Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Gắn với nhu cầu thực tiễn Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Tăng quy mô, nâng chất lượng |
Dần phục hồi nhưng chưa bền vững
Những tháng đầu năm nay, dù số lao động có việc làm tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng chỉ tăng chủ yếu ở khu vực phi chính thức. Số liệu thống kê cho thấy, trong tổng số lao động có việc làm 6 tháng đầu năm nay, lao động phi chính thức là 33,4 triệu người, chiếm 65%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023.
Số lao động phi chính thức còn chiếm tỷ lệ lớn. Ảnh minh họa |
Thông tin tại tọa đàm chuyên đề “Đào tạo nghề cho lao động phi chính thức trong nền kinh tế số - Thực trạng và các cơ hội”, diễn ra sáng ngày 30/7, ông Tạ Việt Anh – Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) – chia sẻ: Lao động phi chính thức thường làm các công việc giản đơn, ít đòi hỏi trình độ kỹ năng hoặc chuyên môn kỹ thuật. Khoảng 35,3% lao động phi chính thức làm nghề giản đơn, chiếm tỷ trọng cao nhất trong 9 nhóm nghề có sự tham gia của lao động phi chính thức.
Việc làm phi chính thức vốn được coi là những việc làm bấp bênh, thiếu tính ổn định, tuy nhiên nhiều lao động vẫn chấp nhận gắn bó với công việc này trong thời gian dài. Có tới 41,1% lao động phi chính thức đã làm công việc thiếu ổn định này từ 3 - 9 năm và 39,1% làm từ 9 năm trở lên. Hạn chế về trình độ chuyên môn kỹ thuật có thể là nguyên nhân khiến lao động phi chính thức không thể chuyển đổi công việc của mình mặc dù thu nhập từ công việc đó đôi khi không đảm bảo điều kiện sống tối thiểu.
Trong một khảo sát cho thấy, thu nhập từ công việc chính của lao động phi chính thức trong năm 2021 là 4,4 triệu đồng, chỉ bằng một nửa thu nhập của lao động chính thức (8,2 triệu đồng).
Theo báo cáo “Nền kinh tế phi chính thức và việc làm bền vững: Hướng dẫn nguồn chính sách hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang phi chính thức”, của ILO thì có sự trùng lặp thường xuyên giữa phi chính thức và nghèo đói. Thu nhập thấp và tiếp cận hạn chế với các tổ chức công khiến người nghèo không đầu tư vào kỹ năng có thể thúc đẩy khả năng có việc làm, năng suất của họ và đảm bảo bảo vệ họ khỏi những cú sốc, rủi ro thu nhập.
Thiếu giáo dục và công nhận về kỹ năng hạn chế trong khu vực kinh tế phi chính thức cũng ngăn người nghèo tham gia vào khu vực kinh tế chính thức, trong khi sự khan hiếm cơ hội sinh kế ở các vùng nông thôn thường đẩy những người nhập cư vào làm việc phi chính thức tại khu vực đô thị và các nước phát triển.
Cần có chính sách phù hợp
Trong bối cánh tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các loại hình kinh tế phi chính thức mới đã hình thành, như “kinh tế tuần hoàn”, “kinh tế chia sẻ”, “kinh tế tự do”… dựa trên nền tảng trực tuyến, như bán hàng online, giao hàng (shipper), lái xe công nghệ (Grap, Uber)... Đây là những hình thức việc làm mới dựa trên ứng dụng công nghệ và đang ngày càng phát triển, tạo ra số lượng lao động khu vực phi chính thức ngày càng lớn.
Phân tích của giới chuyên gia, kinh tế chia sẻ đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng nghề nghiệp phù hợp với vị trí việc làm độc lập, nhất là kỹ năng nghề liên quan đến ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ. Tuy nhiên, công nghệ là cơ hội, nhưng cũng là rào cản với lao động, nhất là lao động khu vực phi chính thức chưa qua đào tạo hoặc mới được đào tạo kỹ năng nghề trình độ thấp.
Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay cần có giải pháp giảm thiểu được việc làm phi chính thức, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động ngắn hạn nhằm dần chuyển đổi mô hình, tăng tỷ lệ lao động từ phi chính thức sang chính thức.
Để có một nền kinh tế phát triển và bền vững, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Dự thảo Luật đang được lấy ý kiến rộng rãi của người dân và xã hội từ cuối tháng 3 vừa qua.
So với Luật Việc làm 2013, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn. Có thể kể đến như: Bổ sung quy định về đăng ký lao động. Dự thảo bổ sung 1 Chương về đăng ký lao động bao gồm các nội dung: Mục đích đăng ký lao động, nguyên tắc đăng ký và quản lý lao động, đối tượng đăng ký lao động, thông tin đăng ký lao động (gồm thông tin cơ bản; thông tin về việc làm; trình độ chuyên môn; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp), hồ sơ đăng ký lao động, thủ tục đăng ký lao động, xóa đăng ký lao động, quyền và nghĩa vụ của người lao động, điều chỉnh thông tin về việc làm trong cơ sở dữ liệu về người lao động.
Để xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, gồm: Người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên; người làm việc không trọn thời gian, có tổng mức tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố…
Đặc biệt, dự thảo Luật bổ sung quy định khung về hỗ trợ chuyển tiếp và giải quyết việc làm cho người cao tuổi; hỗ trợ chính thức hóa việc làm phi chính thức trong bối cảnh già hóa dân số và thực trạng thị trường lao động Việt Nam...
Trong dự thảo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, lao động phi chính thức hiện đang chiếm tỷ lệ khá lớn nhưng pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể về vấn đề này. Cơ quan soạn thảo dự luật đề xuất bổ sung quy định xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý lao động, bổ sung quy định về hoạt động dịch vụ việc làm trên môi trường mạng, khu vực phi chính thức.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng cho rằng, cần nghiên cứu, xem xét quản lý lao động bằng "sổ lao động điện tử" gắn với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở khác… để từ đó có chính sách hỗ trợ, khuyến khích việc làm sáng tạo, trình độ cao như bảo hiểm, tài chính, YouTuber, Blogger đến việc làm phổ thông như giao hàng, bán hàng online...
Với quốc gia có dân số đông và nền kinh tế phát triển thấp như Việt Nam, việc làm phi chính thức góp phần quan trọng trong quá trình giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, tình trạng phi chính thức có tác động khá tiêu cực đến thu nhập, an toàn và sức khỏe của người lao động. Vì vậy, muốn có một nền kinh tế phát triển và bền vững không thể dựa vào thị trường lao động với tỷ lệ phi chính thức cao, Việt Nam cần nhanh chóng tìm cách để giảm thiểu tỷ lệ này. |