Ngày 24/11, tại TP. Đà Nẵng, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng) tổ chức nghiệm thu, bàn giao máy móc thiết bị (đợt 1) theo chương trình khuyến công năm 2023 cho các đơn vị, doanh nghiệp thụ hưởng trên địa bàn thành phố.
|
Trong đợt 1 năm 2023, có 9 đơn vị, doanh nghiệp được thụ hưởng hỗ trợ theo chương trình khuyến công TP. Đà Nẵng với tổng số tiền hỗ trợ là hơn 1,864 tỷ đồng |
Trong đợt bàn giao này, chương trình khuyến công hỗ trợ máy móc thiết bị cho 9 đơn vị, doanh nghiệp theo diện khuyến công địa phương với tổng kinh phí đầu tư hơn 10 tỷ đồng. Trong đó, nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ hơn 1,864 tỷ đồng; vốn đóng góp của doanh nghiệp là hơn 8,136 tỷ đồng.
Cụ thể, hỗ trợ 2 doanh nghiệp xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp gồm công ty TNHH Sản xuất bao bì carton Hòa Bình (KCN Hòa Cầm, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ); và Công ty TNHH sản xuất keo dán vải nhám Bá Lộc (KCN Hòa Khánh, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu). Mức hỗ trợ 300 triệu đồng/đơn vị (Tổng kinh phí thực hiện gần 5,06 tỷ đồng, trong đó, chương trình khuyến công hỗ trợ 600 triệu đồng, vốn đối ứng của doanh nghiệp gần 4,46 tỷ đồng).
Hỗ trợ 7 đơn vị xây dựng mô hình trình diễn, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp; sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ, lưu niệm, du lịch, gồm: Công ty CP Thiết kế mỹ thuật P.A.D (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang); Hộ Kinh doanh Quỳnh Tâm (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang); Hộ kinh doanh Mayaca Coffee (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang); Công ty TNHH Thương mại sản xuất U&I Phương Quân (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang); Công ty TNHH Lưu niệm quà Việt Conomi (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê); Công ty CP Thương mại và Sản xuất Asia Green (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) và Công ty TNHH Hoàng Anh Hana Vina (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang).
|
Từ sự hỗ trợ của chương trình khuyến công, nhiều doanh nghiệp Đà Nẵng đã mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm trong bối cảnh sản xuất hiện đang rất khó khăn |
Là đơn vị được thụ hưởng nguồn kinh phí khuyến công để đầu tư máy in Flexo 4 màu cho sản xuất sạch hơn, ông Võ Thanh Sơn - Giám đốc công ty TNHH Sản xuất bao bì carton Hòa Bình cho biết, hiện công ty sử dụng in Lụa in hoàn toàn bằng thủ công, với sản lượng khoảng 2.300 tấn, tỷ lệ hao hụt phế phẩm chiếm khoảng 8% (tương đương 180 tấn phế phẩm). Khi áp dụng công nghệ của máy in Flexo 4 màu sẽ làm giảm tỷ lệ hao hụt xuống chỉ còn khoảng 4 – 5%, giúp giảm 90 tấn phế phẩm/năm. Bên cạnh đó, việc tự động hóa máy móc cũng giúp đáp ứng tăng năng suất sản xuất 100% do tăng mạnh về tốc độ in. “Năm 2023 là một năm đặc biệt khó khăn với doanh nghiệp. Tuy nhiên, càng những lúc thế này càng cần phải đổi mới công nghệ, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Từ sự hỗ trợ bởi nguồn khuyến công của thành phố, doanh nghiệp chúng tôi mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc mới để sản xuất sạch hơn. Đây là nguồn hỗ trợ rất thực tế và ý nghĩa với doanh nghiệp thời điểm này”, ông Sơn chia sẻ.
Bà Ngô Trần Thụy Linh – Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Cẩm Lệ cho biết, trong bối cảnh kinh tế năm 2023 có nhiều khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, thì sự hỗ trợ của nguồn vốn khuyến công đã tạo động lực và động viên doanh nghiệp tìm giải pháp vượt khó, tăng năng suất sản xuất, tìm chỗ đứng vững hơn trên thị trường khi cạnh tranh ngày càng cao. “Quận Cẩm Lệ mong muốn trong thời gian tới, Sở Công Thương và Trung tâm Khuyến công, Xúc tiến thương mại thành phố sẽ tiếp tục có những hỗ trợ, để có thêm nhiều doanh nghiệp của quận nói riêng, của thành phố nói riêng được thụ hưởng hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất”, bà Linh nói.
|
Bà Nguyễn Thị Thúy Mai – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng cho biết, nếu các doanh nghiệp phát huy hỗ trợ hiệu quả thì có thể tiếp tục được hỗ trợ thêm nhiều lần tiếp theo |
Bà Nguyễn Thị Thúy Mai – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng cho biết, năm 2023, thành phố dành sự quan tâm nhiều hơn cho chương trình khuyến công và phát triển sản phẩm lưu niệm du lịch. Tổng kinh phí cho các hoạt động này năm 2023 là 4,5 tỷ đồng. Đây là sự động viên và quan tâm rất lớn cho các doanh nghiệp thành phố. Ngoài hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư máy móc, đánh giá sản xuất sạch hơn, chương trình năm nay còn hỗ trợ doanh nghiệp đăng kí nhãn hiệu độc quyền, hỗ trợ tư vấn thiết kế mẫu mã bao bì, hỗ trợ tham gia các hội chợ triển lãm để xúc tiến thương mại… “Ngoài đợt hỗ trợ này, trong năm 2023, còn 2 đợt hỗ trợ doanh nghiệp sẽ được triển khai. Và không phải mỗi doanh nghiệp chỉ được hỗ trợ 1 lần, nếu doanh nghiệp hoạt động tốt, phát huy hiệu quả hỗ trợ và có phương án mở rộng sản xuất kinh doanh khả thi thì có thể tiếp tục được thụ hưởng chương trình thêm các lần tới”, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng chia sẻ và mong muốn trong thời gian tới các doanh nghiệp sẽ phát huy được hiệu quả của các máy móc thiết bị đã được hỗ trợ, từ đó, nâng cao năng lực sản xuất, tạo sản phẩm mới chất lượng có tính cạnh tranh, sản xuất sạch hơn và đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của quận, huyện và thành phố.
Một số hình ảnh bàn giao máy móc, thiết bị sáng 24/11:
|
Hệ thống máy in Flexo 4 màu của Công ty TNHH Sản xuất bao bì carton Hòa Bình với tổng mức đầu tư 3,86 tỷ, trong đó, khuyến công địa phương hỗ trợ 300 triệu đồng. |
|
Hệ thống máy dán cạnh tự động của Công ty CP thiết kế mỹ thuật P.A.D với tổng mức đầu tư hơn 919 triệu đồng, trong đó, chương trình khuyến công hỗ trợ hơn 265 triệu đồng. |
|
Hệ thống máy sản xuất thực phẩm (chế biến rượu đông trùng hạ thảo) của Hộ kinh doanh Quỳnh Tâm với tổng kinh phí đầu tư 99 triệu đồng, trong đó, chương trình khuyến công hỗ trợ 45 triệu đồng. |
|
Hệ thống máy móc trong sản xuất, chế biến cà phê của Hộ kinh doanh Mayaca Coffee Roastery với tổng mức đầu tư 599 triệu đồng, trong đó, chương trình khuyến công hỗ trợ 173 triệu đồng. |
|
Hệ thống sản xuất than củi ép (tạo than sinh học) của công ty TNHH Thương mại sản xuất U&I Phương Quân có tổng mức đầu tư hơn 2,268 tỷ đồng, trong đó, riêng chương trình khuyến công Đà Nẵng "cho không" doanh nghiệp hơn 441 triệu đồng |