Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 27/9: Nâng cao năng lực logistics để tăng tốc xuất khẩu
Công Thương và công luận 27/09/2022 12:00
Báo Hải Quan có bài “Nâng cao năng lực logistics để tăng tốc xuất khẩu vào EU”. Nội dung bài báo viết: Giao thương Việt Nam-EU đã tăng trưởng khá tích cực sau hơn 2 năm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) thực thi. Tuy nhiên, để giảm áp lực về chi phí logistics, tăng tốc xuất khẩu vào EU, thời gian tới cần chú trọng hơn các giải pháp hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp dịch vụ logistics nói riêng, ngành logistics nói chung.
Tác giả bài báo đã trích lời ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) và ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).
Cụ thể, ông Kanh nói: Trước cơ hội mở ra từ EVFTA, ngành logistics Việt không chỉ đối mặt với sự cạnh tranh với các doanh nghiệp logistics EU mà chính các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ cạnh tranh lẫn nhau để giành nguồn hàng. “Cơ hội có nhưng có tận dụng được hay không lại là chuyện khác. Doanh nghiệp logistics Việt thiếu vốn, thiếu công nghệ và còn hạn về nhân lực”.
Nhằm hỗ trợ, thúc đẩy ngành logistics phát triển, ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Trần Thanh Hải thông tin, thời gian qua Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng đã dành sự quan tâm rất lớn. “Chúng ta nhìn thấy sự thay đổi rất mạnh mẽ ở trong các lĩnh vực như hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông thông qua việc mở rộng thêm các tuyến đường, xây dựng tuyến cao tốc mới, có những cảng biển, sân bay mới…. Sắp tới, Bộ Công Thương sẽ triển khai xây dựng chiến lược phát triển dịch vụ logistics với tầm nhìn dài hạn hơn so với kế hoạch hành động trước đây; đặt cơ sở nền móng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp logistics của Việt Nam, tiến tới đồng hành giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu vươn ra thị trường thế giới tốt hơn” - ông Hải nói.
Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 27/9: Nâng cao năng lực logistics để tăng tốc xuất khẩu |
Cũng về chủ đề xuất nhập khẩu, sáng nay Báo điện tử VietnamNet đăng bài “Trung Quốc giảm mạnh nhập khẩu gạo nếp Việt”. Theo đó, xuất khẩu gạo Việt Nam sang quốc gia tỷ dân Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2022 đã giảm mạnh 27,5% về lượng và giảm 28,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 466.225 tấn với trị giá 242,74 triệu USD. Dữ liệu thông tin thương mại trên từ Bộ Công Thương cũng cho thấy, thị trường Trung Quốc đang có động thái giảm nhập khẩu gạo nếp từ Việt Nam.
Cụ thể, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo nếp lớn nhất sang Trung Quốc và đây cũng là thị trường tiêu thụ gạo nếp số 1 của Việt Nam. Việc Trung Quốc duy trì chính sách “Zero Covid” phong tỏa để phòng chống dịch đã ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu tiêu thụ gạo nếp, chủng loại xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường này. 7 tháng đầu năm 2022 khối lượng xuất đạt 223.464 tấn, giảm mạnh hơn 53% so với cùng kỳ. Tỷ trọng gạo nếp trong tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc giảm xuống còn 48%, từ mức 74% của cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, điều tích cực là Trung Quốc lại tăng mạnh nhập khẩu các loại gạo thơm, đặc biệt là gạo ST21, ST24 từ Việt Nam. Lượng gạo thơm xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong 7 tháng của năm 2022 tăng 58,6%, lên 188.459 tấn. Ngoài ra, xuất khẩu gạo Japonica, gạo trắng của Việt Nam sang Trung Quốc cũng tăng khá mạnh trong những tháng đầu năm.
“Algeria mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương với Việt Nam” là tựa bài đăng trên Báo điện tử VietnamPlus của Thông tấn xã sáng nay.
Theo phóng viên Thông tấn xã tại Algeria, quyền Cục trưởng Cục Xúc tiến ngoại thương Algeria - ông Abdelatif El-Houari ngày 26/9 đã khẳng định nước này cam kết theo đuổi nỗ lực chung nhằm phát triển hợp tác kinh tế và thương mại với Việt Nam bằng cách thiết lập một cơ chế đối tác chiến lược có khả năng đảm bảo khai thác tốt nhất tiềm năng kinh tế của hai nước trên nền tảng quan hệ đối tác đôi bên cùng có lợi.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương Việt Nam, cho biết Việt Nam luôn coi trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác truyền thống nhiều mặt với Algeria, xem đây là đối tác kinh tế tin cậy và quan trọng hàng đầu tại khu vực châu Phi.
Ông Vũ Bá Phú mong muốn rằng hội nghị giao thương trực tuyến lần này sẽ tạo cầu nối hiệu quả để doanh nghiệp hai nước có dịp chia sẻ thông tin thị trường, nhu cầu hợp tác kinh doanh, đầu tư nhằm tìm ra những chiến lược tiếp cận thị trường của nhau một cách bài bản trên cơ sở tận dụng hiệu quả những năng lực cung ứng, sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam và Algeria.
Về thị trường, Báo điện tử VTC đăng bài “Bộ Công Thương đề nghị đấu giá quyền khai thác mỏ sắt 100 triệu tấn”. Nội dung bài báo: Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý và sử dụng đối với quặng sắt tại mỏ sắt Quý Xa (Lào Cai). Mỏ sắt này đang được Công ty trách nhiệm hữu hạn Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM) quản lý khai thác.
Theo Bộ Công Thương, trữ lượng còn lại của mỏ sắt Quý Xa rất lớn khoảng 100 triệu tấn, do vậy, cần thiết huy động sản lượng của mỏ sắt Quý Xa đến năm 2030 khoảng 3-5 triệu tấn/năm, sau năm 2030 khoảng 5-7 triệu tấn/năm.
Về giải pháp đối với mỏ Quý Xa, Bộ Công Thương đề nghị VTM đẩy mạnh việc khai thác 1 triệu tấn quặng sắt mỏ Quý Xa trong năm 2022 theo Nghị quyết số 164/NQ-CP ngày 29/12/2021 của Chính phủ để đảm bảo nguyên liệu cho Nhà máy gang thép Lào Cai duy trì sản xuất trong thời gian chưa cấp lại Giấy phép khai thác mỏ mới (tính đến ngày 22/7/2022, VTM đã khai thác được 444.000 tấn quặng sắt).
VTM khẩn trương hoàn thành Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo Nghị quyết số 164/NQ-CP ngày 29/12/2021 của Chính phủ và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại văn bản số 4342/VPCP-CN ngày 12/7/2022 của Văn phòng Chính phủ.