Chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn thực hiện lập quy hoạch tích hợp
Phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Xuân – đoàn Đắk Lắk cho rằng, Quốc hội lựa chọn chuyên đề giám sát về nội dung này mang tính thời sự rất cao.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân – đoàn Đắk Lắk |
Đại biểu bày tỏ nhất trí cơ bản với Báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội và cho rằng báo cáo đã đánh giá toàn diện, khách quan việc thực hiện Luật Quy hoạch của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan. Đồng thời nhấn mạnh đây là điều kiện tiền đề để Chính phủ, Quốc hội xem xét lại một cách nghiêm túc, căn cơ việc xây dựng và tổ chức thực hiện Luật Quy hoạch.
Tuy nhiên đại biểu Nguyễn Thị Xuân đặt vấn đề tại sao công tác quy hoạch theo Luật Quy hoạch lại chậm và có nhiều vướng mắc như vậy, đại biểu bày tỏ băn khoăn phạm vi và đối tượng nghiên cứu, mục tiêu và nội dung nghiên cứu lập quy hoạch năm 2017 mang tính tích hợp này là gì? Phương pháp luận nghiên cứu dựa trên cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu nào? Kết quả và sản phẩm nghiên cứu sẽ thể hiện ra sao?
Liệu có thể tích hợp các dữ liệu trong các đối tượng quy hoạch? Việc thực hiện lập quy hoạch tích hợp được thực hiện theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm nào trên thế giới và Việt Nam đã tổ chức nào công bố quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức về quy trình, quy phạm, loại loại quy hoạch tích hợp theo Luật Quy hoạch chưa? Bên cạnh đó, Chính phủ có nên xây dựng và công bố quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật áp dụng cho quy hoạch theo Luật Quy hoạch hay không? Nguồn nhân lực nào để lập các loại quy hoạch này?
Đại biểu nhấn mạnh, đây là vấn đề lớn về mặt khoa học, đề nghị Chính phủ cần có có lời giải tường minh cụ thể; đồng thời kiến nghị Quốc hội tiếp tục nghiên cứu và tiến tới sửa đổi Luật Quy hoạch và các luật có liên quan càng sớm càng tốt để công tác quy hoạch được triển khai tốt nhất.
Về phía đại biểu Trần Anh Tuấn – đoàn TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch trong thời gian tới, chúng ta cần lưu ý việc cân đối nguồn lực trong triển khai các dự án đầu tư; cần có quy định phân cấp cho địa phương được quyền quyết định bổ sung nguồn lực và danh mục dự án đầu tư mới mang tính cấp bách đó trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn mà không làm gia tăng bội chi ngân sách của địa phương.
Đặc biệt, theo đại biểu, cần thống nhất thời kỳ quy hoạch giữa các quy hoạch cùng cấp. Đại biểu cho rằng, sự thống nhất về thời gian và tầm nhìn quy hoạch cùng cấp thì việc tiến hành triển khai quy hoạch, điều chỉnh các quy hoạch sau này sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn.
Cần có giải pháp khắc phục thời gian lập quy hoạch kéo dài
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng – đoàn Nam Định cho biết, báo cáo đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành đã cho thấy bức tranh tổng thể từ việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đến việc triển khai việc lập, thẩm định quyết định và phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch theo Luật Quy hoạch năm 2017. Theo đó, đại biểu đồng tình với các kiến nghị về việc ban hành Nghị quyết giám sát, đề ra những giải pháp để tháo gỡ vướng mắc trong các văn bản quy phạm pháp luật và các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch.
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng – đoàn Nam Định |
Về một số vấn đề cụ thể, đại biểu Nguyễn Hải Dũng nêu quan điểm, báo cáo giám sát đã chỉ ra công tác phối hợp và chia sẻ thông tin liên ngành liên cấp giữa các bộ, ngành và địa phương chậm và còn nhiều hạn chế. Việc thực hiện Luật Quy hoạch trong điều kiện khó khăn, chồng khó khăn về nhân lực, năng lực của hầu hết tổ chức tư vấn chưa đáp ứng được yêu cầu quy hoạch tổng hợp, các chuyên gia nước ngoài lại không am hiểu về lịch sử, văn hóa, luật pháp, không am hiểu sâu sắc về tiềm năng, lợi thế vùng, tỉnh. Do đó, trong điều kiện khó khăn về nhân lực thì nhiều quy đạt mục tiêu đến ngày 31/12/2022 được phê duyệt cũng có thể được coi là thành công.
Chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế làm cho thời gian lập quy hoạch kéo dài, đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề nghị trong Nghị quyết giám sát cần có giải pháp khắc phục việc hướng dẫn mẫu hóa các nội dung như đề cương, nhiệm vụ lập quy hoạch chưa rõ, thời gian thẩm định và phê duyệt tương đối dài. “Đồng thời tháo gỡ vướng mắc về quy định các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ, cơ quan ngang bộ không thể tham gia đấu thầu các gói thầu tư vấn lập quy hoạch do Bộ, cơ quan ngang Bộ làm chủ đầu tư, trong khi đây là những đơn vị có năng lực và kinh nghiệm, có thông tin và cơ sở dữ liệu tốt nhất”- đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề xuất.
Đại biểu Lý Thị Lan – đoàn Hà Giang cũng cho rằng, nội dung quy hoạch tại các địa phương cần tập trung định hướng tích hợp phát triển kinh tế xã hội, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các lĩnh vực kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Đại biểu đề xuất, cần khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết 751/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tháo gỡ khó khăn trong tổ chức, thực hiện Luật Quy hoạch; tăng cường phối hợp và chia sẻ thông tin liên ngành, liên kết giữa các Bộ, ngành và địa phương trong công tác quy hoạch.
Đồng tình với nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả về việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch, vị đại biểu này nhấn mạnh cần quy định cụ thể hơn về thời gian hoàn thành đối với một số nhiệm vụ giao cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để kịp thời triển khai ngay trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch, hướng dẫn quy trình lập quy hoạch bằng phương pháp tích hợp để lập quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh…