Ngành Công Thương có hơn 2.000 nhà máy điện, cơ sở sản xuất vào danh sách kiểm kê khí nhà kính Thiếu nhân lực kiểm kê khí nhà kính, gần 1.700 doanh nghiệp sản xuất gặp khó |
Kiểm kê khí nhà kính – bước quan trọng đánh giá sản xuất xanh
Từ tháng 10/2023, EU chính thức áp dụng thí điểm Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) đối với 6 ngành hàng (xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón, điện và khí hydro). Đến năm 2026, EU có thể mở rộng áp dụng CBAM đối với hàng chục ngành hàng khác. Việt Nam đã cam kết thực hiện Net Zero (cắt giảm phát thải khí nhà kính về mức bằng 0) vào năm 2050. Sản xuất công nghiệp đang là một trong những lĩnh vực phát thải carbon ra môi trường nhiều nhất.
Các doanh nghiệp sản xuất, nhất là các ngành có phát thải carbon lớn ra môi trường cần cấp bách thực hiện các giải pháp giảm thải để đáp ứng tiêu chuẩn xanh hóa chuỗi cung ứng |
Đây là những yếu tố thúc đẩy chuyển đổi xanh trong sản xuất, nhất là tại các doanh nghiệp có phát thải lớn ra môi trường, doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam buộc phải diễn ra nhanh hơn. Và kiểm kê khí nhà kính là bước quan trọng để đánh giá sản xuất xanh. Việc kiểm kê khí nhà kính cũng sẽ giúp doanh nghiệp đánh giá được thực trạng phát thải trong sản xuất của doanh nghiệp mình, từ đó có lộ trình giảm thải.
Theo lộ trình về phát triển bền vững tại Việt Nam, việc kiểm kê phát thải khí nhà kính sẽ được thực hiện thí điểm từ năm 2023, và một số lĩnh vực, doanh nghiệp sản xuất sẽ buộc phải thực hiện cắt giảm phát thải carbon ra môi trường theo hạn ngạch từ năm 2026 trở đi. Việt Nam cũng sẽ thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon từ năm 2025.
Doanh nghiệp còn mơ hồ
Mặc dù chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu, và sẽ là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững cũng như thực hiện thành công mục tiêu Net Zero, tuy nhiên, khảo sát nhiều doanh nghiệp tại TP. Đà Nẵng, phần nhiều các doanh nghiệp còn mơ hồ với khái niệm về kiểm kê khí nhà kính, giảm phát thải carbon.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt – Giám đốc Công ty TNHH Hải Vân Nam cho biết, các doanh nghiệp còn khá mơ hồ về lộ trình giảm phát thải cũng như những việc doanh nghiệp cần phải làm. Đặc biệt là nhiều doanh nghiệp còn chưa nắm được các khái niệm về kiểm kê khí nhà kính. “Cần có nhiều thông tin cụ thể hơn về những hoạt động này để doanh nghiệp có thể nắm, thích ứng và triển khai thực hiện”, bà Nguyệt nói.
Tương tự, ông Phạm Văn Bình – Công ty TNHH Khả Tâm cho rằng, cần có lộ trình cụ thể cũng như hướng dẫn và hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất hiểu và thực hiện đo phát thải khí nhà kính trong sản xuất. “Là doanh nghiệp sản xuất, chúng tôi cũng đã được tham gia một số buổi tập huấn tìm hiểu thông tin cũng như sử dụng các thiết bị đo nhà kính. Tuy nhiên, để triển khai vào doanh nghiệp thì còn khá nhiều khó khăn”, ông Bình chia sẻ.
Rất nhiều doanh nghiệp chưa hiểu về kiểm kê khí nhà kính cũng chưa sẵn sàng thực hiện hoạt động này |
Ngành giấy là một trong những ngành sản xuất có lượng phát thải carbon ra môi trường tương đối lớn. Theo ông Hà Ngọc Thống – Giám đốc Nhà máy giấy bao bì Tân Long, đơn vị liên tục đầu tư máy móc để hiện đại hóa công nghệ, quan trắc khí thải ra môi trường. Đơn vị cũng tìm hiểu nhiều thông tin liên quan đến kiểm kê khí nhà kính để chủ động thích ứng. Tuy nhiên hiện vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai. Để giảm thải, doanh nghiệp thiếu lớn nhất hiện nay đó là kiến thức. "Muốn giảm thải doanh nghiệp phải nắm được mình thực trạng xả thải của doanh nghiệp mình thế nào. Phải biết được kiểm kê khí nhà kính là kiểm kê cái gì?”, ông Thống nói và cho rằng, việc đo đạc khí nhà kính cho một vòng đời sản phẩm không hề dễ, và cần sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý. “Cần có những thông tin cụ thể, lộ trình cụ thể cho từng khu công nghiệp, ngành hàng, doanh nghiệp… từ đó, mỗi doanh nghiệp căn cứ vào đó để xây dựng lộ trình giảm thải cụ thể cho doanh nghiệp mình”, ông Thống đề xuất.
Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, chỉ số sản xuất công nghiệp thành phố 11 tháng năm 2023 giảm, 24% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, dù được nhận định kinh tế sẽ có dấu hiệu phục hồi trong 6 tháng cuối năm nhưng đến thời điểm hiện tại doanh nghiệp sản xuất tại Đà Nẵng vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân của những khó khăn này ngoài cầu thị trường giảm, giá nguyên vật liệu tăng, tỷ giá biến động bất lợi… thì một yếu tố nữa được nhắc đến đó là yêu cầu về xanh hóa chuỗi cung ứng – trở ngại lớn của các doanh nghiệp sản xuất trong việc tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu. Số liệu xuất nhập khẩu hàng hóa tại TP. Đà Nẵng 11 tháng năm 2023 cũng không tích cực. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 11 tháng ước đạt hơn 2,7 tỷ USD, giảm 16,8% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa ước đạt gần 1,7 tỷ USD, giảm 12,3% so với cùng kỳ và nhập khẩu hàng hóa ước đạt hơn 1 tỷ USD, giảm 23,1% so với cùng kỳ 2022.