Đà Nẵng cần đẩy mạnh tái cơ cấu công nghiệp gắn với công nghệ và đổi mới sáng tạo
Trang thông tin Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ Công Thương 11/11/2023 17:49
Tái cơ cấu ngành Công Thương để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kiểm tra tiến độ cảng Liên Chiểu |
Đà Nẵng cần đẩy mạnh tái cơ cấu công nghiệp
Phát biểu tại buổi làm việc của đoàn công tác do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu với Thành ủy Đà Nẵng chiều 11/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao những tiềm năng và cơ hội của TP. Đà Nẵng.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên góp ý, kiến nghị 6 nhóm nội dung để góp phần cùng TP. Đà Nẵng thực hiện thành công các mục tiêu Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị |
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, vẫn còn thiếu cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố phát triển. Hiện thành phố mới có Nghị quyết 119 nhưng còn nhiều vướng mắc.
Chia sẻ với những khó khăn của kinh tế Đà Nẵng những tháng đầu năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tin tưởng bằng truyền thống, kinh nghiệm, Đà Nẵng sẽ vào chu kỳ mới phát triển.
Qua theo dõi sự phát triển của thành phố, để thực hiện được các mục tiêu Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên góp ý, kiến nghị 6 nội dung chính.
Thứ nhất, Đà Nẵng đã có quy hoạch thành phố nhưng quy hoạch này ban hành sau một số quy hoạch ngành quốc gia. Đối với ngành Công Thương thì có 4 quy hoạch ngành đã được công bố đều gắn với thành phố Đà Nẵng. Đó là quy hoạch về điện; quy hoạch năng lượng; quy hoạch hạ tầng xăng dầu khí đốt quốc gia; quy hoạch về thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản.
“Đây là thời điểm rất cần thành phố rà soát lại để điều chỉnh quy hoạch của mình tương thích với các quy hoạch ngành quốc gia”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Thứ hai, TP. Đà Nẵng cần đẩy mạnh tái cơ cấu công nghiệp theo hướng gắn đổi mới mô hình tăng trưởng dựa vào công nghệ và đổi mới sáng tạo. Coi đây là động lực chính cho phát triển. Tập trung phát triển các ngành chủ lực mà Đà Nẵng đang có lợi thế như công nghiệp điện tử, thiết bị điện, công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo và các ngành tiêu dùng giá trị cao. Chú trọng thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghệ cao như: Công nghệ vi điện tử, công nghệ chíp, vi mạch bán dẫn, cơ khí chính xác, cơ khí điện tử, quang điện tử và tự động hóa.
“Đà Nẵng hiện đã là một trong những điểm góp phần cung ứng chuỗi sản phẩm linh kiện hàng không cho các hãng tàu bay lớn trên thế giới”, Bộ trưởng nêu rõ.
Thứ ba, tập trung đề xuất các cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng. Tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thu hút các nhà đầu tư lớn có uy tín, có năng lực về tài chính, công nghệ để phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ, có giá trị gia tăng cao.
Thứ tư, nghiên cứu đề xuất các cơ chế liên kết dịch vụ và liên kết vùng ở mọi cấp độ để khai thác lợi thế vị trí là giao điểm, là cửa ngõ về đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không với các địa phương, quốc gia trên hành lang kinh tế Đông Tây và Tiểu vùng sông Mê Kông. Trong đó, ưu tiên phát triển 2 trụ cột là công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo khởi nghiệp, công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông gắn với kinh tế số; trung tâm dịch vụ cảng biển, cảng hàng không gắn với dịch vụ logistics, trung tâm tài chính quốc tế.
Thứ năm, tập trung củng cố vai trò trung tâm kinh tế dịch vụ của vùng và cả nước nhằm khai thác lợi thế của một đô thị lớn.
Chú trọng phát triển 2 trụ cột tăng trưởng mới là thương mại điện tử và kinh tế đêm nhằm thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ, nâng cao giá trị gia tăng về kinh tế dịch vụ.
Đổi mới nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại. Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nhằm khai thác tối đa thị trường nội địa tiềm năng, đồng thời, đẩy mạnh xuất khẩu theo hướng chính ngạch. Chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm để tận dụng có hiệu quả các FTA mà Việt Nam đã tham gia.
Tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Tích cực tham gia các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại hàng tháng với các Thương vụ Việt Nam trên khắp thế giới. Đây là cơ hội để địa phương tiếp cận với diễn biến mới của thị trường các nước.
Cuối cùng, thúc đẩy cao nhất chương trình đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, kinh tế số, doanh nghiệp số để Đà Nẵng thực sự có vai trò tiên phong, dẫn dắt phát triển công nghệ quốc gia.
Tăng cường phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Khai thác tốt lợi thế là trung tâm giáo dục lớn nhất miền Trung – Tây Nguyên để xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng phù hợp với nhu cầu chuyển đổi cơ cấu phát triển kinh tế của địa phương và cả vùng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Thành ủy Đà Nẵng chiều 11/11 |
Cần chính sách đủ mạnh để phát triển công nghiệp bán dẫn
Liên quan đến các kiến nghị của địa phương, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Đà Nẵng không có đề xuất trực tiếp đến Bộ Công Thương nhưng có một số vấn đề liên quan đến ngành như đầu tư theo phương pháp đối tác công – tư (PPP) đối với dự án hạ tầng logistics quy mô từ 500 tỷ đồng trở lên, hay hạ tầng thương mại (bao gồm chợ, trung tâm hội chợ triển lãm…).
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Nghị định 63 năm 2018 cho phép áp dụng mô hình đối tác công tư với hạ tầng thương mại. Nhưng từ năm 2021, Nghị định 35 năm 2021 thay thế Nghị định 63, không còn lĩnh vực này, chỉ còn lĩnh vực điện. Tuy nhiên qua theo dõi thì việc áp dụng mô hình PPP trong các dự án logistics, hạ tầng thương mại (gồm chợ, trung tâm hội chợ triển lãm) là rất cần thiết. Có như vậy mới thu hút được nguồn lực xã hội đầu tư vào những lĩnh vực rất nhiều tiềm năng này của Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng. Hiện nay, Bộ Công Thương đã hoàn tất dự thảo trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 02 và Nghị định 114 về phát triển và quản lý chợ, trong đó đều đã đề xuất cơ chế này.
Đối với đề xuất cơ chế để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Bộ Công Thương rất đồng tình và ủng hộ TP. Đà Nẵng.
Bộ trưởng cũng nêu những số liệu cụ thể như: Mỹ khi ban hành Luật Chíp và chất bán dẫn đã đầu tư 280 tỷ USD. Riêng hỗ trợ trực tiếp cho các nhà sản xuất, chíp bán dẫn ở Mỹ là 39 tỷ USD; hỗ trợ cho đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu là 13,2 tỷ USD. Tương tự Trung Quốc, ngay từ năm 2014 đã chi 22 tỷ USD để hỗ trợ cho chương trình "made in China"; năm 2019 tiếp tục bỏ ra 31 tỷ USD cho chương trình này. Hàn Quốc gần đây có chính sách hỗ trợ 25 – 30% giảm tất cả các loại thuế cho những doanh nghiệp sản xuất tại chỗ và giảm 50% cho tất cả những đơn vị đào tạo, nghiên cứu về chíp bán dẫn.
Do đó, nếu không có những chính sách đủ hấp dẫn hơn những nước đang dẫn dắt "cuộc chơi" này như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc... thì rất khó có thể thu hút các nhà đầu tư này đến với thành phố.