Đại biểu Quốc hội lo ngại ''nghèo hóa'' khi về hưu Đại biểu Quốc hội: Đề xuất rút bảo hiểm xã hội 50% thay vì một lần Hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần: Nên giữ nguyên để tránh sự xáo trộn |
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Ma Thị Thúy- đoàn Tuyên Quang nêu rõ, Luật Bảo hiểm xã hội là một đạo luật có ảnh hưởng lớn đến đời sống của hàng triệu lao động đã và đang làm việc, kể cả những người đã mất và gia đình họ.
Do đó, việc nghiên cứu, xem xét các quy định của dự án Luật là đặc biệt quan trọng đối với Quốc hội, được cử tri cả nước quan tâm. Qua nghiên cứu dự thảo Luật và báo cáo tiếp thu, giải trình, đại biểu cơ bản đồng tình với nhiều nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề cập.
Đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị Quốc hội xem xét lùi thời gian thông qua luật. (Ảnh: quochoi.vn) |
Đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng đảm bảo thận trọng, đánh giá đầy đủ tác động chính sách tiền lương mới đối với các quy định Luật Bảo hiểm xã hội và lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động là đông đảo người lao động.
Đồng quan điểm với đại biểu Ma Thị Thúy, đại biểu Nguyễn Lâm Thành - đoàn Thái Nguyên đã đánh giá cao dự thảo Luật, tuy nhiên còn nhiều vấn đề cần phải xem xét, xử lý cho thấu đáo.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị lùi thời gian thông qua Luật Bảo hiểm xã hội. (Ảnh:quochoi.vn) |
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng, đây là dự thảo Luật khó, tác động đến nhiều đối tượng trong xã hội, đồng thời đánh giá cao Ban soạn thảo đã đề xuất nhiều chính sách liên quan dự án Luật sửa đổi lần này; thống nhất với nhiều nội dung của Báo cáo thẩm tra đã nêu ra, nhiều vấn đề cần được xem xét kỹ lưỡng và thấu đáo.
Góp ý về quy định đối tượng và điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, đại biểu Hoàng Đức Thắng - đoàn Quảng Trị cho biết, theo quy định tại dự thảo luật, điều kiện đầu tiên để công dân Việt Nam được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là khi đủ 75 tuổi trở lên hoặc từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Đại biểu cho rằng cần rà soát, nghiên cứu mở rộng đối tượng đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đều được hưởng chính sách trợ cấp hưu trí xã hội.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Quảng Trị góp ý tại hội trường (Ảnh:quochoi.vn) |
Tranh luận với nhóm ý kiến đồng tình với việc mở rộng đối tượng đóng bảo hiểm bắt buộc của chủ hộ kinh doanh và các cá nhân giữ chức vụ là thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, thành viên Ban kiểm soát không hưởng lương của hợp tác xã, đại biểu Phạm Văn Thịnh - Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Bắc Giang cho rằng bảo hiểm xã hội bắt buộc chỉ phát sinh khi có mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động gắn với lương chi trả hàng tháng.
"Như vậy, các đối tượng đề xuất mở rộng không có 2 yếu tố này. Nếu đưa các đối tượng này vào đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì thực chất là tự mình nộp cho mình. Khi đó, các chế tài đi theo như nợ đóng bảo hiểm xã hội, trốn đóng bảo hiểm xã hội cũng sẽ không còn ý nghĩa và cần được định nghĩa lại vì không ai bị kết tội trốn đóng bảo hiểm xã hội cho chính bản thân mình."- đại biểu Phạm Văn Thịnh cho hay.
Theo đại biểu Thịnh, thực tế hiện nay, nhiều thành viên quản trị của hợp tác xã ở cơ sở là nông dân hiện tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và được nhà nước hỗ trợ. Nay vì tham gia là thành viên Ban kiểm soát của hợp tác xã dù không hưởng lương nhưng lại phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là không hợp lý.
Nếu đưa các nhóm đối tượng nêu trên vào quy định thì cũng không bảo đảm bao quát được hết các đối tượng là chủ doanh nghiệp mà không được hưởng lương. Đại biểu Phạm Văn Thịnh chỉ rõ theo quy định pháp luật hiện hành còn có các đối tượng như chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ công ty hợp danh mà không có thành viên góp vốn.