Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử: Công nghệ số là nền tảng Đắk Nông: Hơn 14,6 tỷ đồng nâng cấp hệ thống thông tin thị trường nông sản |
Bà Nguyễn Thị Ngọc Sen ở phường Nghĩa Đức (TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) đầu tư xây dựng gần 5.000 m2 nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt, máy đo độ ẩm, nhiệt độ… để sản xuất dưa lưới. Bà Sen sản xuất theo hình thức gối đầu, duy trì mỗi tháng cung cấp ra thị trường khoảng 3 tấn dưa lưới các loại. Giá bán dưa lưới chịu nhiều tác động bởi thị trường, chính vì thế, việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Sản phẩm làm ra chủ yếu được bỏ mối cho những cửa hàng hoặc giao lẻ trực tiếp cho các khách quen. Từ khi tham gia sàn thương mại điện tử “Postmart.vn” gia đình bà có thêm kênh bán hàng, dưa lưới có thêm cơ hội để tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng.
Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử giúp nông dân tỉnh Đắk Nông có thêm kênh tiêu thụ sản phẩm, chủ động hơn trong việc tìm đầu ra cho nông sản |
Theo bà Sen, đối với những nông dân đã quen cách làm cũ, quen với phương thức bán lẻ truyền thông nên khi tiếp cận với kênh bán hàng online vẫn sẽ bỡ ngỡ. Tuy nhiên, với việc cạnh tranh đầu ra ngày càng lớn, để làm chủ được việc tiêu thụ sản phẩm, việc kinh doanh trên sàn thương mại điện tử sẽ là một trong những “cứu cánh”.
“Quảng bá, giới thiệu trên sàn thương mại điện tử sẽ tạo cơ hội tiếp cận và mở rộng thị trường đầu ra cho nông sản. Việc thị trường ổn định giúp tôi chủ động được sản xuất và tăng hiệu quả đầu tư”, bà Sen chia sẻ và cho biết bà đã bán trên trên sàn thương mại điện tử được một thời gian và ngày càng nhận được nhiều đơn đặt hàng. “Tôi đã quen với việc chốt đơn, đóng gói và liên hệ đơn vị giao hàng để thực hiện các công đoạn tiếp theo”, bà Sen vui vẻ nói.
Anh Đàm Văn Tiến, ở bản Cao Lạng, xã Đắk Gằn (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) có hơn 1ha xoài. Cuối năm 2020, anh Tiến tham gia vào Hợp tác xã xoài Đắk Gằn. Từ đó, anh áp dụng quy trình sản xuất xoài theo quy trình VietGAP.
Anh Tiến chia sẻ: "Quy trình VietGAP giúp tôi bảo đảm sức khỏe. Sản phẩm làm ra cũng sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Tôi rất tự tin khi đưa sản phẩm ra thị trường". Hợp tác xã xoài Đắk Gằn đã tập hợp những người sản xuất trên địa bàn lại, sản xuất theo quy trình chuẩn VietGAP và hình thành vùng nguyên liệu 343ha. Hợp tác xã đã thay đổi quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm tuy nhiên thị trường tiêu thụ vẫn là bài toán khó với nông dân và hợp tác xã.
Ông Hà Quang Đạo, Giám đốc hợp tác xã cho biết, nông dân chủ yếu tập trung vào sản xuất nên việc tiếp cận thị trường khá khó khăn, nhất là khi nông sản thu hoạch với số lượng lớn. Tháng 4 vừa qua, sản phẩm xoài Ðắk Gằn đã chính thức được chào bán trên sàn thương mại điện tử. Thị trường mới đã mở ra cơ hội nâng cao giá trị kinh tế cho người trồng xoài trên địa bàn. Hiện nay, hợp tác xã đã có một đội ngũ chuyên bán hàng trên sàn thương mại điện tử để chủ động tiếp cận các đối tượng khách hàng.
Giá trị nông sản sẽ được gia tăng khi chuẩn hóa trong khâu sản xuất cũng như số hóa trong khâu tiêu thụ, mở rộng thị trường |
Thực hiện chuyển đổi số, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân tham gia các sàn thương mại điện tử. Để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, mới đây, UBND tỉnh ban hành Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh năm 2022”. Mục tiêu đến năm 2025, trên 50% doanh nghiệp của tỉnh được cấp tài khoản trên hệ sinh thái xúc tiến thương mại số và 20% trong số này có phát sinh giao dịch và chia sẻ thông tin. Tỉnh Đắk Nông đã hỗ trợ lên sàn thương mại điện tử cho 125 sản phẩm; trong đó, có 35 sản phẩm OCOP và 90 sản phẩm nông nghiệp khác. Tổng số hộ sản xuất nông nghiệp đã được số hóa thông tin là 21.055 hộ, đạt 27%.
Theo ông Nguyễn Minh Tấn, Giám đốc khách hàng doanh nghiệp, Chi nhánh Viettel Đắk Nông, toàn tỉnh đã có trên 300 hộ sản xuất được đơn vị hỗ trợ và đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử “Voso.vn”, đạt tổng doanh thu trên 2 tỷ đồng.