Lo ngại nghèo hóa khi về hưu
Góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, đại biểu Vương Thị Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho biết, theo quy định tại Điều 68 của dự thảo Luật, giảm điều kiện số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm để người lao động được hưởng lương hưu.
Đại biểu Hương cho rằng, đây là chính sách nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, là phù hợp với thực tế khi thị trường lao động của nước ta còn ở giai đoạn đầu phát triển; tạo cơ hội cho những người tham gia bảo hiểm xã hội muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng ngắn hơn so với quy định hiện nay được hưởng lương hưu thay vì rút bảo hiểm xã hội một lần.
Đại biểu Vương Thị Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang góp ý tại Hội trường (Ảnh:quochoi.vn) |
Theo đại biểu Hương, do cách tính mức lương hưu hàng tháng dựa trên thời gian đóng góp và mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nên việc giảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp người lao động nghỉ hưu với mức lương hưu rất thấp (lao động nam chỉ hưởng mức 33,75%).
Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã không còn quy định về mức lương hưu hàng tháng thấp nhất (như quy định tại khoản 5 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014). Từ phân tích trên đại biểu Hương lo ngại có thể dẫn đến xu hướng “nghèo hóa” của một bộ phận người dân trong tương lai.
Vị nữ đại biểu này cũng đã đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp để các đối tượng này có thể đảm bảo cuộc sống.
Liên quan đến mức trợ cấp một lần, hiện dự thảo đang quy định “bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tính đến tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật”; trong khi đó mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014 và 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
Để khuyến khích người lao động gắn bó lâu dài với hệ thống bảo hiểm xã hội, giảm thiểu tình trạng người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu nâng mức trợ cấp một lần đối với người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ lương hưu 75% (35 năm đối với lao động nam, 30 năm đối với lao động nữ).
Chưa đồng thuận số lần khám thai của lao động nữ
Góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, đại biểu Nguyễn Tri Thức - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho biết, tại Điều 47 về dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau có những từ ngữ vẫn chưa rõ ràng như: Nghỉ 10 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa hồi phục, 07 ngày đối với người chưa hồi phục sau thời gian phẫu thuật,… Đại biểu Nguyễn Tri Thức đánh giá, quy định này vẫn còn mơ hồ, nên để cho các nhà chuyên môn có quyết định theo từng trường hợp cụ thể.
Đại biểu Nguyễn Tri Thức - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh (Ảnh:quochoi.vn) |
Đại biểu cho rằng không nên quy định khám thai 5 lần trong suốt chu kỳ mang thai của lao động nữ. Tại Điều 53, đối với việc khám thai, đại biểu Nguyễn Tri Thức cho rằng nên chia ra thành 02 nhóm là thai bình thường và thai bệnh lý và tại Điều 54, chưa có cơ sở phân chia tuổi thai. Do vậy, đại biểu Nguyễn Tri Thức đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại 02 Điều này.
Cũng liên quan đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cho rằng, quy định nữ lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai tối đa 05 lần trong thời gian mang thai là chưa phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre (Ảnh:quochoi.vn) |
Theo đại biểu, qua tiếp xúc cử tri là công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp, có nhiều ý kiến đối với nội dung này khi lao động nữ mang thai đi khám thai định kỳ bác sỹ thường chỉ định khám lại sau 30 ngày.
Tuy nhiên, theo quy định hiện hành và dự thảo Luật quy định cho lao động nữ chỉ được nghỉ việc đi khám thai tối đa 5 lần. Nếu thai phát triển trong điều kiện bình thường, còn nếu thai phát triển không bình thường thì bác sĩ chỉ định sau 1 tuần, 10 ngày, 15 ngày,... phải đi tái khám để bác sĩ theo dõi.
Như vậy, thời gian quy định như dự thảo Luật và Luật hiện hành chỉ được nghỉ không quá 5 lần là quá thấp đối với những trường hợp thai phát triển không bình thường. Để đảm bảo điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt cho phụ nữ lao động đang mang thai yên tâm làm việc, đại biểu đề nghị cũng cần nên xem xét, quy định lựa chọn có thể nghỉ tối đa 5 lần, mỗi lần không quá 2 ngày hoặc tăng số lần khám thai lên 9 - 10 lần trong thai kỳ để đảm bảo cho lao động nữ được theo dõi đầy đủ sức khỏe cho thai nhi phát triển tốt
Chia sẻ bên lề hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga- Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng: Trong dự thảo Luật quy định là 5 lần, nhiều đại biểu cho rằng có thể không đến 5 lần, có thể nhiều hơn. Theo tôi thì có thể quy định theo hướng tối đa.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga- Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đề nghị số lần khám thai nên để mở (Ảnh: Thu Hường) |
Hiện nay tất cả cả các trung tâm y tế đều khuyến cáo phụ nữ trong thai kỳ nên đi khám thai 8 lần. Theo đại biểu Việt Nga, thai kỳ thông thường của phụ nữ là 9 tháng, khuyến cáo của cơ quan y tế đi khám 8 lần trong những thời điểm nhất định, điều này nhất thiết chúng ta phải có tham khảo của bên y tế số lần khám thai cần thiết đối với phụ nữ, nếu như khuyến cáo của cơ quan y tế là 8 lần thì Luật nên quy định mở là không quá 8 lần. "Điều này vừa giải quyết nhu cầu của người lao động, có người thai kỳ khỏe mạnh có thể không sử dụng đến 8 lần, nhưng những người lao động cần thiết phải thực hiện đúng khuyến cáo của ngành y tế thì họ có đủ 8 lần đi khám thai, đảm bảo quyền phụ nữ và chăm lo tốt hơn cho giống nòi."- đại biểu Việt Nga nhấn mạnh.