Đến với thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái nhân dịp này, du khách được hòa mình vào Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đồng thời khám phá thưởng thức những đặc sản nổi tiếng nơi đây.
Đặc sản tỉnh Yên Bái không mang đậm hương vị núi rừng |
Đặc sản tỉnh Yên Bái không chỉ mang đậm hương vị núi rừng mà còn mang phong vị riêng của đồng bào các dân tộc Thái, Tày, Mường, Mông…
Xôi và cốm tan Tú Lệ
Nếp tan Tú Lệ, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái là đặc sản trời cho mà không ở vùng cao nào có được. Bởi thế nên dù có chế biến thành món ăn nào đi chăng nữa thì nó cũng vô cùng thơm ngon. Một trong những món ngon ấy là cốm Tú Lệ. Để làm ra những hạt cốm còn giữ nguyên được hương vị đậm đà, thơm dịu đầy sức quyến rũ mang nét đặc trưng của vùng cao tỉnh Yên Bái, bà con người Thái nơi đây đã phải rất công phu.
Lúa nếp - nguyên liệu làm cốm Tú Lệ |
Cốm Tú Lệ, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái dẻo thơm ngon đặc trưng |
Theo kinh nghiệm của người Thái, khi lúa khum ngọn, hãy còn nguyên sữa thì cũng là lúc gặt đem về làm cốm. Lúa để làm cốm không được vò hay đập mà phải tuốt, sàng bỏ rơm và những hạt thóc lép, đem đãi qua nước rồi cho vào chảo rang. Bếp lò để rang cốm thường phải đắp xỉ than nhưng không đốt than mà dùng củi. Cốm Tú Lệ ngày nay đã trở thành một mặt hàng thương phẩm được nhiều thực khách xa gần ưa chuộng, trở thành món quà quê để mọi người gửi biếu bạn bè, người thân.
Xôi ngũ sắc dẻo, mềm, vị ngọt thanh |
Trong khi đó xôi ngũ sắc hội tụ được những giá trị truyền thống và hiện đại, mang ý nghĩa về quan niệm vũ trụ, triết lý âm dương và ý nghĩa nhân sinh cao đẹp. Xôi chín được đơm vào đĩa hoặc trình bày theo từng ý tưởng khác nhau với 5 màu. Năm màu được ghép trên một mâm xôi hình cánh hoa ban thì tượng trưng cho thuyết âm dương Ngũ hành, đồng thời thể hiện khát vọng yêu thương, tình yêu son sắt thuỷ chung, lòng yêu mẹ kính cha của đồng bào dân tộc Thái Tây Bắc. Món xôi dẻo mềm, mùi rất thơm, ăn vào có vị ngọt thanh. Khi dùng chung với đậu phộng bùi bùi hay nước cốt dừa béo ngậy càng làm nổi bật lên hương vị khó cưỡng.
Muồm muỗm rang, đặc sản Mường Lò
Ở Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái cứ đến mùa gặt là muồm muỗm lại xuất hiện rất nhiều. Có rất nhiều cách để chế biến món ăn ngon từ muồm muỗm. Song muồm muỗm rang giòn vẫn là đặc sản của Mường Lò vùng Tây Bắc.
Muồm muỗm rang chín là một trong những món ăn đặc trưng của tỉnh Yên Bái |
Để chế biến món muồm muỗm rang giòn phải qua 4 khâu cơ bản là “Vặt cánh, bẻ chân, ngắt đầu, rút ruột”. Xong khâu “làm lông”, muồm muỗm được rửa sạch, để ráo nước rồi cho vào chảo. Muồm muỗm rang chín có màu vàng sậm, rất thơm, khi ăn ta có thể cảm nhận vị giòn tan, bùi béo, thơm nồng trong miệng, cảm giác thật tuyệt.
Chè Shan Tuyết Suối Giàng
Du khách đã từng lên thăm xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đều không khỏi ngỡ ngàng trước bạt ngàn những cây chè cổ thụ có tuổi đời 200 tuổi, đến 300 tuổi. Giống chè Shan tuyết càng già, thân càng trắng mốc, tạo hình uốn lượn xù xì, lá càng xanh ngắt một vẻ đẹp tự nhiên là điều thích thú cho những ai ham thích tự nhiên.
Chè Shan Tuyết là thức uống thơm ngon bậc nhất |
Chè Shan Tuyết cổ thụ Suối Giàng xưa nay được xem là một trong những thức uống thơm ngon bậc nhất so với sản phẩm từ tất cả các vùng chè trên cả nước. Lá và búp chè Shan tuyết to khác hẳn với các loại chè khác. Búp có màu trắng xám, nhìn giống như có một lớp phấn hoặc lông như bông tuyết nên người dân gọi là chè tuyết - giống chè shan lưu niên hội tụ cả ba yếu tố hương thơm, vị đậm, nước xanh. Điều đặc biệt là, từ khi thu hoạch đến khi chế biến đều dựa vào phần lớn phương pháp thủ công của người Mông nơi đây.