Sau 10 ngày “ai ở đâu ở yên đó” Đà Nẵng tiếp tục duy trì thắt chặt các hoạt động để phòng chống dịch Covid-19 Đà Nẵng: Đơn hàng qua hotline, zalo, website tăng mạnh |
Chậm giao hàng do thiếu nhân lực soạn hàng, giao hàng
Từ 8h ngày 23/8, TP. Đà Nẵng cho phép 14 đơn vị/chuỗi cửa hàng bán lẻ được tiếp nhận đơn đặt hàng online và shipper sẽ giao hàng tận nhà cho người dân.
Các đơn đặt hàng tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ trên địa bàn TP. Đà Nẵng đều tăng mạnh, trong khi nguồn nhân lực để soạn hàng, giao hàng đang thiếu hụt khiến hàng hóa chậm giao đến tay người dân |
Ghi nhận tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, hiện các kênh đặt hàng thực phẩm thiết yếu qua hotline, zalo, website, facebook… phần lớn rơi vào tình trạng quá tải.
“Đơn hàng liên tục, app đặt hàng của Big C bị đứng từ chiều hôm qua đến hiện tại do quá tải đơn hàng”, bà Võ Thị Thu Thủy – Giám đốc Siêu thị Big C thông tin. Theo bà Thủy,không chỉ đơn hàng khách lẻ đặt trực tuyến quá tải mà đơn hàng đặt theo tổ dân phố cũng tăng rất mạnh. “Với nhân lực hiện tại (hơn 60 nhân viên và 24 shipper) chúng tôi không thể đáp ứng việc soạn hàng và giao hàng nhanh chóng”, bà Thủy nói và cho biết thêm bản thân bà cũng tham gia vào soạn hàng cho khách.
Siêu thị Lotte Mart có 90 shipper được cấp phép vận chuyển hàng. “90 shipper là tính cả Giám đốc đó nhé. Không có người nên là giám đốc kiêm giao hàng luôn”, giám đốc siêu thị Lotte Mart – ông Nguyễn Minh Thương chia sẻ.
Tại siêu thị Coopmart Đà Nẵng, ông Lê Quang Thanh – Phó Giám đốc siêu thị cho biết 30 shipper của siêu thị đi giao hàng liên tục từ 6h sáng đến 20h (khung giờ cho phép hoạt đông) nhưng vẫn không tải hết đơn hàng. “Nhân viên tại siêu thị soạn hàng từ sáng sớm đến khuya, trong điều kiện ăn ở tại siêu thị rất chật vật”, ông Thanh nói.
Các siêu thị khác như MM Mega Martket, Vinmart, FuMart, chuỗi cửa hàng Vinmart+… cũng tương tự.
Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng – bà Lê Thị Kim Phương cho biết nhờ có sự chuẩn bị trước, nên thời gian từ 16 – 22/8 đơn đặt hàng thực phẩm thiết yếu không quá nhiều, các siêu thị, cửa hàng cung ứng thực phẩm cơ bản đáp ứng được nhu cầu đặt hàng của người dân. Tuy nhiên, từ 22/8 – nay (24/8), nhu cầu đặt hàng của người dân có tăng đột biến, Sở Công Thương đã tiếp nhận những phản ánh của người dân về việc khó đặt hàng, giao hàng chậm.
Riêng trong ngày 24/8, về đặt hàng qua tổ dân phố, quận Hải Châu có 1.358 đơn (từ 16/8 đến nay là 6.067 đơn); quận Cẩm Lệ 2.843 đơn (từ 16/8 đến nay là 8.884 đơn); quận Sơn Trà 4.082 đơn… Cùng với đó, mỗi siêu thị tiếp nhận hàng nghìn đơn đặt hàng khách lẻ. Đơn hàng tăng mạnh trong khi nhân lực có hạn gây áp lực lớn cho các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi.
Tăng nhân lực làm việc tại siêu thị, tăng shipper
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, TP. Đà Nẵng tiếp tục duy trì các biện pháp chống dịch “ai ở đâu ở yên đó” sau 8h ngày 26/8.
TP. Đà Nẵng cho phép tăng nhân viên làm việc tại các siêu thị, ưu tiên lực lượng này không phải thực hiện "3 tại chỗ" đồng thời tăng số lượng nhân viên giao hàng để giảm thời gian giao hàng cho người dân |
Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết, trong 10 ngày đến, dự kiến lượng đơn đặt hàng thiết yếu sẽ vô cùng lớn. Việc đảm bảo cung ứng hàng hóa kịp thời là rất khó khăn.
“Nguồn hàng hóa là không thiếu, siêu thị sẵn sàng nhập hàng về bán. Vấn đề lớn nhất là không đủ nhân lực để sắp hàng, soạn hàng, giao hàng khi số lượng đơn hàng tăng vọt gấp 3,4 lần so với bình thường. Trong khi, các siêu thị bình thường chỉ đáp ứng được tối đa 30% nhu cầu thị trường”, bà Phương cho hay.
Để giảm bớt áp lực cung ứng hàng hóa, từ 8h ngày 26/8, UBND TP. Đà Nẵng sẽ cho phép nâng số lượng nhân viên làm việc tại các TTTM, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi lên đến 60% và các nhân viên này cũng không phải thực hiện làm việc “3 tại chỗ” để duy trì lực lượng đảm bảo hiệu suất làm việc, đảm bảo đủ nhân lực để tổ soạn hàng, giao hàng cho người dân.
Cùng với đó, thành phố sẽ tăng cường đội ngũ shipper công nghệ, nhân viên giao hàng chuyên nghiệp để giảm áp lực giao hàng cho người dân.
Các siêu thị sẽ ký hợp đồng trực tiếp với các shipper này về việc giao nhận hàng hóa cho người dân. Sau đó, lên danh sách cụ thể gửi về Sở Công Thương. Sở Công Thương sẽ chuyển danh sách sang đồng thời cho Sở Y tế để bố trí tiêm vaccine cho đội ngũ shipper và Công an thành phố sẽ cấp giấy đi đường tham gia giao nhận hàng hóa cho đội ngũ này.
Được biết, đến tối 24/8, Sở Công Thương đã nhận được đề nghị của 3 siêu thị có nhu cầu thuê thêm shipper công nghệ với khoảng 40 người (bên cạnh 788 người đã cấp phép). Sở đã gửi danh sách cho Sở Y tế và Công an, và tiếp tục nhận danh sách bổ sung để cấp phép hoạt động.
Bà Phương cho hay, việc mua hàng, đăng ký hàng hóa cho người dân là một áp lực đối với ngành Công Thương thành phố. Do Chợ đấu mối về rau củ, Cảng cá Thọ Quang (cung cấp thủy hải sản), lò mổ Đà Nẵng (cung ứng thịt các loại) đều đang tạm dừng hoạt động, cùng một lúc, ngành Công Thương Đà Nẵng phải huy động mọi nguồn hàng hóa từ các địa phương khác về thành phố vì vậy gặp rất nhiều khó khăn. “Ngành Công Thương cố hết sức có thể để đáp ứng được cơ bản nhu cầu của người dân. Trong điều kiện hiện tại, để đảm bảo 100% nhu cầu của người dân là rất khó. Mong người dân chia sẻ với thành phố và ngành Công Thương về vấn đề này”, bà Phương nói.