Xây dựng thương hiệu "vải thiều Ea Kar" vươn ra thế giới
Ngày 25/5, ông Trần Văn Đông, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Kar (Đắk Lắk) cho biết, hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể "vải thiều Ea Kar" được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chấp nhận, chờ xét duyệt.
Theo ông Đông, cây vải ở huyện được phát triển vào năm 2013. Đa số vải thiều ở huyện phù hợp với thổ nhưỡng và thời tiết. Vải thiều ở huyện này đạt chất lượng cao, ngon ngọt nên đã được xuất khẩu đi thị trường ngoài nước như Trung Quốc, Nhật Bản.
Người dân tỉnh Đắk Lắk thu hoạch vải thiều |
Với lợi thế trên, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Kar đã xây dựng thương hiệu "vải thiều Ea Kar", với mục đích để địa phương tiếp tục mở rộng mô hình trồng vải chất lượng cao, giải quyết được những vấn đề sản xuất manh mún, chưa áp dụng được khoa học kỹ thuật, nguồn nước…
"Hiện tại, hồ sơ đăng ký vải thiều Ea Kar huyện cũng đã lập hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể. Hồ sơ đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ chấp nhận đơn hợp lệ và đang chờ xét duyệt"- ông Đông nói.
Cũng theo ông Đông, hiện nay nhu cầu thị trường lớn, không lo việc tồn đọng nhưng địa phương tiếp tục vận động bà con nâng cao chất lượng, sản xuất bền vững. Huyện cũng đang hướng đến mục tiêu phát triển 2.000ha, gắn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người trồng vải. Ngoài phát triển nhãn hiệu tập thể, huyện sẽ xây dựng tem, nhãn truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Qua đó tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối thị trường, quảng bá sản phẩm.
Một diện tích lớn vải thiều của Đắk Lắk đang vào vụ thu hoạch |
Huyện Ea Kar có một hợp tác xã nông nghiệp và hai tổ hợp tác chuyên sản xuất vải thiều. Trong tổng số 1.200ha vải thiều, địa phương đã hình thành được vùng sản xuất theo quy trình VietGAP và được cấp chứng nhận với quy mô 78,5ha, gắn bốn mã số vùng trồng với diện tích 48,5ha.
Nông dân "trúng đậm" mùa vải, cần nhân rộng diện tích trồng
Tại xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) những ngày này, nhiều hộ nông dân hiện đang thu hoạch vải thiều và bán cho các thương lái với số lượng lớn.
Một hộ gia đình ở thôn 3, xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin cho biết, gia đình trồng trồng khoảng 600 gốc vải u hồng trên diện tích 2 ha. Năm nay thu được hơn 30 tấn quả và giá bán dao động từ 25.000 - 40.000 đồng/kg tùy vào chất lượng quả, sau khi trừ toàn bộ chi phí chăm sóc và thuê nhân công thu hái, lợi nhuận ước tính thu về cho gia đình khoảng 700 triệu đồng.
Với sự phát triển vải thiều tại huyện này, ông Nguyễn Cảnh Danh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho hay: "Ngành nông nghiệp huyện đang phối hợp với các doanh nghiệp và người trồng từng bước xây dựng thương hiệu, đưa vải thiều trở thành cây trồng chủ lực của địa phương nhằm nâng cao giá trị trị của cây vải".
Song song với việc phát triển thương hiệu vải thiều ở huyện Cư Kuin, ngành nông nghiệp huyện này cũng đã tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân về các biện pháp kỹ thuật sản xuất vải thiều hiệu quả và phối hợp với các ban, ngành ở huyện đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Huyện hỗ trợ người dân thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất vải sạch theo tiêu chuẩn VietGAP và tiến tới đăng ký OCOP.
"Ngành nông nghiệp huyện sẽ đẩy mạnh công tác hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc để đưa vải thiều đến các thị trường mới, mang lại thu nhập ổn định cho người dân"- ông Danh cho hay.
Diện tích vải thiều ở Đắk Lắk ngày càng nhân rộng, trở thành thương hiệu bền vững. |
Xoay quanh về việc phát triển thương hiệu vải thiều ở Đắk Lắk, ông Lê Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, hiện nay, việc liên kết phát triển chuỗi giá trị quả vải đã bước đầu hình thành nhưng còn mang tính tự phát, mới dừng lại ở khâu sản xuất và sơ chế thô, chưa có sự kết nối giữa sản xuất - chế biến - thị trường (chưa có doanh nghiệp chế biến để thu mua, tiêu thụ sản phẩm tươi cho người trồng), chưa tạo được nhiều sản phẩm có khả năng tiếp cận trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu. Giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp còn thấp.
"Để vải thiều Đắk Lắk được ổn định, các hộ sản xuất phải liên kết lại với nhau để hình thành các hợp tác xã hoặc tổ hợp tác, hình thành vùng sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm có chứng nhận (VietGAP hoặc GlobalGAP). Ngành nông nghiệp huyện cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền tập huấn, tổ chức sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng để nâng cao năng suất, chất lượng và gia tăng giá trị sản phẩm; tiếp tục xây dựng và phát triển các vùng trồng cây vải được cấp mã số vùng trồng để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu."- ông Thành nhấn mạnh.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 2.570 ha trồng vải, trong đó diện tích cho sản phẩm 1.358 ha; năng suất bình quân trên 10 tấn/ha; sản lượng đạt 13.696 tấn. Hiện toàn tỉnh có 9 vùng trồng vải với tổng diện tích 110 ha tại huyện Krông Năng được cấp mã số phục vụ xuất khẩu sang Trung Quốc; thiết lập 4 vùng trồng vải với tổng diện tích 46,96 ha tại huyện Ea Kar. |