Bộ Công Thương - Nhật Bản: Tiếp tục hợp tác đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp Nâng cao hiệu quả mô hình Kosen tại Việt Nam Kết nối sâu với doanh nghiệp, tăng hiệu quả đào tạo theo mô hình Kosen |
Chiều ngày 26/5, Ủy ban Mô hình KOSEN phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương) tổ chức Kỳ họp lần thứ 3 nhằm đánh giá việc thực hiện thí điểm mô hình Kosen tại 3 trường cao đẳng thuộc Bộ Công Thương.
Kỳ họp lần thứ 3 của Ủy ban Mô hình KOSEN đánh giá thực hiện thí điểm mô hình Kosen tại 3 trường cao đẳng thuộc Bộ Công Thương |
Nhằm phát huy thế mạnh của giáo dục công nghệ cho các tổ chức và góp phần phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp, năm 2019, ông Nguyễn Thế Hiếu – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ cho hay, Bộ Công Thương hợp tác với Tổ chức trường Công nghệ quốc gia Nhật Bản (KOSEN) triển khai thí điểm dự án đào tạo theo mô hình Kosen tại 3 Trường Cao đẳng của Bộ Công Thương gồm: Trường Cao đẳng Công nghiệp và Thương mại (COIT), Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế (HUE-IC), Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng (CTTC).
Theo đó, Bộ Công Thương là Bộ ngành đầu tiên của Việt Nam triển khai thí điểm mô hình đào tạo tiên tiến này của Nhật Bản. Vụ Tổ chức Cán bộ cho biết, sau khi cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng chương trình đào tạo Kosen phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam và chuyển giao chương trình, giáo trình, đào tạo bồi dưỡng cho giảng viên các trường, theo đề xuất của Bộ Công Thương, Tổ chức Kosen tại Nhật Bản và Văn phòng dự án Kosen tại Việt Nam đã tích cực giới thiệu các doanh nghiệp Nhật Bản và công ty Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam về chương trình đào tạo của các Trường và kết nối các doanh nghiệp với các Trường thí điểm, đảm bảo cho sinh viên thực hành, thực tập tại doanh nghiệp, thúc đẩy việc tuyển dụng sinh viên sau tốt nghiệp.
Báo cáo tại Kỳ họp lần thứ 3 của Ủy ban Mô hình Kosen, Vụ Tổ chức Cán bộ cho hay những ưu điểm vượt trội của chương trình đào tạo Kosen đã bước đầu đem lại hiệu quả qua việc nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên Việt Nam theo học.
Đặc biệt, hiện các doanh nghiệp Nhật tại Nhật Bản cũng như tại Việt Nam rất quan tâm, đón chờ lứa sinh viên Kosen vừa ra trường và sắp ra trường. "3 trường tham gia thí điểm mô hình Kosen đã triển khai tổ chức tuyển sinh và đào tạo được các lớp chuyên ngành điện, điện tử công nghiệp và cơ điện tử theo mô hình Kosen" - ông Nguyễn Thế Hiếu thông tin.
Từ phía các trường, ông Phạm Văn Quân – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế (Hue-IC) cho biết, kể từ năm 2019 bắt đầu triển khai thí điểm đào tạo ngành công nghệ kỹ thuật điện - điện tử theo Chương trình Kosen 12+3, Nhà trường đã tuyển sinh được 118 sinh viên. “Quá trình đào tạo theo mô hình Kosen, Nhà trường tổ chức hướng nghiệp trực tuyến về nhu cầu việc làm từ các công ty Nhật vào thứ 6 hàng tuần cho sinh viên. Qua đó giúp sinh viên định hướng nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường”- ông Quân cho hay.
Hiện đã có 18 sinh viên khóa 2019 của Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế tốt nghiệp, trong đó có 6 sinh viên đang làm ở các công ty ở Nhật Bản, 12 sinh viên đang làm các công ty trong nước. Khóa 2020 chuẩn bị tốt nghiệp nhưng đã có 2 sinh viên đã được tuyển dụng làm ở công ty Nhật Bản, 1 sinh viên đang được Công ty DKS tại Nhật phỏng vấn lần 3, 3 sinh viên được tuyển dụng làm ở công ty Nhật Bản tại Việt Nam, các sinh viên còn lại đang tìm kiếm việc làm và chờ xét tốt nghiệp.
Trao giấy chứng nhận cho các trường tham gia đào tạo các nghề theo mô hình Kosen |
Còn tại Trường Cao đẳng Công nghiệp và Thương mại (COIT), Hiệu trưởng Nhà trường – ông Nguyễn Tiến Tùng thông tin, nhà trường đang đào tạo 3 lớp Kosen 9+5 của Nhật Bản, lớp tuyển sinh năm 2020 có 32 em đang học năm thứ 3, đầu tháng 4 sẽ xét tốt nghiệp đợt 1 để chuyển tiếp học giai đoạn 2 liên thông lên cao đẳng; Lớp tuyển sinh năm 2021 có 24 em đang học năm thứ 2; Lớp tuyển sinh năm 2022 có 34 em đang học năm thứ 1.
Theo ông Nguyễn Tiến Tùng, trong quá trình thí điểm mô hình Kosen, Nhà trường luôn được sự quan tâm của Bộ Công thương, của các ban ngành từ trung ương đến địa phương. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên được chuẩn hoá, có bề dày kinh nghiệm trong công tác giảng dạy, được học tập trao đổi kinh nghiệm thực tế tại Nhật bản và tâm huyết với nghề.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng (CTTC) – ông Lê Đình Kha cũng chia sẻ, theo Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và KOSEN (Nhật Bản), trường nhận được sự hỗ trợ của các giáo sư đến từ Trường Cao đẳng Ariake – Nhật Bản, hỗ trợ để cải tiến chương trình đào tạo nghề cơ điện tử. Hiện tổng số sinh viên nhập học ngành cơ điện tử tại nhà trường năm 2020 đến nay là 431 sinh viên (năm 2020 là 112 sinh viên và năm 2021 là 138 sinh viên, năm 2022 là 177 sinh viên).
Trước kết quả triển khai mô hình Kosen tại 3 trường cao đẳng của Bộ Công Thương, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục và Nghề nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - ông Đỗ Văn Giang nhận định, Kosen là mô hình gắn với thực tế cao, tạo cơ hội đào tạo kỹ sư thực hành, nâng cao kiến thức về công nghiệp, tư duy sáng tạo của Nhật Bản trong đào tạo nhân lực tại Việt Nam.
Đại diện KOSEN (Nhật Bản) cũng đã đánh giá tích cực về sự hợp tác và thấu hiểu của các bên tham gia thí điểm mô hình đào tạo Kosen. Đặc biệt, theo ghi nhận từ KOSEN, 3 trường của Bộ Công Thương đã có sự chủ động, nỗ lực để mô hình đào tạo đạt hiệu quả cao nhất.
Phát biểu tại Kỳ hợp lần thứ 3 của Uỷ ban Mô hình KOSEN, Phó Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam – ông Watanabe Shige cho hay, được thành lập vào năm 1962, tại Nhật Bản, Trường Cao đẳng kỹ thuật Kosen kết hợp cả lý thuyết và thực hành đã đào tạo, bồi dưỡng đội nguồn nhân lực, kỹ sư chất lượng cao, đóng góp lớn cho tăng trưởng của ngành công nghiệp cũng như kinh tế Nhật Bản sau chiến tranh. Cho đến nay, mô hình đào tạo Kosen được đánh giá cao không chỉ ở Nhật Bản mà còn trong cộng đồng quốc tế.
Theo ông Watanabe Shige, kể từ khi triển khai thí điểm chương trình mô hình Kosen tại 3 trường cao đẳng thuộc Bộ Công Thương hai bên đã được chứng kiến số sinh viên tốt nghiệp và tìm được việc làm đầu tiên tại các doanh nghiệp Nhật Bản, đây là một dấu mốc cho sự hợp tác đào tạo mô hình Kosen giữa Việt Nam – Nhật Bản. “Với kết quả ban đầu này, kỳ vọng mô hình Kosen sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển nhân lực của ngành công nghiệp Việt Nam; đồng thời chúng tôi mong muốn mô hình Kosen sẽ được triển khai rộng rãi hơn trong hệ thống giáo dục, đào tạo kỹ sư công nghiệp của Việt Nam”- ông Watanabe Shige nói.