Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 16/7: Tận dụng thời cơ gia tăng xuất khẩu gạo
Trang thông tin Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ Công Thương 16/07/2022 11:20
“Sau 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào, thương mại hai nước không ngừng phát triển theo chiều hướng tích cực, ngày càng thực chất và đi vào chiều sâu”, là nội dung bài viết “Việt Nam - Lào còn nhiều dư địa trong hợp tác thương mại” đăng trên Báo Tin tức số ra sáng nay.
Nội dung bài báo viết: Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), thời gian qua, kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào luôn tăng trưởng tích cực. Hàng hoá xuất nhập khẩu giữa hai nước khá đa dạng và bổ sung cho nhau.
Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 309,4 triệu USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2021. Các mặt hàng xuất khẩu sang Lào chủ yếu là các nhóm sản phẩm từ sắt thép các loại; phương tiện vận tải và phụ tùng; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; phân bón các loại; sản phẩm từ chất dẻo; rau quả.
Ngoài ra, Việt Nam cũng nhập khẩu từ Lào 514,6 triệu USD, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm 2021 gồm các mặt hàng cao su; gỗ và sản phẩm gỗ; phân bón các loại; rau quả; quặng và khoáng sản.
Nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng thương mại Việt Nam - Lào trong năm 2022 và các năm tiếp theo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng hai bên cần duy trì và cải tiến mô hình thông quan phòng dịch tại các cửa khẩu biên giới đường bộ.
Bên cạnh đó, hai bên theo dõi sát việc đưa hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, đảm bảo luồng lưu thông được ổn định, thông suốt; thường xuyên rà soát, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý và phát triển thương mại biên giới cho phù hợp với tình hình thực tế.
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đang tận dụng thời điểm thị trường gạo thế giới đẩy mạnh việc mua hàng để gia tăng xuất khẩu |
Liên quan đến xuất khẩu gạo, Báo Kinh tế và đô thị có bài “Xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2022: Tạo đột phá bằng chất lượng”
Tác giả bài báo dẫn thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), dù chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố do xung đột Nga - Ukraine, nguy cơ lạm phát từ giá nguyên liệu sản xuất leo thang trên thế giới nhưng xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn đạt được một số kết quả tích cực. Gạo là một trong 28 mặt hàng có giá trị xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD trong 6 tháng năm 2022.
Cụ thể, trong 6 tháng năm 2022, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt hơn 3,5 triệu tấn, trị giá 1,72 tỷ USD, tăng gần 16,2% so với cùng kỳ năm 2021. Cơ cấu chủng loại gạo tiếp tục có sự chuyển biến tích cực phù hợp với định hướng Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo đã được phê duyệt.
Hiện, tỷ lệ xuất khẩu gạo trắng ở mức 44,7%, gạo thơm các loại khoảng 33,4%. Việt Nam tiếp tục xuất khẩu gạo hữu cơ và gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng tuy với tỷ trọng nhỏ nhưng đã làm đa dạng chủng loại gạo xuất khẩu và khẳng định được giá trị mặt hàng gạo xuất khẩu.
Công nghiệp cũng là chủ đề được dư luận quan tâm, Báo Lao động cung cấp bức tranh toàn cảnh về ngành trong 6 tháng đầu năm với bài viết “Thúc đẩy Công nghiệp hỗ trợ: Ngành công nghiệp phục hồi mạnh mẽ”
Bài báo trích dẫn số liệu từ Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), 6 tháng đầu năm 2022, giá trị tăng thêm, ngành công nghiệp tăng 8,48%, tăng cao hơn so với mức tăng chung của nền kinh tế (tăng 6,42%) và tăng cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước (6 tháng 2021, tăng 5,74%).
Quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục mở rộng với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7%. Trong phạm vi cả nước, có tới 61/63 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng và nhiều địa phương tăng ở mức rất cao, như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Nam, Bình Phước…
Cũng về chủ đề công nghiệp, Báo Đầu tư có bài viết “Phó thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo tái cơ cấu Dự án quặng sắt - gang thép và Dự án DAP-2 Lào Cai”.
Nội dung bài báo đăng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương đã chủ trì cuộc họp cho ý kiến về phương án cơ cấu lại 2 dự án yếu kém của ngành. Bao gồm: dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP-2 Lào Cai và Dự án khai thác, tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa, Nhà máy gang thép Lào Cai.
Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo sớm bàn bạc, thống nhất trình phương án cơ cấu Dự án khai thác, tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa, Nhà máy gang thép Lào Cai và tái cơ cấu nợ vay dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP-2 Lào Cai trên cơ sở đảm bảo ngân sách không phát sinh.