Chỉ số hàng hóa MXV-Index đóng cửa với mức tăng mạnh 4,27% lên 3.066 điểm, là mức cao nhất trong vòng 5 tuần. Việc chỉ số này lấy lại mốc 3.000 điểm đang tạo ra tâm lý kỳ vọng giá hàng hóa sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Đóng góp lớn nhất vào mức tăng của thị trường hàng hóa trong tuần trước là các mặt hàng trong nhóm năng lượng. Chỉ số MXV-Index Năng lượng chốt tuần tăng 10,4% lên 5.265 điểm, là mức cao thứ tư kể từ khi được Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) ban hành.
Diễn biến Chỉ số Hàng hóa MXV-Index hàng ngàyu đang dẫn dắt xu hướng giá của nhiều mặt hàng liên quan |
Dòng tiền đầu tư hàng hóa đã ổn định trở lại
Theo thống kê từ Khối Quản lý Giao dịch MXV, giá trị giao dịch trung bình trong tuần trước đạt 4.473 tỷ đồng/ngày, tăng 5% so với tuần trước đó, nhưng giảm 12% so với mức trung bình từ đầu năm 2022 tới nay. Đây là tín hiệu tích cực và lành mạnh hơn của thị trường hàng hóa, khi dòng tiền đã ổn định trở lại sau giai đoạn biến động rất lớn vào đầu năm nay. Kể từ sau khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra, giá trị giao dịch tại MXV có 2 tuần liên tiếp đều ở trên mức 8.000 tỷ đồng mỗi ngày. Đặc biệt, giá trị giao dịch đạt mức cao nhất trong lịch sử trên thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam vào ngày 24/02, đạt 10.294 tỷ đồng.
Bước sang tháng 4, giá trị giao dịch chủ yếu ở trong khoảng 3.900 – 4.500 tỷ đồng mỗi phiên, tuy giảm đáng kể so với giai đoạn trước, nhưng vẫn duy trì bước tăng trưởng đột phá so với năm 2021. Chuyên gia kinh tế Ngô Chí Long đánh giá, dù là thị trường còn rất mới tại Việt Nam, nhưng tốc độ tăng trưởng 40 – 50% mỗi năm sẽ cân bằng được hai mục tiêu: tăng trưởng nhanh và đảm bảo tính ổn định, bền vững của thị trường. Thực tế cho thấy, các nhà đầu tư trong nước đang có xu hướng giữ các vị thế dài hạn hơn, khi giá các loại hàng hóa quan trọng đã trải qua giai đoạn biến động mạnh và thất thường như hồi đầu tháng 3.
Ông Long cho biết, một xu hướng trung bình trên thị trường hàng hóa có thể kéo dài từ 3 – 6 tháng, và cần ít nhất 1 tháng để hình thành một cách rõ ràng. Vì vậy, khi các nhà đầu tư có xu hướng nắm giữ vị thế dài hạn hơn, nghĩa là họ đã hiểu được bản chất của thị trường giao dịch hàng hóa. Đây là yếu tố quan trọng, giúp hoạt động đầu tư hiệu quả và bền vững hơn.
Giá dầu tăng vượt 110 USD/thùng sau các báo cáo quan trọng
Trên sở NYMEX, giá dầu thô WTI kỳ hạn tháng 5 đóng cửa tuần tăng 8,84% lên 106,95 USD/thùng; giá dầu Brent tháng 6 trên sở ICE tăng 8,68% lên mức 111,7 USD/thùng. Các mặt hàng quan trọng khác trong nhóm năng lượng như dầu ít lưu huỳnh và khí tự nhiên cũng lần lượt tăng 13,7% và 16,3%.
Diễn biến Giá dầu thô Brent hàng ngày |
Trong một tuần có 3 báo cáo quan trọng của 3 tổ chức năng lượng uy tín nhất thế giới, giá dầu đã có những diễn biến bất ngờ. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) và Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) đồng loạt hạ dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới trong năm 2022. Trong số đó, EIA đưa ra điều chỉnh giảm mạnh nhất, ở mức 800.000 thùng/ngày.
Tuy vậy, giá dầu đã nhanh chóng phục hồi và lấy lại đà tăng sau các thông tin cho biết các quốc gia châu Âu đang cân nhắc việc đưa các lệnh cấm vận nhập khẩu dầu từ Nga vào các gói trừng phạt mới. Một lần nữa, lo ngại về thiếu hụt nguồn cung gia tăng trở lại, khi IEA cảnh báo từ tháng 5, mức thiếu hụt dầu từ Nga có thể lên đến 3 triệu thùng/ngày. Phó Thủ tướng Nga cũng đã lên tiếng cảnh báo, nếu các nước EU thực sự thiết lập lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga, giá các mặt hàng năng lượng có thể nhanh chóng phá vỡ các mức kỷ lục cũ.
Sau khi mở cửa giao dịch ngày 18/04, các mặt hàng năng lượng đang tiếp tục tăng từ 1 – 1,5%. Tin tức cập nhật cho thấy 2 cảng xuất khẩu dầu của Libya đã buộc phải ngừng hoạt động do một loạt các cuộc biểu tình. Quốc gia này liên tiếp chịu ảnh hưởng của các bất ổn chính trị từ cuối năm 2021 và làm gián đoạn hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu thô, bất chấp đây là thành viên OPEC có trữ lượng dầu nhiều nhất khu vực Bắc Phi. Đám cháy tại nhà máy lọc dầu Pemex của Mexico trong cuối tuần cũng là nguyên nhân đang hỗ trợ đà tăng của giá dầu trong phiên sáng nay.
Các mặt hàng liên quan đồng loạt tăng mạnh theo giá dầu
Dầu thô là nguyên liệu đầu vào của rất nhiều hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu, nên rất dễ hiểu khi giá dầu thường đóng vai trò “anh cả”, dẫn dắt xu hướng trên thị trường hàng hóa. Vai trò này càng trở trên rõ ràng hơn trong quý I/2022, khi hầu như toàn bộ các mặt hàng trong nhóm nông sản, kim loại và nguyên liệu công nghiệp đều tăng theo giá dầu trong khoảng thời gian này. Tuy nhiên, sau hai tuần giao dịch đầu tháng 4, khi giá dầu có xu hướng đi ngang, các nhóm mặt hàng bắt đầu có sự phân hóa, như nhóm nông sản bắt đầu chuyển trọng tâm sang giai đoạn gieo trồng mùa vụ Mỹ, còn nhóm kim loại đang dồn sự chú ý vào tình hình đại dịch Covid-19 tại Trung Quốc.
Giá các mặt hàng liên quan tăng mạnh theo giá dầu |
Nhưng vẫn có những mặt hàng đang tăng theo giá dầu, khi có những sự liên quan mật thiết. Ngô, dầu đậu tương và dầu cọ là những ví dụ điển hình. Đóng cửa tuần trước, giá ngô và dầu đậu tương trên sở Chicago lần lượt tăng 2,8% và 5%; giá dầu cọ Malaysia trên sở Bursa tăng vọt 8,9% lên mức 1.527 USD/tấn
Tại các nước phát triển, ngô được sử dụng nhiều trong sản xuất ethanol và pha trộn vào xăng sinh học, trong khi dầu đậu tương và dầu cọ là nguyên liệu chính để sản xuất dầu diesel sinh học. Trong bối cảnh các nước đang gấp rút tìm kiếm giải pháp thay thế nguồn cung dầu vốn đang thiếu hụt và đầy bất ổn, nhu cầu sử dụng các nguyên liệu sinh học này dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Theo đánh giá của MXV, nếu không có những thay đổi đáng kể về nguồn cung, giá các mặt hàng nguyên liệu này sẽ tiếp tục đi theo giá dầu trong thời gian tới.