Đà Nẵng: 2.580 tỷ đồng dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 Đà Nẵng: Sức mua tăng, người dân bắt đầu mua sắm Tết |
Sáng 18/1, Sở Công Thương TP. Đà Nẵng cho biết, nhằm đảm bảo cân đối cung cầu một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết cổ truyền dân tộc, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, Sở Công Thương Đà Nẵng triển khai thực hiện Chương trình bình ổn Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 với nhiều hoạt động bán hàng bình ổn trên địa bàn.
Người dân mua sắm tại gian hàng bình ổn siêu thị Coopmart Đà Nẵng |
Cụ thể, Hội chợ Xuân Đà Nẵng diễn ra từ ngày 23/1 – 28/1 (tức ngày 13 – 18/12 Âm lịch năm Quý Mão) với quy mô 250 gian hàng để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và khách du lịch.
Tổ chức 19 điểm bán hàng bình ổn giá các mặt hàng gia súc, gia cầm (thịt heo, thịt bò, trứng…) trong 3 ngày từ 6 – 8/2 (tức ngày 27 – 29/12 Âm lịch) tại 7 quận, huyện trên địa bàn thành phố. Khung giờ bán hàng bình ổn là từ 6h30 – 11h30 hàng ngày. Các mặt hàng tại gian hàng bình ổn giá được bán với múc giá ổn định, niêm yết công khai.
Bên cạnh đó, tổ chức 3 đợt đưa hàng phục vụ đồng bào miền núi huyện Hoà Vang với sự tham dự của 2 đơn vị Coopmart Đà Nẵng và Coopmart Sơn Trà. Cụ thể, tại xã Hòa Phú trong 2 ngày 16 và 17/1 (nhằm ngày 06 – 07/12 Âm lịch, năm Quý Mão); xã Hòa Bắc ngày 24 và 25/1 (nhằm ngày 14-15/12 Âm lịch, năm Quý Mão); xã Hòa Ninh ngày 26 và 27/1 (ngày 16-17/12 Âm lịch, năm Quý Mão). Các hoạt động đưa hàng phục vụ đồng bào miền núi tập trung các mặt hàng phục vụ Tết gồm bánh kẹo các loại, nước giải khát, mứt, đồ khô, quần áo... với mức giá cam kết thấp hơn giá bán lẻ tại thành phố Đà Nẵng từ 5-10%.
Vận động 4 siêu thị lớn trên địa bàn là siêu thị Go!; siêu thị Coopmart Đà Nẵng; siêu thị Lotte Mart Đà Nẵng và siêu thị MM Mega market tổ chức bán hàng bình ổn tại đơn vị với các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết, đảm bảo giá cả hợp lý, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; trong đó, siêu thị Coopmart Đà Nẵng tổ chức gian hàng bình ổn riêng kéo dài từ 11/1 - 09/2/2024… "Mua hàng ở siêu thị thì tôi yên tâm về nguồn gốc xuất xứ và chất lượng hơn. Giá các mặt hàng như dầu ăn, nước mắm, mì chính ở gian hàng bình ổn rất hợp lý nên gia đình tôi tranh thủ mua nhiều hơn một chút để dùng trong và sau Tết", chị Phan Thị Lan (42 tuổi, trú quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) chia sẻ.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại, đơn vị phân phối cũng đồng loạt tổ chức các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng, góp phần phục vụ nhu cầu mua sắm và bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán 2024.
Được biết, phục vụ nhu cầu tiêu dùng và bình ổn thị trường hàng hóa dịp cao điểm cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các đơn vị, doanh nghiệp, tiểu thương trên địa bàn Đà Nẵng đã dự trữ hàng lương thực, thực phẩm, hàng có nhu cầu tiêu dùng cao dịp Tết với tổng giá trị hơn 2.580 tỷ đồng.
Ngày 16/1, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng – ông Lê Trung Chinh đã ký Chỉ thị về việc tổ chức Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Trong đó, yêu cầu Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, quận, huyện..theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu cao hoặc biến động giá nhiều trong thời gian quan để chủ động hoặc đề xuất có biện pháp cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Tạo điều kiện, vận động doanh nghiệp có kế hoạch dự trữ hàng thiết yếu; tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng; đưa hàng về phục vụ khu vực nông thôn miền núi; …. |