Bài viết “Cứ 2 tuần Việt Nam lại phải ứng phó với 1 vụ phòng vệ thương mại” đứng ở vị trí nổi bật trong mục kinh tế của báo Điện tử VOV, đã đưa ra thông tin: Đến thời điểm hiện tại đã có 214 vụ việc nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Riêng trong nửa đầu năm 2022, đã có 12 vụ việc điều tra mới đối với các sản phẩm sắt thép, tủ gỗ, pin năng lượng mặt trời...
Bài viết phản ánh lời ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại: Không chỉ đối với những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn mà các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu nhỏ cũng bị điều tra phòng vệ thương mại. Hiện nay, Bộ Công Thương đã và đang theo dõi biến động xuất khẩu của 36 nhóm mặt hàng và định kỳ đưa ra danh sách cảnh báo để thông tin cho các cơ quan chức năng, các hiệp hội, doanh nghiệp và các bên liên quan khác.
Cũng liên quan đến phòng vệ thương mại, báo Đầu tư có bài viết “Tiếp nhận hồ sơ gia hạn biện pháp tự vệ với sản phẩm thép nhập khẩu”.
Theo đó, Bộ Công Thương thông báo tiếp nhận hồ sơ yêu cầu rà soát cuối kỳ biện pháp tự vệ đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu trước 17 giờ ngày 13/8. Các nhà sản xuất trong nước là CTCP Thép Hòa Phát Hải Dương, CTCP Thép Miền Nam, CTCP Thép Thủ Đức và CTCP Thép Biên Hòa đã có hồ sơ yêu cầu rà soát cuối kỳ biện pháp tự vệ đối với phôi thép và thép dài.
Các mức thuế được áp dụng gia hạn đến hết ngày 21/3/2023, với mức thuế sẽ giảm dần theo từng năm. Cụ thể, trong năm đầu tiên mức thuế áp dụng với phôi thép là 15,3% và thép dài là 9,4%; năm thứ hai mức thuế giảm tương ứng là 13,3% và 7,9%; năm thứ 3 là 11,3% và 6,4%. Kể từ ngày 22/3/2023, nếu cơ quan chức năng không tiếp tục gia hạn thì mức thuế sẽ về 0%.
Cùng với phòng vệ thương mại, lĩnh vực năng lượng cũng thu hút sự quan tâm của báo giới. Trong đó, báo Lao động có bài “Khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1”. Bài viết phản ánh: Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 tại ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đã được khánh thành. Dự án có tổng mức đầu tư trên 43.000 tỉ đồng, do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án Điệu lực Dầu khí Sông Hậu 1 là đại diện chủ đầu tư.
Báo Tuổi trẻ cũng phản ánh sự kiện quan trọng này qua bài viết “Khánh thành nhà máy sản xuất điện vốn đầu tư 2 tỉ USD”. Bài viết nêu thông tin: Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 vừa được khánh thành chiều 16-7, với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Đây là nhà máy sản xuất điện lớn với tổng vốn đầu tư 2 tỉ USD, đóng góp cho lưới điện quốc gia khoảng 7,3 tỉ kWh/năm.
Nhà máy khởi công tháng 5-2015, đã hoàn thiện thủ tục liên quan, được công nhận và đưa vào vận hành thương mại từ ngày 6-5-2022.Đến nay nhà máy đã phát điện, cung cấp cho hệ thống điện quốc gia trên 2 tỉ kWh (bao gồm cả sản lượng điện trong giai đoạn chạy thử nghiệm thu), đóng góp cho lưới điện quốc gia khoảng 7,3 tỉ kWh/năm, góp phần đáp ứng nhu cầu phụ tải của khu vực Tây Nam Bộ và cả nước.