Đắk Nông: Nông dân chủ động đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử Quảng Nam hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử |
Thương mại điện tử - đưa nông sản vượt khỏi “làng”
Theo kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số, thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu trong năm 2022, 80% sản phẩm OCOP có gian hàng số và có tài khoản thương mại điện tử trên sàn thương mại điện tử; 70% sản phẩm nông nghiệp của thành phố được quảng bá trên sàn thương mại điện tử; 50% hộ sản xuất nông nghiệp có gian hàng số trên sàn thương mại điện tử và có tài khoản thanh toán tiện tử.
Sản phẩm của cơ sở sản xuất, kinh doanh Tâm Nguyên được thành phố Đà Nẵng hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử giúp đơn vị tiêu thụ sản phẩm nhiều hơn |
Hiện thực hóa mục tiêu này, thời gian qua, Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng tích cực hỗ trợ các đơn vị có sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, mở rộng thị trường.
Là đơn vị có sản phẩm trà gừng được công nhận là sản phẩm OCOP của thành phố Đà Nẵng, hộ kinh doanh cơ sở Tâm Nguyên (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) đã được Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng hỗ trợ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm. Trong đó có hỗ trợ đơn vị đưa sản phẩm trà gừng lên sàn thương mại điện tử. Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Đại diện cơ sở cho biết đơn vị đã sản xuất trà gừng được 5 năm, nhưng mới đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Shoppe được hơn 1 năm. “Việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử đã giúp đơn vị tiếp cận với “tệp khách hàng” vô cùng rộng lớn, thị trường tiêu thụ được mở rộng, chúng tôi bán được nhiều hàng hơn”, bà Nguyệt chia sẻ.
Thiên Định Farm (phường Thanh Bình, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) là đơn vị trồng các loại rau củ quả theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, chuyên cung cấp thực phẩm cho các bếp ăn, khu du lịch, nhà hàng, hệ thống siêu thị… và có định hướng xuất khẩu. Để mở rộng thị trường, tiếp cận nhiều hơn với người tiêu dùng, đơn vị đã chủ động đưa sản phẩm của mình lên các sàn thương mại điện tử như Alibaba, Amazon,…ngoài ra, từ sự hỗ trợ của Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng, đơn vị đã đưa sản phẩm lên sàn Postmart.vn.
Ông Nguyễn Văn Giảng - Đại diện Thiên Định Farm cho biết, việc đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử thiết thực và hiệu quả đối với doanh nghiệp sản xuất nông sản. “Sàn thương mại điện tử không chỉ là kênh tiêu thụ sản phẩm an toàn, hiệu quả, mà còn giúp xây dựng thương hiệu nông sản, giúp cho việc truy xuất nguồn gốc nông sản, giúp cho các đơn vị tiêu thụ sản phẩm có thể theo dõi được lịch trồng trọt, chăm sóc và thu hoạch sản phẩm”, ông Giảng cho hay và thông tin thêm, nhờ giao dịch thương mại điện tử, đơn vị đã bước đầu kết nối được chuỗi nông sản. “Diện tích vùng nguyên liệu các sản phẩm nông sản còn chậm phát triển do thiếu hụt nguồn cung giống tốt để trồng mới và tổn thất sau thu hoạch còn lớn. Nhờ các sàn thương mại điện tử kết nối liên kết được chuỗi nông sản bước đầu đã được hình thành thu hút được người tiêu dùng quan tâm”, ông Giảng nói.
Ngoài mở rộng thị trường tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử, Thiên Định Farm còn tìm được nguồn cung giống tốt và bước đầu hình thành chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản |
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử
Ông Nguyễn Kim Dũng – Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng cho biết đẩy mạnh đưa sản phẩm nông sản của các hộ sản xuất trên địa bàn thành phố lên sàn thương mại điện tử, đơn vị đã phối hợp với Bưu điện Việt Nam hỗ trợ các sản phẩm quảng bá, tiêu thụ trên sàn Postmart.vn từ tháng 4/2022. Kết qủa bước đầu, đến nay, Hội đã phối hợp tổ chức tập huấn cho khoảng hơn 700 hội viên và cán bộ nông dân trong công tác đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Đã có 351 hộ sản xuất có tài khoảng trên sàn Postmart.vn.
Bên cạnh những kết quả tích cực bước đầu, không ít sản phẩm nông nghiệp thành phố Đà Nẵng vẫn còn gặp khó khăn khi thai thác kênh bán hàng qua sàn thương mại điện tử. Như nhóm hàng thủy hải sản tươi sống, thực phẩm đông lạnh, rau củ tươi, hàng công nghệ thực phẩm gặp khó trong vận chuyển, bảo quản để đảm bảo đến tay người tiêu dùng giá cả phù hợp, chất lượng đảm bảo.
Đa số các hộ nông dân tại thành phố Đà Nẵng là những hộ sản xuất nhỏ lẻ, tự sản tự tiêu, không có đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu, không có chứng nhận an toàn thực phẩm, OCOP....
Các cơ sở kinh doanh, chế biến nông sản theo quy mô hộ gia đình, sản xuất nhỏ lẻ, hạn chế cả về quy mô sản xuất lẫn kinh nghiệm quản trị hiện đại như kỹ năng marketing, đặc biệt là marketing online, nên cách đăng tin giới thiệu sản phẩm chưa gây được ấn tượng với khách hàng; chưa biết cách xây dựng hình ảnh sản phẩm; chăm sóc khách hàng, các hình thức cam kết…. Vì vậy, đến nay vẫn còn nhiều hộ sản xuất chưa mạnh dạn đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử mà vẫn chọn bán hàng theo kênh truyền thống.
Nhiều hộ sản xuất nông sản tại thành phố Đà Nẵng vẫn gặp khó và chưa mạnh dạn đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử mà chủ yếu bán hàng qua kênh truyền thông (offline) (Ảnh minh họa: Một cừa hàng bán thực phẩm sạch tại thành phố Đà Nẵng) |
Ông Đào Sỹ Toàn – Phó Giám đốc Bưu điện thành phố Đà Nẵng, cho biết, trong năm 2021, Bưu điện thành phố Đà Nẵng đã phối hợp với các sở, ngành của thành phố cập nhật thông tin 1.580 hộ sản xuất nông nghiệp Đà Nẵng lên cổng thông tin của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam. Trong năm 2022, Bưu điện Đà Nẵng đã ký kế hoạch"Thỏa thuận hợp tác giữa Hội nông dân Việt Nam và Bưu điện Việt Nam về việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021-2025" năm 2022 tại địa bàn thành phố Đà Nẵng."
Theo ông Toàn, mặc dù kênh thương mại điện tử ngày càng phát triển nhưng các hộ sản xuất nhỏ, sản xuất nông sản tiếp cận kênh này còn hạn chế. Đến nay, Bưu điện Đà Nẵng đã cập nhật hơn 100 sản phẩm của các đơn vị có sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đưa lên sàn Postmart.vn miễn phí. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đưa toàn bộ sản phẩm OCOP của thành phố nói riêng, đưa các sản phẩm nông sản của Đà Nẵng nói chung lên sàn thương mại điện tử để hỗ trợ nông dân quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; tạo hệ sinh thái mua bán trao đổi hàng hóa”, ông Toàn cho hay.
Để đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử hiệu quả hơn, ông Nguyễn Văn Giảng - Chủ cơ sở Thiên Định Farm cho rằng ngoài việc hoàn thiện sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm thì các cơ sở sản xuất nhân rộng và phát triển hình thức liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản, theo chuỗi thông qua hợp đồng mà doanh nghiệp giữ vai trò hạt nhân cung ứng đầu vào sản xuất và thu mua cho nông dân. Bên cạnh đó, tăng cường sự liên kết giữa sàn thương mại điện tử với các nhà sản xuất trong chuỗi cung ứng dựa trên sự liên kết theo hướng từ farm đến tay người tiêu dùng để giảm được nhiều chi phí khác. |