Sau báo cáo hàng tháng của Tổng cục Thống kê, nhiều bài báo trên nhiều lĩnh vực kinh tế đã đưa ra các bài phân tích. Báo VnExpress có bài: “Lạm phát - áp lực ẩn sau mức tăng trưởng kỷ lục của GDP”. Theo bài báo, GDP quý II tăng 7,72% - cao nhất kể từ năm 2011 nhưng ẩn sau con số kỷ lục này là lạm phát đã phả sát vào túi tiền chi tiêu của người dân. Bình quân 6 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,44% so với cùng kỳ, lạm phát cơ bản tăng 1,25%. Tuy mức tăng tương đối không cao, ảnh hưởng của lạm phạt lại ngày càng rõ hơn. Lạm phát thực tế đã tác động ngay từ con số tăng trưởng kỷ lục của quý II. GDP tăng cao là điều đã được dự báo bởi mức nền thấp sau hai năm ảnh hưởng của đại dịch.
Tuy nhiên, nếu bóc tách con số này, tăng trưởng kinh tế quý II cao nhất thập kỷ phụ thuộc chủ yếu vào sự phục hồi của khu vực dịch vụ. Trong quý II, khu vực này tăng 6,6%, đóng góp gần 47% vào mức tăng chung của nền kinh tế. Mức tăng này cao hơn 2% so với cùng kỳ. Ngược lại, nông, lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp - xây dựng đều tăng thấp hơn.
Trong khi đó, hạ giá xăng dầu vẫn là chủ đề nóng trên các báo. Báo Zing có bài “Giá xăng sẽ giảm bao nhiêu nếu được giảm 3 loại thuế? Bộ Tài chính vừa đề xuất giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT với xăng dầu. Theo đó, nếu được đồng ý giảm 3/4 sắc thuế, giá xăng trong nước dự kiến giảm mạnh. Xăng dầu vừa là mặt hàng thiết yếu vừa là mặt hàng chiến lược quan trọng. Thời gian qua, giá lập kỷ lục liên tục đã tác động lớn đến tâm lý, chi tiêu của người dân, gây áp lực lớn đến giá hàng hóa, chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp...
Trong nhiều lần phát biểu, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng và thuế VAT thuộc thẩm quyền Quốc hội và không thể áp dụng ngay.
Về xuất nhập khẩu, báo Lao động có bài: Gạo Việt đang chinh phục những thị trường "khó tính" bậc nhất. Việc gạo Việt đang "lên kệ" tại các siêu thị của Nhật Bản, Pháp, Đức, Mỹ... cho thấy, chất lượng gạo Việt đang chinh phục những thị trường cao cấp bậc nhất thế giới.
Trong khi đó, CafeF lại có bài: Xu hướng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc: Việt Nam hưởng lợi lớn nhưng chưa tận dụng được cơ hội. Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi lớn nhất từ việc các nhà máy rời khỏi Trung Quốc nhờ có các hiệp định thương mại tự do với khối ASEAN, hiệp định thương mại ưu đãi với nhiều nước châu Á và EU cũng như Mỹ. Trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Việt Nam tăng 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 153,29 tỷ USD.
Tờ Nikkei Asia nhận định, nhiều đơn hàng đặt sản xuất tại Việt Nam nhưng hơn một nửa đến từ Trung Quốc. Khách hàng Mỹ vẫn chủ yếu làm ăn với công ty Trung Quốc, chỉ là hàng hóa được vận chuyển từ Việt Nam. Năng lực xuất khẩu của toàn khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, đang quá tải và không còn nhiều dư địa để giải quyết thêm đơn hàng trong ngắn hạn. Trong trung và dài hạn, tốc độ tăng trưởng nhanh của Việt Nam trong 3 năm qua đạt đến điểm nghẽn, với lợi thế chủ yếu về đất đai và chi phí lao động thấp.