Sớm thành lập Hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam
Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có quyết định công nhận Ban vận động thành lập Hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam.
Theo đó, Ban vận động thành lập Hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam gồm 16 thành viên do ông Võ Kim Cự - Chủ tịch Hội đồng quản lý, Viện trưởng Viện bảo tồn và Phát triển sâm Ngọc Linh Việt Nam, nguyên Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam làm Trưởng ban.
Ông Võ Kim Cự (bên phải) làm Trưởng ban vận động thành lập Hiệp hội sản xuất Sâm Việt Nam |
Ban vận động thành lập Hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam có nhiệm vụ vận động công dân, tổ chức đăng ký tham gia Hiệp hội và hoàn chỉnh hồ sơ xin phép thành lập Hiệp hội gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập theo quy định của pháp luật.
Ban vận động thành lập Hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam tự giải thể sau khi Đại hội thành lập Hiệp hội và bầu ra Ban lãnh đạo Hiệp hội.
Ông Võ Kim Cự cho biết, để sâm Việt Nam nói chung và sâm Ngọc Linh nói riêng đủ sức cạnh tranh, Việt Nam cần có chuỗi giá trị từ nghiên cứu khoa học đến sản xuất giống, thu mua, sản xuất chế biến và thương mại.
“Để làm được như vậy cần có Hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam, nơi đây sẽ có đầy đủ các thành phần, vùng miền cùng chung tay hợp tác, đoàn kết để đưa sâm Việt Nam thành sản phẩm của quốc gia", ông Cự chia sẻ và cho biết thêm, việc này là phù hợp với Quyết định 611 của Thủ tướng chính phủ về Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 nhằm tạo điều kiện để sâm Việt Nam trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc gia và có uy tín trên thị trường quốc tế.
Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm tại phiên chợ sâm Ngọc Linh tỉnh Kon Tum |
Ngày 13/7, Bộ Nội vụ có công văn gửi các ban, bộ và các địa phương về việc lấy ý kiến thành lập Hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam. Bộ đề nghị các cơ quan tham gia ý kiến bằng văn bản về hồ sơ đề nghị thành lập hiệp hội có nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý theo quy định.
Nên bổ sung thành viên tại một số địa phương vào Ban vận động thành lập Hiệp hội
Liên quan đến việc thành lập Hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam, ông Trần Út - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, Sở vừa có văn bản tham gia ý kiến gửi Bộ Nội vụ.
Theo ông Trần Út, việc thành lập Hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam là cần thiết nhằm đảm bảo quyền lợi cho các cá nhân, tổ chức của hiệp hội, thông qua Hiệp hội sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc triển khai các kế hoạch, chương trình để phát triển sản xuất sâm Việt Nam.
Quảng Nam là tỉnh có tiềm năng rất lớn để phát triển sản xuất sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) và các loại cây dược liệu khác; là đơn vị chủ lực triển khai Chương trinh phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 (theo Quyết định số 611/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Hơn nữa, hiện nay số lượng các doanh nghiệp, cá nhân tham gia sản xuất sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam là khá nhiều.
Quảng Nam có nhiều doanh nghiệp, cá nhân tham gia sản xuất Sâm Ngọc Linh |
“Tuy nhiên, qua nghiên cứu hồ sơ vận động thành lập, không có các tổ chức, cá nhân (các Doanh nghiệp, Hội sâm núi Ngọc Linh và quế Trà My,...) ở Quảng Nam tham gia vào Ban vận động thành lập Hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam, xét thấy nội dung này chưa hợp lý. Vì vậy, kính đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu bổ sung nội dung này”, Sở Nông nghiệp và Nông thôn tỉnh Quảng Nam nêu ý kiến.
Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cũng cho rằng, việc lập Hiệp hội là cần thiết, tuy nhiên thành viên trong ban vận động thành lập Hiệp hội thì ở Quảng Nam lại chưa có một cá nhân nào tham gia, dù huyện Nam Trà My có hơn hai mươi doanh nghiệp đầu tư vào trồng Sâm Ngọc Linh. Vì vậy, huyện đề nghị tỉnh Quảng Nam có một tiếng nói chung để kết nạp một số doanh nghiệp chuyên trồng sâm trên địa bàn tỉnh, kể cả một số hộ chốt trồng sâm trên địa bàn huyện, có như vậy mới đảm bảo thiết thực, hiệu quả của hiệp hội này. Khi doanh nghiệp tham gia vào ban vận động thì sẽ có nhiều cơ hội để tuyên truyền, quảng bá và kể cả đầu tư lâu dài vào sâm Ngọc Linh.
Với sự tham gia của các địa phương, doanh nghiệp liên quan sẽ sớm đưa sâm Việt Nam thành sản phẩm của quốc gia |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, việc thành lập Hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam là việc nên làm để làm sao ngành sâm phát triển ngang bằng với các nước trên thế giới.
“Chúng tôi rất ủng hộ việc đó, còn cách làm như thế nào thì phải do cách thức hoạt động của Hiệp hội làm sao cho phù hợp, nếu làm tốt thì các địa phương, doanh nghiệp sẽ cùng tham gia vào, cùng chung tay để phát triển ngành sâm Việt Nam ngành hàng mang thương hiệu quốc tế”, ông Bửu cho hay.
Được biết, hiện nay Ban vận động thành lập Hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam đang kết nối với các địa phương, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực sâm Việt Nam để chuẩn bị các công tác liên quan để Hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam sớm đi vào hoạt động, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo cộng đồng sâm Việt Nam. |