Th.S Đinh Thế Vinh, Phó Tổng biên tập Tạp chí Lưu trữ và Thời đại - Trưởng ban Vận động thành lập Hội Doanh nghiệp Lưu trữ Việt Nam, cho biết, từ sự quyết tâm, đồng thuận của 22 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lưu trữ ở Việt Nam, với sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ của các cơ quan hữu quan, ngày 24/01/2022 Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 54/QĐ-BNV cho phép thành lập Hội Doanh nghiệp Lưu trữ Việt Nam. Hội là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức và hoạt động theo Điều lệ được Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt; tuân thủ quy định của pháp luật, chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ, sự quản lý của các bộ, ngành khác có liên quan. “Đây là một bước ngoặt lịch sử, đánh dấu sự phát triển mới của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn thư, lưu trữ ở Việt Nam” - Th.S Đinh Thế Vinh khẳng định.
Đại hội đại biểu thành lập Hội doanh nghiệp lưu trữ Việt Nam nhiệm kỳ I (2022 - 2027) được tổ chức nhằm tìm ra những đại biểu có tâm huyết, trách nhiệm bầu vào Ban Lãnh đạo, Ban Kiểm tra Hội nhiệm kỳ 2022 - 2027 để dẫn dắt Hội ngày càng phát triển.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng phát biểu tại đại hội |
Phát biểu tại Đại hội, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng, đánh giá cao những kết quả mà Ban vận động thành lập Hội Doanh nghiệp lưu trữ Việt Nam đã làm được trong thời gian qua; sự kiên trì, tâm huyết của Ban vận động, sự quan tâm, giúp đỡ của Bộ Nội Vụ và các cơ quan liên quan đã tạo điều kiện cho sự ra đời của Hội. Đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện đảm bảo để tổ chức Đại hội thành lập Hội phù hợp với điều kiện thực tế.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, công tác văn thư, lưu trữ có vai trò rất quan trọng đối với tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, Đảng và nhà nước ta luôn đặc biệt coi trọng công tác lưu trữ và tài liệu lưu trữ. Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng nêu dẫn chứng: Ngay từ những ngày đầu nước nhà giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký Thông đạt số 1C/VP ngày 03/01/1946 về công tác công văn, giây tờ, trong đó Người đã chỉ rõ “tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết quốc gia” và đánh giá “tài liệu lưu trữ là tài sản quý báu, có tác dụng rất lớn trong việc nghiên cứu tình hình, tổng kết kinh nghiệm, định hướng chương trình kế hoạch công tác và phương châm chính sách về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, cũng như khoa học kỹ thuật. Do đó, việc lưu trữ công văn, tài liệu là một công tác hết sức quan trọng”.
Cũng theo Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng, xác định được tâm quan trọng của công tác lưu trữ, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Luật lưu trữ năm 2011 và tổ chức triển khai thực hiện đạt hiệu quả. Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã “chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số" nhiệm vụ phát triển lưu trữ điện tử (lưu trữ số) được xác định là một trong những yếu tố then chốt, góp phần thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng trao quyết định thành lập Hội Doanh nghiệp lưu trữ Việt Nam |
Hội hoạt động trên phạm vi cả nước, lĩnh vực hoạt động bao gồm các dịch vụ lưu trữ như: Bảo quản, chỉnh lý, tu bổ, khử trùng, khử axit, khử nấm mốc, số hóa tài liệu lưu trữ không thuộc danh mục bí mật nhà nước; tham gia đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu, tư vấn, ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ lưu trữ.
“Với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước Bộ Nội vụ sẽ đồng hành, tạo điều kiện cho hoạt động của Hội đúng với tôn chỉ, mục đích đã đề ra, và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đại hội” - Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng nói.
Hội doanh nghiệp lưu trữ Việt Nam được thành lập là bước ngoặt lịch sử, đánh dấu sự phát triển mới của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn thư, lưu trữ ở Việt Nam |
Sau khi Đại hội thành công, lãnh đạo Bộ Nội vụ cũng đề nghị Lãnh đạo Hội khẩn trương ổn định tổ chức, hoàn thiện các quy định, triển khai các nhiệm vụ đã đề ra.
Bên cạnh đó, Hội cần nâng cao vai trò quản lý, điều hành của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Kiểm tra Hội; làm tốt nhiệm vụ tập hợp và đoàn kết hội viên. Đặc biệt, chấp hành các quy định của pháp luật có liên quan đến tổ chức, hoạt động của Hội; tổ chức, hoạt động theo Điều lệ Hội đã được phê duyệt và phù hợp với pháp luật; không được lợi dụng hoạt động của Hội để làm phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thông của dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Ngoài ra, Hội cần tích cực nghiên cứu, cho ra đời các sản phẩm lưu trữ hiện đại góp phần đẩy mạnh chuyên đổi số tại nước ta. Phối hợp cùng các cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu, phát triển các sản phẩm lưu trữ điện tử; phối hợp triển khai các dự án trong lĩnh vực dịch vụ lưu trữ, đặc biệt là trong hoạt động chinh lý và số hóa tài liệu. “Với tâm huyến, trí tuệ và sự năng động, kinh nghiệm của Ban Vận động và các Lãnh đạo Hội, Tôi tin tưởng rằng Hội Doanh nghiệp lưu trữ Việt Nam sẽ thực hiện nghiêm túc Điều lệ - Quy chế - Nghị quyết để ra, xứng đáng là tổ chức quy tụ được các hội viên góp phần thúc đầy phát triển lĩnh vực hoạt động dịch vụ lưu trữ tại Việt Nam” - Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng nói.
Ban Chấp hành và Ban kiểm tra Hội doanh nghiệp lưu trữ Việt Nam nhiệm kỳ 2022 - 2027 ra mắt đại hội |
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Hội doanh nghiệp lưu trữ Việt Nam nhiệm kỳ 2022 - 2027 gồm 23 thành viên và Ban kiểm tra gồm 3 thành viên. Ngay sau đó, Ban Chấp hành Hội đã họp phiên thứ nhất bầu Ban Thường vụ; Chủ tịch; Tổng thư ký và Trưởng Ban kiểm tra. Theo đó, Th.S Đinh Thế Vinh, Phó Tổng biên tập Tạp chí Lưu trữ và Thời đại được bầu làm Chủ tịch Hội doanh nghiệp lưu trữ Việt Nam nhiệm kỳ 2022 - 2027. |