thời cho doanh nghiệp Triển khai hiệu quả bộ chỉ số FTA Index: Đâu là 'điểm nghẽn'? |
FTA Index đóng vai trò hỗ trợ toàn diện, từ khâu sản xuất, phân phối đến xuất khẩu, góp phần duy trì và nâng cao giá trị chuỗi cung ứng của doanh nghiệp. Tuy nhiên có nhiều ý kiến cho rằng, bộ chỉ số này đang có nhiều điểm tương đồng với chỉ số PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh). Để làm rõ vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có buổi trao đổi trực tiếp với PGS.TS. Đào Ngọc Tiến - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương.
PGS.TS. Đào Ngọc Tiến - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương. Ảnh: Báo Công Thương |
Đối với Trường Đại học Ngoại thương, khi tham gia thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ điều tra, tổng hợp, phân tích dữ liệu và xây dựng Bộ chỉ số FTA Index, Trường đã nghiên cứu, xây dựng Bộ chỉ số này theo những cách thức, phương thức nào để không trùng lặp với Bộ chỉ số PCI? Trước một Bộ chỉ số mới như thế này, các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp có e ngại, băn khoăn khi tham gia vào quá trình khảo sát thu thập dữ liệu của đơn vị?
Ý tưởng xây dựng bộ chỉ số FTA Index xuất phát từ những cảm hứng ban đầu từ PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh). Tuy nhiên, về bản chất, FTA Index có sự khác biệt rõ rệt so với PCI, đặc biệt là ở hai yếu tố: đối tượng điều tra và nội dung điều tra.
Đầu tiên, về đối tượng điều tra, nếu như PCI tập trung khảo sát tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn của địa phương thì FTA Index lựa chọn nhóm các doanh nghiệp chịu tác động lớn nhất bởi các hiệp định FTA. Đây chính là những doanh nghiệp có hiểu biết sâu sắc nhất về các FTA, từ đó phản ánh được đầy đủ và chính xác các tác động của việc thực thi các hiệp định này.
Thứ hai, về nội dung điều tra, PCI tập trung vào những vấn đề mà doanh nghiệp cảm nhận trực tiếp và đang diễn ra tại địa phương, như cải cách hành chính, môi trường kinh doanh. Trong khi đó, FTA Index bám sát vào các nhiệm vụ và hoạt động cụ thể của Chính phủ trong việc thực thi các FTA thế hệ mới. Các nội dung của FTA Index không chỉ bao gồm những vấn đề hiện tại như cung cấp thông tin hay xây dựng văn bản pháp luật, mà còn hướng đến tương lai, đặc biệt là khía cạnh phát triển bền vững. Bộ chỉ số này đánh giá mức độ chuẩn bị và nhận thức của doanh nghiệp về việc tận dụng các cơ hội từ FTA để phát triển dài hạn.
Về phương pháp xây dựng, Trường Đại học Ngoại thương đã tham khảo các kinh nghiệm quốc tế như Liên Hợp Quốc. Dù PCI và FTA Index có sự khác biệt về đối tượng và nội dung, cả hai đều dựa trên những nguyên lý chung về xây dựng chỉ số, như chuẩn hóa, thống kê, tổng hợp và xếp hạng. Ở giai đoạn đầu, FTA Index có thể gặp hạn chế về dữ liệu, nhưng chúng tôi tin rằng nó sẽ được hoàn thiện theo thời gian.
FTA Index không chỉ đơn thuần là một công cụ đánh giá, mà còn là một kênh phản hồi quan trọng giúp cơ quan quản lý nhà nước xác định đúng trọng tâm trong xây dựng và triển khai chính sách, nhằm đảm bảo các FTA mang lại lợi ích lớn nhất cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong năm 2024, Trường Đại học Ngoại thương là đơn vị được lựa chọn để thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ điều tra, tổng hợp, phân tích dữ liệu và xây dựng Bộ chỉ số FTA Index. Là cơ quan trực tiếp đang thực hiện nhiệm vụ này, ông có thể thông tin rõ hơn về Phương án, mục tiêu tổ chức điều tra khảo sát, tổng hợp, phân tích dữ liệu và xây dựng FTA Index? Đâu là khâu quan trọng nhất khi xây dựng Phương án điều tra? Và Phương án điều tra này sẽ giúp ích gì cho các địa phương, doanh nghiệp, Bộ ngành trong quá trình thực thi FTA?
Việc xây dựng bộ chỉ số FTA Index là nhiệm vụ quan trọng nhưng đầy thách thức, đặc biệt về tiến độ khi Trường Đại học Ngoại thương đã tiếp nhận nhiệm vụ này từ cuối tháng 9 và đặt mục tiêu hoàn thành báo cáo vào ngày 31/12.
Đề án được phê duyệt vào tháng 10, tập trung vào xây dựng các tiêu chí pháp lý, đồng bộ trên toàn quốc nhưng vẫn phù hợp với đặc thù từng địa phương. Bộ chỉ số gồm 4 chỉ số thành phần, được thiết kế dựa trên 5 nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao. Quá trình khảo sát dự kiến thực hiện trên 4.000 doanh nghiệp, với sự hỗ trợ từ Tổng cục Thống kê và Bộ Công Thương.
Trong tháng 11, giai đoạn thu thập ý kiến doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố được triển khai với sự hỗ trợ từ các cơ quan như Sở Công Thương, hải quan và thuế. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là sự hợp tác của doanh nghiệp, nhiều đơn vị chưa sẵn sàng cung cấp thông tin. Các buổi tuyên truyền và tọa đàm đã được tổ chức để giải thích ý nghĩa và lợi ích của bộ chỉ số, nhằm thuyết phục doanh nghiệp tham gia.
Kết quả chỉ số khi công bố sẽ giúp các địa phương nhận diện điểm mạnh và điểm cần cải thiện, tạo động lực nâng cao hiệu quả thực thi FTA. Ngoài ra, chỉ số này cũng góp phần nâng cao nhận thức về FTA, đặc biệt trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa – nhóm vẫn chưa khai thác hết tiềm năng từ các FTA.
FTA Index không chỉ đơn thuần là một công cụ đánh giá, mà còn là một kênh phản hồi quan trọng giúp cơ quan quản lý nhà nước xác định đúng trọng tâm trong xây dựng và triển khai chính sách. Ảnh: mpi.gov.vn |
Dự kiến cuối năm 2024 này, FTA Index sẽ được công bố, như vậy, chúng ta đang ở trong giai đoạn nước rút để hoàn thiện Bộ Chỉ số này. Là đơn vị đang thực nhiệm vụ xây dựng Phương án điều tra, khảo sát kết quả thực thi FTA, đâu là những công đoạn, nhiệm vụ cuối cần triển khai. Ông có kiến nghị, đề xuất gì với các cơ quan quản lý, địa phương, ngành hàng để có thể xây dựng thành công và đưa Bộ chỉ số FTA Index đi vào hoạt động theo đúng tiến độ mà Chính phủ đã giao?
Hiện nay, chúng tôi đang trong giai đoạn nước rút để thực hiện Đề án FTA Index. Là đơn vị chủ trì, nhiệm vụ quan trọng nhất và cũng là thách thức lớn nhất đối là thu thập đủ dữ liệu và ý kiến từ các doanh nghiệp, điều này có ý nghĩa quyết định đến chất lượng của bộ chỉ số.
Như tôi đã chia sẻ, trong đề án được phê duyệt, số lượng doanh nghiệp ở mỗi địa phương, loại hình doanh nghiệp, cũng như tính đại diện đã được xây dựng rất chặt chẽ. Chỉ khi thu thập đủ những thông tin này, chúng ta mới có thể tạo ra một FTA Index chất lượng và đáng tin cậy.
Tuy nhiên, có hai khó khăn chính cần phải đối mặt như sau: Độ chính xác của dữ liệu doanh nghiệp. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi nhận thấy có nhiều doanh nghiệp đã thay đổi trạng thái hoạt động, chẳng hạn như ngừng kinh doanh hoặc chuyển trụ sở, khiến việc tiếp cận trở nên khó khăn. Khi đó, buộc phải thay thế bằng các doanh nghiệp khác đáp ứng đủ tiêu chí chọn mẫu. Điều này làm kéo dài thời gian thực hiện.
Thứ hai là khó khăn khi tiếp cận với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Việc gặp được giám đốc, nhất là những người nước ngoài, là rất khó. Nhiều trường hợp, lãnh đạo doanh nghiệp không có thời gian hoặc không sẵn lòng trả lời. Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), phần lớn các doanh nghiệp này không có bộ phận hoặc cán bộ chuyên trách để trả lời các bảng hỏi. Hơn nữa, bảng câu hỏi của FTA Index bao gồm nhiều nội dung phức tạp như cung cấp thông tin, chính sách hỗ trợ, và các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững. Điều này đòi hỏi người trả lời phải là lãnh đạo doanh nghiệp, dẫn đến việc mất nhiều thời gian để hoàn thành khảo sát. Có trường hợp chúng tôi phải tiếp cận doanh nghiệp 2-3 lần mới thu thập được dữ liệu.
Trong giai đoạn nước rút hiện nay, tập trung tối đa vào việc thu thập dữ liệu đầy đủ và chính xác nhất. Vì vậy, chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ các tỉnh, thành phố, đặc biệt là từ Ủy ban nhân dân các tỉnh, Sở Công Thương, và các cơ quan ban ngành địa phương. Dù các địa phương đã hỗ trợ rất nhiều, nhưng trong một số trường hợp, việc tiếp cận doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn. Một phần nguyên nhân có thể xuất phát từ mức độ gắn kết giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp tại mỗi địa phương là khác nhau.
Ngoài ra, chúng tôi cũng mong nhận được sự phối hợp từ các hiệp hội doanh nghiệp (như Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc các hiệp hội doanh nghiệp tại địa phương). Đây là một kênh quan trọng để có thể tiếp cận doanh nghiệp hiệu quả hơn.
Cuối cùng, rất mong các doanh nghiệp và hiệp hội sẵn lòng cung cấp thông tin một cách xác thực, chân thực nhất. Điều này sẽ tạo ra nguồn dữ liệu đầu vào đảm bảo tính chính xác, đáp ứng đúng như đề án đã được phê duyệt. Đây sẽ là nền tảng để chúng ta tính toán, công bố FTA Index một cách thành công và hiệu quả.
Sau khi Bộ Chỉ số FTA Index được công bố ra mắt, Trường Đại học Ngoại thương sẽ có những bước đi, hành động như thế nào để cùng Bộ Công Thương hướng dẫn các đơn vị liên quan thụ hưởng tốt nhất lợi ích từ FTA Index? Trường có những khuyến nghị, đề xuất gì đối với các địa phương, doanh nghiệp, ngành hàng?
Bộ chỉ số FTA Index sẽ là cơ sở dữ liệu đầu tiên tại Việt Nam ghi nhận cảm nhận và đánh giá của doanh nghiệp về hội nhập kinh tế quốc tế. Đây không chỉ là dữ liệu tổng hợp ở quy mô quốc gia, mà còn giúp phân tích chi tiết để hiểu rõ sự khác biệt giữa các loại hình doanh nghiệp như doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sản xuất - xuất khẩu, hay doanh nghiệp thương mại.
Trường Đại học Ngoại thương cùng các đơn vị nghiên cứu sẽ khai thác dữ liệu này để hỗ trợ các bộ, ngành và địa phương xây dựng chính sách phù hợp với từng đối tượng doanh nghiệp. Mỗi địa phương cần phân tích dữ liệu để nhận diện các điểm mạnh, yếu và có kế hoạch cải thiện, chẳng hạn như cân bằng các trụ cột tài chính, thông tin và phát triển bền vững theo các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Việc công bố bộ chỉ số chỉ là bước đầu, quan trọng hơn là khai thác dữ liệu hiệu quả để hỗ trợ các bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội và địa phương cải thiện hoạt động. Chúng tôi cũng hy vọng sẽ tiếp tục khảo sát trong những năm tới để đánh giá sự tiến bộ và tác động của các chính sách, biến bộ chỉ số này thành công cụ theo dõi lâu dài trong quá trình thực thi các hiệp định thương mại tự do.
Xin cảm ơn ông!