Ngành lưu trữ Việt Nam: Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Thành lập Hội doanh nghiệp lưu trữ Việt Nam |
Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 4/9/1962, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102-CP về việc thành lập Cục Lưu trữ trực thuộc Phủ Thủ tướng, có chức năng giúp nhà nước quản lý tập trung, thống nhất công tác lưu trữ và thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho nhà nước trong việc ban hành các chế độ, quy định về công tác lưu trữ.
Kể từ đó, nước ta có một cơ quan quản lý cao nhất về công tác lưu trữ, tạo điều kiện xây dựng ngành lưu trữ với hệ thống các văn bản pháp lý, hệ thống cơ sở khoa học nghiệp vụ và hệ thống tổ chức bộ máy và con người ngày càng hoàn chỉnh hơn.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tặng hoa chúc mừng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước |
Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước - ông Đặng Thanh Tùng cho hay, 60 năm qua, hòa cùng dòng chảy của lịch sử, theo từng giai đoạn phát triển của đất nước, Cục Văn thư và Lưu trữ đã có nhiều tên gọi và trực thuộc nhiều cơ quan Trung ương như: “Cục Lưu trữ thuộc Phủ Thủ tướng” từ ngày 4/9/1962 đến năm 1984; “Cục Lưu trữ Nhà nước” thuộc Hội đồng Bộ trưởng từ năm 1984-1991; từ năm 1991 đến nay là Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước thuộc Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ trước đây và thuộc Bộ Nội vụ ngày nay.
Đến nay, cơ cấu tổ chức bộ máy dần được kiện toàn: từ lúc chỉ có 3 đơn vị với 16 cán bộ và 2 nhân viên giúp việc, đến nay Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước gồm 13 đơn vị cấu thành với hơn 400 công chức, viên chức.
Theo Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, giữ vai trò của quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ thể hiện ở việc xây dựng, ban hành văn bản quản lý và hướng dẫn nghiệp vụ. Hệ thống văn bản pháp luật về văn thư, lưu trữ đã và đang dần được hoàn thiện, tiêu biểu như: Pháp lệnh Lưu trữ năm 1982, Luật Lưu trữ năm 2011 cùng nhiều Nghị định, Thông tư, văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, tạo cơ sở cho việc thực hiện công tác văn thư, lưu trữ tại các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương.
Trong những năm qua, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ quản lý tài liệu lưu trữ quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã quản lý, tổ chức thực hiện nhiều hoạt động nghiệp vụ nhằm bảo quản và phát huy hiệu quả khối di sản tư liệu quý giá của quốc gia, bao gồm hơn 33.000 mét giá tài liệu trên nhiều vật mang tin khác nhau, phản ánh đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX đến nay.
Công tác thu thập, bổ sung tài liệu vào các Trung tâm Lưu trữ quốc gia được thực hiện một cách tích cực và chủ động. Công tác tổ chức sử dụng tài liệu, phục vụ nhu cầu của độc giả trong và ngoài nước được thực hiện hiệu quả. Mỗi năm, các Trung tâm Lưu trữ quốc gia phục vụ hơn 5.000 lượt độc giả trong và ngoài nước, cấp bản sao, chứng thực hơn 100.000 trang tài liệu lưu trữ, đón trên 30.000 lượt khách đến tham quan khu trưng bày tài liệu lưu trữ.
Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước - ông Đặng Thanh Tùng |
Bên cạnh đó, với tư cách là thành viên của các tổ chức lưu trữ quốc tế, lưu trữ Việt Nam đã tích cực tham gia và thiết lập quan hệ hợp tác và ký kết các biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác với các cơ quan lưu trữ của 10 nước trong khu vực và trên thế giới như Lào, Campuchia, Cu Ba, Liên bang Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Đức, Pháp và Mỹ. “Điều này không những khẳng định vai trò, vị thế của lưu trữ Việt Nam trên trường quốc tế mà còn nhấn mạnh vai trò của ngành lưu trữ Việt Nam trong bảo tồn lịch sử chung của dân tộc Việt Nam và toàn nhân loại”- Cục trưởng Đặng Thanh Tùng nhấn mạnh.
Thời gian tới, phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, đòi hỏi Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước phải đổi mới, sáng tạo, đi đầu trong công tác văn thư và bảo quản phát huy cao độ giá trị tài liệu lưu trữ, nhằm phục vụ rộng rãi, hiệu quả công chúng và xã hội, đáp ứng yêu cầu kiến thiết quốc gia hưng thịnh trên mọi phương diện.
Trong đó, 4 nhiệm vụ quan trọng được lãnh đạo Bộ Nội vụ yêu cầu Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước cần tập trung gồm: Tham mưu lãnh đạo bộ xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách đủ mạnh, chặt chẽ trên cơ sở tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; tham mưu lãnh đạo Bộ và chủ động tập trung xây dựng, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ chuyên nghiệp; xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, thực hiện chuyển đổi số và quản lý an toàn tuyệt đối tài liệu lưu trữ quốc gia; coi trọng và tích cực triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học, mở rộng hơn nữa hợp tác quốc tế, cập nhật các thông tin khoa học nghiệp vụ để vận dụng vào công tác lưu giữ ở Việt Nam, cũng như khẳng định vị thế của lưu trữ Việt Nam trên trường quốc tế.