Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, sáng ngày 02/6/2022, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Đại biểu Phạm Văn Hòa - đoàn Đồng Tháp cho rằng, từ đầu năm đến nay dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của các ngành, các cấp; sự thống nhất đồng lòng của cả cộng đồng doanh nghiệp và người dân nên dịch bệnh kiểm soát đẩy lùi, nền kinh tế đang hồi phục hồi, phát triển.
Đại biểu Phạm Văn Hòa - đoàn tỉnh Đồng Tháp phát biểu thảo luận tại hội trường |
Kinh tế vĩ mô ổn định, công nghiệp thương mại, dịch vụ, nông nghiệp tăng trở lại. Điều đáng mừng là có trên 30.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động; tăng GDP hơn 5%, thu ngân sách cao hơn cùng hơn cùng kỳ, nợ công ở mức thấp, kim ngạch xuất khẩu tăng cao, nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ cho nền kinh tế; đời sống việc làm an sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng an ninh được giữ vững góp phần củng cố niềm tin và nhân dân.
Thời gian tới để đạt được mục tiêu đã đề ra, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm đến một số vấn đề sau: Thu ngân sách vượt dự toán nhưng dự báo là thiếu bền vững; thời gian qua thu nhiều vào dầu thô nên tăng thu là tất nhiên, nhưng mặt trái của tăng thu từ dầu thô là giá xăng dầu trong nước không ngừng tăng làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống và sản xuất - kinh doanh…
"Theo đó, việc bình ổn giá xăng dầu ở trong nước ở mức cho phép là điều cần cho phát triển sản xuất - kinh doanh và ổn định đời sống sinh hoạt của người dân" - ông Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Đại biểu cũng nêu quan điểm, Nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp, cổ phần hóa, khoán bán, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp đã nhiều năm nay nhưng thực hiện rất chậm, chưa hoàn thành được mục tiêu đề ra.
“Vì vậy, đề nghị Chính phủ có đánh giá cụ thể để thời gian tới quyết liệt đẩy nhanh cổ phần hóa đạt tiến độ, ổn định tư tưởng, việc làm cho người lao động tại các doanh nghiệp có phương án cổ phần hóa, tăng phần nào nguồn thu cho ngân sách và phát triển sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp này. Bởi đa số các doanh nghiệp trong diện cổ phần hóa là doanh nghiệp lớn” - đại biểu đoàn Đồng Tháp nêu.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Hoàng Quốc Khánh - đoàn Lai Châu cho rằng, giá các mặt hàng thiết yếu tăng mạnh như xăng dầu, vật liệu xây dựng, giá các loại phân bón trong nông nghiệp đã tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp, tạo áp lực lớn đến lạm phát của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đến nay đã hơn 1 năm mới phân bổ nguồn vốn nhưng còn thiếu rất nhiều văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương. Việc triển khai Chương trình phục hồi kinh tế được Quốc hội quyết định thực hiện trong 2 năm, đến nay tiến độ xây dựng, ban hành các văn bản để thực hiện chương trình này còn chậm.
Hoạt động của doanh nghiệp khó khăn trong 4 tháng đầu năm nay, rất nhiều doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh chờ làm thủ tục giải thể hoặc đã giải thể tăng cao so với năm 2021.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội được Chính phủ đề ra, đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề xuất với Quốc hội, Chính phủ cần đánh giá và dự báo tình hình thận trọng, chính xác, nhận diện đúng tình hình để có kế hoạch ứng phó phù hợp.
Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ đặc biệt quan tâm đến vấn đề lạm phát và có giải pháp phù hợp, kể cả biện pháp tiếp tục giảm thuế để giảm giá các mặt hàng thiết yếu trong nước.
Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương kết thúc các cuộc thanh tra và sớm có kết luận đúng, sai đối với vụ việc mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm y tế trong toàn ngành y tế.