Truyền thông trong phòng vệ thương mại: "Tấm khiên" hữu hiệu
Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) - chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về vấn đề này.
Cùng với cơ quan quản lý chức năng, theo ông, báo chí đã có đóng góp như thế nào trong việc bảo vệ lợi ích của ngành sản xuất trong nước thời gian qua?
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với tốc độ rất nhanh, báo chí đã thể hiện rõ nét vai trò cầu nối nhanh nhất để doanh nghiệp và người dân nắm được cơ bản những diễn biến mới của quá trình hội nhập và những chính sách, quy định của nhà nước trong việc thực hiện các cam kết hội nhập. Báo chí cũng đã góp phần phổ biến và giúp doanh nghiệp hiểu được lợi ích của quá trình hội nhập, có sự điều chỉnh để thích ứng và tận dụng tốt những cơ hội mà hội nhập kinh tế quốc tế đem lại.
Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) |
Phòng vệ thương mại vốn là một lĩnh vực mà các doanh nghiệp Việt Nam mới bắt đầu tiếp cận trong quá trình hội nhập, nhưng có thể có tác động lớn đến doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp sản xuất trong nước, phòng vệ thương mại là "tấm khiên" bảo vệ doanh nghiệp trước một số hành vi cạnh tranh không công bằng của hàng nhập khẩu. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, hiểu biết về cơ chế áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại sẽ giúp tránh được những rủi ro không đáng có khi ứng phó với các vụ kiện, bảo vệ được lợi ích chính đáng của mình, góp phần duy trì và phát triển kết quả xuất khẩu.
Trong khi đó, báo chí là phương tiện có khả năng truyền tải nhanh chóng thông tin đến lượng độc giả đông đảo. Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan báo chí đã rất quan tâm, chú trọng đưa tin kịp thời về tác động của xu hướng bảo hộ, các biện pháp phòng vệ thương mại, qua đó góp phần nâng cao đáng kể nhận thức của các doanh nghiệp đối với lĩnh vực này. Đồng thời, thông qua những tin tức nhanh chóng của các phương tiện thông tin báo chí, doanh nghiệp cũng nắm bắt được sớm những rủi ro về phòng vệ thương mại có thể xảy ra, từ đó, chủ động biện pháp ứng phó kịp thời.
Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn sự hợp tác truyền thông giữa Cục Phòng vệ thương mại và các cơ quan báo chí, nhất là Báo Công Thương, về lĩnh vực phòng vệ thương mại?
Nhận thức rõ vai trò của báo chí về truyền thông, tuyên truyền chính sách phòng vệ thương mại, thời gian qua, Cục Phòng vệ thương mại đã thường xuyên tăng cường hợp tác, gắn kết chặt chẽ với cơ quan báo chí, trong đó có Báo Công Thương, để truyền tải thông tin về phòng vệ thương mại đầy đủ, chính xác và kịp thời đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Báo chí đẩy mạnh truyền thông về phòng vệ thương mại |
Cụ thể, đối với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại luôn cung cấp cho cơ quan báo chí ngay khi nhận được thông tin liên quan để kịp thời thông báo rộng rãi đến cộng đồng doanh nghiệp. Thông qua những hướng dẫn, khuyến nghị của Cục Phòng vệ thương mại được đăng tải trên các phương tiện thông tin báo chí, các doanh nghiệp bước đầu đã biết được những công việc cần triển khai, cơ quan cần liên hệ để có sự trợ giúp tốt nhất trong quá trình xử lý vụ việc.
Đối với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại trong nước, Cục phòng vệ thương mại đã cùng với cơ quan báo chí thường xuyên có sự trao đổi, chia sẻ để cơ quan báo chí có được bức tranh đầy đủ nhất về vụ việc, làm cơ sở cho việc đưa thông tin chính xác đến độc giả. Ở chiều ngược lại, thông qua những vấn đề được các cơ quan báo chí phản ánh, Cục Phòng vệ thương mại đã có thêm một nguồn thông tin để phục vụ cho công tác điều tra được thực hiện khách quan, minh bạch và công bằng hơn.
Thời gian tới, để báo chí phát huy vai trò, cũng như chức năng tuyên truyền chính sách về phòng vệ thương mại, ông có đề xuất, kiến nghị nào để công tác đạt hiệu quả hơn?
Báo chí đã tác động rất tích cức nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân về phòng vệ thương mại. Tuy nhiên, đặc điểm nổi bật của báo chí là luôn hướng tới mục tiêu phục vụ số lượng độc giả lớn và đa dạng, vì vậy, thông tin cần phải nhanh chóng, kịp thời, ngắn gọn và thu hút. Trong khi đó, phòng vệ thương mại là lĩnh vực phức tạp, cùng một vấn đề thường có nhiều ý kiến, quan điểm có thể không thống nhất với nhau. Do đó, công tác tuyên truyền trong lĩnh vực phòng vệ thương mại cần có sự kết hợp giữa báo chí với các cơ quan chuyên môn để làm cơ sở cho cơ quan báo chí có thể phản ánh thông tin vụ việc phòng vệ thương mại chính xác nhất dựa trên những nghiên cứu, phân tích chuyên sâu do các cơ quan chuyên môn tiến hành.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của báo chí trong công tác tuyên truyền về phòng vệ thương mại, trong thời gian tới, Cục Phòng vệ thương mại mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan báo chí, nhất là Báo Công Thương để truyền tải thông tin về phòng vệ thương mại một cách sâu rộng đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Về phía Cục Phòng vệ thương mại, để nâng cao hiệu quả tuyên truyền về chính sách phòng vệ thương mại cũng sẽ tiếp tục bám sát kế hoạch chung của Bộ Công Thương và được cụ thể hóa thành các định hướng cụ thể. Thứ nhất, cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời cho cơ quan báo chí về diễn biến các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam và đưa ra các khuyến nghị, hướng dẫn doanh nghiệp xử lý vụ việc hiệu quả, giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực của vụ việc đến doanh nghiệp xuất khẩu. Thứ hai, cung cấp thông tin chính xác cho cơ quan báo chí về tiến trình và kết quả các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại trong nước, giúp các doanh nghiệp và người dân hiểu được cơ sở để cơ quan chức năng đưa ra các quyết định liên quan. Thứ ba, phối hợp với các cơ quan báo chí trong hoạt động tuyên truyền để thực hiện các đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt liên quan đến công tác phòng vệ thương mại như Đề án nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, Đề án cảnh báo sớm và Đề án tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ.
Xin cảm ơn ông!