Đà Nẵng: Phạt cơ sở mượn danh hoạt động từ thiện bán hàng chế biến sẵn qua mạng Tiểu thương Đà Nẵng cổ vũ chống dịch bằng áo đồng phục Đà Nẵng: Xử lý cửa hàng cố tình bán hàng mang đi |
Để đảm bảo an toàn thực phẩm và đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch, nhất là hạn chế nhiễm chéo, các khu cách ly Đà Nẵng không trực tiếp tiếp nhận lương thực, thực thực phẩm chế biến sẵn |
Các khu cách ly không trực tiếp nhận lương thực, thực phẩm chế biến sẵn, vì sao?
Từ thời điểm Đà Nẵng bùng phát lại “làn sóng” dịch bệnh Covid – 19 lần thứ 2, bên cạnh sự vào cuộc của chính quyền, các lực lượng tuyến đầu chống dịch, thì người dân, doanh nghiệp chính là những “hậu phương” vững chắc, “tiếp sức” cho tuyến đầu với những hành động cụ thể, thiết thực nhất. Trong đó, ngoài việc tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội, người dân, doanh nghiệp đã “tùy theo sức của mình” liên tục hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm và thực phẩm thiết yếu cho các bệnh viện bị phong tỏa, bệnh viện dã chiến, các khu cách ly tập trung, các khu vực bị phong tỏa.
Tuy nhiên, đến ngày 06/8, TP. Đà Nẵng chính thức đề nghị các tổ chức, cá nhân không hỗ trợ trực tiếp lương thực, thực phẩm đến các cơ sở y tế và các khu phong tỏa, cơ sở cách ly tập trung.
Lý giải về quyết định này, chính quyền TP. Đà Nẵng cho rằng hiện tình hình dịch bệnh đang diễn ra hết sức phức tạp, lượng người tiếp xúc gần được cách ly tăng cao, lực lượng y tế cũng đã trải ra khắp các điểm nóng. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, trong 10 ngày đến là cao điểm của dịch Covid-19, do vậy ngày 06/8/2020, UBND thành phố đã có Công văn số 5212/UBND-VHXH để triển khai một số nội dung liên quan đến công tác này. Việc tăng cường công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, không nhận trực tiếp thực phẩm (nhất là thức ăn chế biến sẵn) tại các địa điểm cách ly, phong tỏa, các cơ sở y tế là cần thiết, nhằm đảm bảo không để xảy ra các sự cố liên quan đến thực phẩm do quá trình chế biến, vận chuyển... Tránh tiếp xúc gần giữa các lực lượng chức năng tại các khu phong tỏa, cách ly, các cơ sở y tế (những người tiếp xúc gần với các nguồn bệnh) và những người đem thực phẩm đến các địa điểm này. Hiện nay, thành phố vẫn ghi nhận những ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, nếu không kiểm soát được an toàn vệ sinh thực phẩm các suất ăn sẽ đưa vào các khu phong tỏa, cách ly, các cơ sở y tế, rất có thể sẽ đem theo nguồn bệnh vào những nơi này, như trường hợp đã từng xảy ra tại một số địa phương.
Theo tiểu ban truyền thông – Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid – 19 TP. Đà Nẵng, chính quyền thành phố tiếp tiếp tục kêu gọi các tổ chức, cá nhân làm thiện nguyện cần phối hợp với các đầu mối của thành phố tại: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố, UBMTTQVN các quận, huyện, xã, phường… để thực hiện việc hỗ trợ, phân phối đều hơn, đến đúng địa chỉ hơn và đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch.
Đối với việc cung cấp thực phẩm, các tổ chức, các nhân có thể phối hợp với các bếp ăn đã được kiểm định về vệ sinh an toàn thực phẩm; tài trợ thông qua các doanh nghiệp cung cấp suất ăn công nghiệp đang cung cấp cho các bệnh viện, khu cách ly.
Các đơn vị cung cấp suất ăn cho khu cách ly, cơ sở y tế phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về an toàn thực phẩm cũng như quy định phòng chống dịch |
Cung cấp suất ăn cho khu cách ly phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về an toàn thực phẩm
Ông Nguyễn Tấn Hải – Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP. Đà Nẵng cho biết, trong bối cảnh dịch Covid – 19 đang diễn biến phức tạp, thì việc cung cấp thực phẩm cho các khu cách ly, phong tỏa, cơ sở y tế không chỉ phải đảm bảo an toàn thực phẩm, mà còn phải đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch Covid – 19, đặc biệt là không được để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo.
Các đơn vị cung cấp suất ăn cho các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa phải là được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định. Đơn vị phải bảo bảo quy định về an toàn thực phẩm đối với các diều kiện cơ sở cụ thể như cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, người trực tiếp chế biến, nguồn nguyên liệu (thực phẩm phải rõ nguồn gốc, nhãn mác đúng quy định, đầy đủ và còn hạn sử dụng), nước sử dụng chế biến. Các thiết bị, phương tiện vận chuyển, bảo quản thực phẩm phải bảo đảm vệ sinh và không gây ô nhiễm chéo cho thực phẩm trong quá trình vận chuyển đến nơi cung cấp thức ăn. Thời gian từ sau khi nấu chín đến khi ăn không quá 2 giờ. Đồng thời phải thực hiện kiểm thực ba bước và lưu mẫu thực phẩm theo quy định đối với trường hợp cung cấp trên 30 suất ăn nhằm phục vụ công tác điều tra trong trường hợp có ngộ độc thực phẩm xảy ra.
Các cơ sở cách ly, phong tỏa cần nắm danh sách cụ thể các tổ chức, cá nhân hiện đang cung cấp suất ăn cho cơ quan, đơn vị bao gồm tên cơ sở, chủ cơ sở, địa chỉ, số điện thoại, email; nhân sự phụ trách chế biến suất ăn, người tiếp nhận, phân phát thức ăn (tên, số điện thoại, email).
Để đảm bảo hạn chế thấp nhất rủi ro về an toàn thực phẩm, Phó Chủ tịch UBND Tp. Đà Nẵng Lê Trung Chinh cũng đã có yêu cầu Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan có phương án kiểm tra, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm tươi sống, chế biến sẵn tại các cơ sở y tế, các khu cách ly tập trung.