Chiều 11/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn công tác Trung ương có buổi làm việc với Thành ủy Đà Nẵng về tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tham gia đoàn công tác.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Thành ủy Đà Nẵng chiều 11/11 |
Đà Nẵng kiến nghị cho phép áp dụng chính thức mô hình chính quyền đô thị
Thông tin tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng – ông Nguyễn Văn Quảng cho biết, 9 tháng đầu năm 2023, kinh tế Đà Nẵng (GRDP) tăng trưởng 2,83%. Trong đó, dịch vụ - du lịch giữ vai trò động lực tăng trưởng. Thành ủy Đà Nẵng đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm; tổ chức khởi công dự án đường ven biển nối Cảng Liên Chiểu; đẩy nhanh tiến độ các thủ tục đầu tư các nhà máy điện rác...
Liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 119, ông Nguyễn Văn Quảng cho biết, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và triển khai một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng đạt được nhiều kết quả bước đầu quan trọng. Thành phố đã và đang tích cực phối hợp với các cơ quan Trung ương tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản, chủ trương, định hướng nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 119/2020/QH14, làm cơ sở pháp lý, tạo động lực để Đà Nẵng phát triển trong thời gian đến.
Để triển khai hiệu quả các định hướng, mục tiêu theo Nghị quyết số 43-NQ/TW, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị và các văn bản khác của Trung ương về phát triển thành phố Đà Nẵng, thành phố kiến nghị Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm xem xét, cho phép thành phố Đà Nẵng áp dụng chính thức mô hình chính quyền đô thị và sửa đổi, bổ sung một số quy định để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị.
Đề xuất cho phép TP. Đà Nẵng được áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù tương tự như một số địa phương. Cụ thể, liên quan đến cơ chế, chính sách về quản lý đầu tư. Trong đó, đề xuất cho phép giao HĐND thành phố quyết định một số chính sách. Cụ thể như cho áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với dự án đầu tư trong lĩnh vực giao thông vận tải có quy mô đầu tư 1.000 tỷ đồng trở lên (riêng dự án đầu tư bãi đỗ xe có quy mô đầu tư từ 100 tỷ đồng trở lên); hạ tầng logistics có quy mô đầu tư từ 500 tỷ đồng trở lên; hạ tầng thương mại (chợ, trung tâm hội chợ triển lãm); cơ sở ươm tạo; Trung tâm nghiên cứu, văn hoá và thể thao có quy mô đầu tư từ 100 tỷ trở lên…
Bên cạnh đó là các cơ chế chính sách liên quan đến quy hoạch, đô thị và tài nguyên, môi trường; chính sách về quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; cơ chế, chính sách tiền lương và tổ chức bộ máy chính quyền.
Đáng chú ý, TP. Đà Nẵng kiến nghị được áp dụng một số cơ chế, chính sách mới để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn; chính sách về quản lý đầu tư; chính sách về tài chính, ngân sách, thuế; chính sách về quy hoạch, đô thị và tài nguyên, môi trường; về hình thành trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên (thứ 3 từ trái qua) tham gia đoàn công tác dự buổi làm việc |
Đà Nẵng cần làm mới động lực tăng trưởng cũ, tạo động lực tăng trưởng mới
Đồng tình với báo cáo của Thành ủy Đà Nẵng về kinh tế - xã hội thành phố 9 tháng đầu năm 2023 và tình hình thực hiện Nghị quyết 119, cùng các kiến nghị đề xuất, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ biểu dương, đánh giá cao những kết quả TP. Đà Nẵng đã đạt được trong thời gian qua.
Theo Chủ tịch Quốc hội, TP. Đà Nẵng sau khi tách từ Quảng Nam– Đà Nẵng mới hơn 25 năm nhưng đã nỗ lực bứt phá đi lên, đạt được nhiều thành tựu to lớn và tương đối toàn diện trên các lĩnh vực. “Những kết quả đạt được của TP. Đà Nẵng có thể nói là kỳ tích”, Chủ tịch Quốc hội nói và nhắc đến tốc độ đô thị hóa đạt tới 87%, hạ tầng xã hội thay đổi hoàn toàn, Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn của Việt Nam và thế giới; đạt được nhiều thành tựu trên lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
“TP. Đà Nẵng có “đặc sản” “5 không, 3 có, 4 an” – điều mà không địa phương nào đạt được”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ví dụ.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội chỉ ra: Dù chưa thành xu hướng nhưng nền kinh tế Đà Nẵng đã có một số biểu hiện của thiếu tính ổn định. Một số lĩnh vực kinh tế có chững lại.
Dù vậy, theo Chủ tịch Quốc hội, TP. Đà Nẵng cũng đã làm rất tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Quá trình phát triển có những vấp váp, trở ngại, khó khăn nhưng Đà Nẵng vẫn giữ vững được tinh thần đoàn kết. Bên cạnh đó, thành phố vẫn giữ được và trăn trở khát vọng phát triển; là một trong 5 thành phố trực thuộc trung ương đầu tiên được phê duyệt quy hoạch.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong TP. Đà Nẵng trong thời gian tới kiên định tập trung vào các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng thành phố lần thứ XXII đặt ra. Riêng năm 2023 cố gắng đạt các chỉ tiêu ở mức cao nhất có thể. Còn 2 năm cuối nhiệm kỳ bứt tốc để cả nhiệm kỳ 5 năm hoàn thành mức cao nhất.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, TP. Đà Nẵng cần sớm quán triệt, tổ chức triển khai Quy hoạch thành phố đã được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 1287 ngày 2/11/2023. Trong đó, chú trọng rà soát lại quy hoạch có liên quan đến các quy hoạch chung, quy hoạch ngành và phải được cụ thể hoá bằng quy hoạch sử dụng đất để triển khai được các dự án của thành phố.
“Đề nghị Đà Nẵng tập trung làm mới động lực tăng trưởng; tạo dựng năng lực sản xuất mới và động lực tăng trưởng mới”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh và cho rằng, nếu làm được điều này, Đà Nẵng sẽ không rơi vào những bẫy phát triển như một số địa phương.
Các Đại biểu tham dự buổi làm việc cùng trao đổi, góp ý những nội dung cơ chế, chính sách cho TP. Đà Nẵng phát triển trong thời gian tới |
Liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Đà Nẵng phát triển, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thành ủy Đà Nẵng sớm tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 43, báo cáo kết quả sơ kết lên Bộ Chính trị và xin cơ chế nội dung cụ thể. Trên cơ sở đó, Thành ủy Đà Nẵng đề xuất với Trung ương và Bộ Chính trị chỉ đạo, bàn bạc với Quốc hội, Ban cán sự Đảng, Chính phủ cho phép xây dựng Nghị quyết mới thay thế, bổ sung cho Nghị quyết 119.
Các cơ chế, chính sách đặc thù cho Đà Nẵng cần có sự trao đổi, nghiên cứu cùng với các bộ, ngành, các chuyên gia để nghiên cứu, trên cơ sở tham khảo các cơ chế của TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và phù hợp với đặc thù của TP. Đà Nẵng.
“Đà Nẵng phải huy động, tập hợp được các đội ngũ chuyên gia. Đảng đoàn Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sẵn sàng hỗ trợ Đà Nẵng sớm hoàn thành nội dung này. Cố gắng nếu hoàn thành trước thời điểm tháng 3/2024 thì có thể trình vào kỳ họp cuối năm 2024”, Chủ tịch Quốc hội nói và tin tưởng, nếu có các cơ chế, chính sách phù hợp thì Đà Nẵng sẽ có năng lượng phát triển cho giai đoạn mới, đạt được các mục tiêu như Nghị quyết 43 đã đưa ra...