Tờ Tiền phong ngày 2/6 có bài: Đề xuất tiếp tục giảm thuế với giá xăng dầu. Bài báo cho biết, tại thảo luận tại Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu cảnh báo tình trạng giá xăng dầu tăng. Từ đó, đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng xăng, dầu.
Giá xăng dầu được dự báo tiếp tục tăng |
Cụ thể, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh), Chính phủ nên sớm trình Quốc hội, UBTVQH giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng, trong đó có mặt hàng xăng dầu. Nếu để giá xăng dầu tăng cao, sẽ đến đến các mặt hàng khác đều tăng giá theo.
Tương tự, đại biểu Bùi Mạnh Khoa (Thanh Hóa) nói, giá xăng dầu thời gian tới có thể tiếp tục tăng hoặc giữ ở mức cao, gây lạm phát, ảnh hưởng đến thu nhập, chi tiêu của người dân. Để giảm giá xăng dầu, đại biểu đề nghị sớm quyết định sớm điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng tương tự việc giảm thuế bảo vệ môi trường vừa qua. Việc giảm thuế xăng dầu có thể ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, nhưng theo đại biểu, Việt Nam có thể tranh thủ xuất khẩu dầu thô để bù đắp trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng.
Nghị định 35/2022/NĐ-CP được đánh giá như “cú hích” chính sách phát triển khu công nghiệp |
Cũng liên quan đến giá xăng dầu tăng, tờ VnExpress có bài: Đại biểu Quốc hội đề nghị giảm tiếp thuế để kìm giá xăng.
Theo bài báo, từ 15h chiều 1/6, giá xăng bán lẻ trong nước đã lập kỷ lục mới, vượt 31.000 đồng mỗi lít xăng RON 95. Giá xăng sinh học E5 RON 92 cũng tăng lên mức 30.230 đồng một lít. Đây là lần tăng giá thứ 5 liên tiếp của xăng trong chưa đầy hai tháng.
Giá xăng dầu trong nước liên tiếp phá kỷ lục. Tại kỳ họp đang diễn ra, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có ngay giải pháp bình ổn giá mặt hàng này, tránh hiệu ứng domino tới các mặt hàng khác.
Hiện, thuế suất thuế giá trị gia tăng với xăng dầu là 10%; thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng RON 95 cũng 10%. Việc giảm thuế xăng dầu có thể ảnh hưởng nguồn thu ngân sách, nhưng Việt Nam có thể tranh thủ xuất khẩu dầu thô để bù đắp trong bối cảnh giá thế giới tăng.
Tuy nhiên, bên hành lang Quốc hội, ông Trần Văn Lâm, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách, cũng nhận xét kiểm soát giá xăng dầu không có nghĩa giữ giá mặt hàng này ở mức thấp.
Ông Lâm phân tích, nếu chênh lệch quá lớn giữa giá xăng dầu trong nước và thế giới sẽ tạo điều kiện cho buôn lậu. Tức là, xăng dầu nhập về rồi chảy ngược ra nước ngoài, trong khi Chính phủ phải bù lỗ việc nhập khẩu.
Hơn nữa, ông cho rằng chênh lệch giá quá lớn giữa xăng dầu trong nước và thế giới cũng không đảm bảo yếu tố cạnh tranh của thị trường tự do. Thị trường Việt Nam sẽ bị đánh giá không vận hành đúng cơ chế thị trường, hệ quả có thể đối mặt các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp...
Liên quan đến lĩnh vực công nghiệp, tờ Lao động có bài: Lược bỏ một số thủ tục về thành lập khu công nghiệp
Theo bài báo, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về ban quản lý KCN và khu kinh tế, trong đó một số thủ tục về thành lập khu công nghiệp đã được lược bỏ.
Nghị định này gồm 8 chương với 76 điều, quy định những vấn đề chung về: Phương hướng xây dựng, phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế, đầu tư hạ tầng, thành lập, hoạt động, chính sách phát triển và quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu kinh tế. Nghị định có hiệu lực từ 15/7/2022.
Cũng liên quan đến vấn đề này, tờ Diễn đàn Doanh nghiệp ngày 2/6 có bài: Nghị định 35/2022/NĐ-CP: “Cú hích” chính sách phát triển khu công nghiệp
Theo bài báo, trước nhu cầu phát triển và đòi hỏi từ thực tiễn, Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ra đời được cho sẽ tạo ra cơ hội và triển vọng phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế.
So với Nghị định 82, Nghị định 35 được cho là hoàn thiện, ưu việt hơn khi các quy định trong các điều kiện của Nghị định được xác định phù hợp với thực tế, giảm bớt thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.