Vinh danh “Nghệ thuật Xòe Thái”Xòe Thái trở thành Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại |
Cũng trong dịp này tỉnh Yên Bái tổ chức Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.
Biểu diễn nghệ thuật Xoè Thái |
Trong khuôn khổ sự kiện Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Lễ hội Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò diễn ra từ ngày 22/9 đến hết ngày 29/9/2022, tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã và sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa, du lịch hưởng ứng diễn ra từ đầu tháng 8/2022 đến hết tháng 12/2022.
Tại thị xã Nghĩa Lộ nơi tổ chức Lễ đón nhận Bằng của UNESCO còn có các hoạt động như trưng bày và trình diễn văn hóa các dân tộc; Hội chợ sản phẩm OCOP đặc sản các vùng, miền và văn hóa ẩm thực năm 2022 với sự tham gia của 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP.Hồ Chí Minh; Triển lãm Ảnh Di sản nghệ thuật Xoè Thái và ảnh đẹp du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng.
Đặc biệt, điểm nhấn của sự kiện là Chương trình nghệ thuật với chủ đề "Xòe Thái - Tinh hoa miền di sản" có sự tham gia của trên 3.000 diễn viên, nghệ nhân, nhân dân, trong đó màn đại xòe quy mô 2.022 người.
Lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái nhấn mạnh, để buổi các hoạt động đón nhận bằng và các chương trình lễ hội, nghệ thuật được diễn ra chu đáo, an toàn địa phương sẽ tăng cường đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông; vấn đề duy trì và bảo tồn Nghệ thuật Xoè Thái trong thời gian tới; công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tổ chức Lễ hội…
Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái tổ chức buổi họp báo Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Lễ hội Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò |
Xòe là một loại hình vũ đạo của Việt Nam với những động tác biểu tượng cho các hoạt động của con người và được thực hành trong nghi lễ, văn hóa, đời sống và công việc. Xòe được trình diễn trong các nghi lễ, đám cưới, lễ hội bản mường truyền thống và các hoạt động của cộng đồng.
Có 3 loại hình Xòe: Xòe nghi lễ, Xòe vòng và Xòe trình diễn. Xòe nghi lễ và Xòe trình diễn được gọi theo tên các đạo cụ sử dụng như: Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe nhạc, Xòe gậy, Xòe hoa... Xòe vòng phổ biến nhất, là màn đồng diễn mà người Xòe nối thành vòng tròn trong sự hòa đồng với tất cả mọi người. Các động tác múa cơ bản của Xòe là tay giơ lên cao, mở ra, hạ xuống, nắm tay người bên cạnh cùng bước chân nhịp nhàng. Người hơi ưỡn ngực, lưng ngả về phía sau.
Mặc dù các động tác múa đơn giản nhưng biểu trưng cho khát vọng về sức khỏe và hòa hợp của cộng đồng. Những động tác múa uyển chuyển hòa với âm nhạc của các nhạc cụ như tính tẩu, kèn loa, khèn bè, trống, chiêng, chũm chọe, pí pặp, bẳng bu, mák hính.
Những nhạc cụ cùng với bài hát, trang phục áo cóm, âm thanh phát ra từ trang sức bạc đeo quanh thắt lưng của người phụ nữ Thái. Xòe được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong gia đình, các đội văn nghệ, trường học. Xòe trở thành biểu tượng của lòng hiếu khách và như là một dấu ấn văn hóa quan trọng của người Thái ở Tây Bắc Việt Nam.
Xòe được thực hành tại các bản của người Thái chủ yếu ở 4 tỉnh: Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên Trung tâm của Xòe có thể được coi ở Mường Lò (Yên Bái), Mường So (Lai Châu), Mường Lay và thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên), Thuận Châu (Sơn La).
Từ năm 2016, tỉnh Yên Bái và các tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Lai Châu đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật Xòe Thái” đệ trình UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ngày 15/12/2021, tại phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 16 của UNESCO diễn ra tại Thủ đô Paris (Cộng hòa Pháp), di sản Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. |