Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 2/7: ST25 - Gạo ngon nhất thế giới của Việt Nam có mặt tại Nhật Bản
Công Thương và công luận 02/07/2022 10:40
Trên Báo điện tử VTV sáng nay có bài “Gạo ST25 vượt qua 600 tiêu chuẩn kỹ thuật để được bán tại Nhật Bản”. Theo bài báo, sau khoảng 1 năm đàm phán, gạo ST25 với thương hiệu A An đã chính thức được nhập khẩu và bày bán tại các siêu thị của Nhật Bản để phục vụ cho người tiêu dùng.
Bài báo cũng trích dẫn lời của ông Vũ Hồng Nam - Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản: “Đưa được gạo ST25 chúng ta phải vượt qua được hơn 600 tiêu chuẩn kỹ thuật. Tôi cho đây là một thành công rất lớn của các nhà sản xuất và doanh nghiệp đưa được gạo ST25 vào thị trường Nhật Bản”.
Trong đợt đầu tiên, sẽ có khoảng 100 tấn gạo ST25 được nhập khẩu để bày bán tại các chuỗi siêu thị của Nhật Bản.
Cũng liên quan đến xuất khẩu, tuy nhiên tờ Thanh niên đăng bài về việc “Xuất khẩu sang Trung Quốc tiếp tục gặp khó”
Tác giả bài báo đưa thông tin từ báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ và tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại 6 tháng đầu năm của Bộ Công Thương: Việc chính phủ Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách “zero Covid” và áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát hàng hóa, phương tiện… đã ảnh hưởng lớn tới tốc độ thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới trên đất liền với Trung Quốc.
Hiện nay, năng lực thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh (cửa khẩu xuất khẩu trái cây chính của Việt Nam sang Trung Quốc) vẫn ở mức khoảng hơn 100 xe/ngày, thấp hơn rất nhiều so với thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19 (khoảng từ 300 - 400 xe/ngày).
Ngoài ra, việc nhiều doanh nghiệp hai nước vẫn lựa chọn xuất khẩu “tiểu ngạch” (hình thức trao đổi cư dân biên giới) vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro về thanh toán, kiểm dịch, ép cấp, ép giá, ùn tắc… càng khó khăn hơn cho xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai tuy đã khôi phục hoạt động thông quan hàng hóa tại nhiều cặp cửa khẩu nhưng vẫn tiếp tục tạm dừng thông quan nhiều mặt hàng nông sản, trái cây tươi (thanh long, chuối, vải thiều, nhãn, xoài…).
Về chủ đề năng lượng, Báo Tuổi trẻ có bài “Giảm thuế xăng dầu: Bao giờ cho đến tháng 10?”. Theo bài báo, việc ngăn chặn đà tăng giá xăng dầu là cần thiết. Đây không đơn thuần là việc giảm thuế mà là đưa ra công cụ nhằm kiểm soát, bình ổn giá xăng dầu, tránh những tác động tiêu cực lớn đến nền kinh tế và đời sống sản xuất, kinh doanh...
Tác giả bài báo đã có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Anh Công, phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xung quanh việc Bộ Tài chính trình phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu.
Ông Hoàng Anh Công cho biết, theo quy định, việc thay đổi mức thuế là thẩm quyền của Quốc hội và không ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết khi Quốc hội không họp. Do vậy, nếu việc giảm các loại thuế đối với xăng dầu thực sự cấp bách, phải triệu tập kỳ họp bất thường.
“Theo tôi, với vấn đề cần thiết và ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế như thế này cũng nên xem xét tổ chức phiên họp bất thường ngắn, có thể trong một ngày để Quốc hội quyết định việc giảm thuế. Cái đấy là cần thiết cho nền kinh tế” - ông Hoàng Anh Công nói.
“Theo kết luận của Ủy ban Thuế quan Philippines, hạt nhựa HDPE Việt Nam xuất khẩu không bị áp thuế tự vệ. Hai tuần tới sẽ có quyết định chính thức” là nội dung bài viết “Hạt nhựa HDPE của Việt Nam xuất khẩu sang Philippines không bị áp thuế tự vệ” đăng trên Báo điện tử Bnews (Thông tấn xã Việt Nam) sáng nay.
Bài báo dẫn thông tin từ Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Ủy ban Thuế quan Philippines kiến nghị Bộ Công Thương Philippines áp dụng mức thuế tự vệ 2% trong vòng 3 năm đối với hạt nhựa mật độ cao (High-Density Polyethylene - HDPE) thuộc mã AHTN 3901.20.00 nhập khẩu từ nhiều quốc gia nhằm ngăn chặn nguy cơ hạt nhựa HDPE nhập khẩu gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, mức thuế này sẽ không áp dụng đối với hạt nhựa HDPE nhập khẩu từ Việt Nam do Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia đang phát triển có lượng nhập khẩu dưới 3%. Dự kiến trong khoảng 2 tuần tới, Bộ Công Thương Philippines sẽ có quyết định chính thức về vấn đề này.